1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Lương tối thiểu cần tăng 10-12% để giảm gánh nặng cho người lao động

(Dân trí) - Năm 2015, bối cảnh kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn. Để cân đối gánh nặng về lương của người lao động và sự phát triển của doanh nghiệp (DN), mức lương tối thiểu nên tăng từ 10-12%.

Tại hội thảo “Đề xuất của người sử dụng lao động về phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu áp dụng cho năm 2015”  tại cuộc hội thảo do VCCI và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vừa tổ chức, VCCI  đưa ra thống kê: Bình quân, lương tối thiểu vùng tăng 9,9% năm 2010, 30,1% vào năm 2012 và 15,2% năm nay. Tốc độ tăng lương tối thiểu vùng ngang bằng với tốc độ tăng trưởng của Chỉ số Giá Tiêu dùng  (CPI) trong giai đoạn 2010-2011 nhưng lại cao gấp 3 lần tăng trưởng CPI trong năm 2015.

Năm 2014, lương tối thiểu năm được quy định ở mức 1,9 triệu - 2,7 triệu VNĐ/tháng, tùy từng vùng.

Đề xuất tăng lương tối thiểu 10-12% năm 2015

Đề xuất tăng lương tối thiểu 10-12% năm 2015

Chuyên gia VCCI nhận định, vấn đề điều chỉnh lương tối thiểu theo lộ trình năm 2015 cần tính toán kỹ. Nếu ở mức quá cao sẽ ảnh hưởng tới ngành dệt may, da giày và thủy sản là chủ yếu. Cụ thể, khi tăng lương tối thiểu thêm 10% có thể làm tổng quỹ lương mà doanh nghiệp phải chi trả cho người lao động tăng thêm hơn 17%.

Đồng ý với nhận định này, bà Nguyễn Huyền Lê, Trưởng phòng sử dụng lao động, Viện Lao động xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, kết quả nghiên cứu của Viện cho thấy, tăng lương tối thiểu từ 10-24% sẽ làm tăng chi phí tiền lương doanh nghiệp từ 17-29% trong ngành da giày; chi phí đầu vào tăng khoảng 7-8%; Có tới 80% DN Việt Nam và 30% DN FDI không đạt được năng suất đề ra, thu hẹp sản xuất và ảnh hưởng tới khả năng của doanh nghiệp.

Ở góc độ khác, ông Phillip Hazelton, Cố vấn trưởng Dự án Quan hệ Lao động của ILO Việt Nam  nhận định, điều quan trọng là phải tạo điều kiện và khuyến khích các cuộc thảo luận chung trên cơ sở dữ liệu khoa học và sự tham gia của các tổ chức đại diện người sử dụng lao động có tầm ảnh hưởng trong quá trình điều chỉnh tiền lương tối thiểu. Tuy nhiên, ông Phillip Hazelton cũng nhấn mạnh các xuất về phương án điều chỉnh lương tối thiểu phải dựa trên những số liệu thống kê đáng tin cậy và những phân tích dữ liệu chính xác, tính đến cả các tiêu thức xã hội và kinh tế, tránh thiệt thòi cho người lao động hay gây gánh nặng quá lớn cho DN.

Ông Gary Rynhart, chuyên gia cao cấp về hoạt động của giới sử dụng Lao động, ILO nhấn mạnh, lương tối thiểu có những hạn chế và không nên sử dụng lương tối thiểu để giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến đói nghèo. Ông Rynhart cũng cho rằng cơ quan chức năng cần tránh đưa chỉ số hóa lương tối thiểu theo CPI bởi CPI chỉ đo lường thay đổi về giá cả mà không cung cấp thông tin về thu nhập và mức chi tiêu của tất cả các hộ gia đình.

Phạm Thanh