1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Lương quản lý ở doanh nghiệp FDI đạt 12 triệu đồng/tháng

Báo cáo điều tra tiền lương, năng suất lao động trong các loại hình doanh nghiệp năm 2005 vừa được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội công bố cho thấy, mức lương tháng cao nhất hiện nay thuộc về nhóm lao động quản lý tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) - bình quân 12 triệu đồng.

Vẫn tại doanh nghiệp FDI, tiền lương bình quân của lao động chuyên môn, nghiệp vụ là 2,2 triệu đồng; lao động trực tiếp sản xuất là 1,3 triệu đồng. Trong khi đó, tại doanh nghiệp nhà nước, tiền lương bình quân của lao động quản lý chỉ 4,3 triệu đồng; người có chuyên môn nghiệp vụ là 1,5 triệu đồng; người trực tiếp sản xuất là 1,4 triệu đồng.

 

Tại doanh nghiệp ngoài nhà nước, tiền lương bình quân của lao động quản lý chỉ 3 triệu đồng. Lao động có chuyên môn nghiệp vụ và người trực tiếp sản xuất, mức lương bình quân lương tháng tương ứng là 1,4 và 1,1 triệu đồng. Như vậy, chênh lệch lớn chỉ xảy ra ở nhóm lao động quản lý giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, còn lao động trực tiếp sản xuất, mức lương chỉ chênh 300.000 đồng.

 

Xem xét mối quan hệ giữa tiền lương và lợi nhuận, các khảo sát viên nhận thấy năm 2004, nếu một đồng tiền lương của lao động trong doanh nghiệp nhà nước chỉ tạo ra 0,3 đồng lợi nhuận thì tại doanh nghiệp FDI, con số này là 1,1; doanh nghiệp ngoài nhà nước là 0,5.

 

Tiền lương tháng bình quân của lao động theo các trình độ (năm 2005):

- Đại học trở lên: 2,4 triệu đồng.
- Cao đẳng: 1,7 triệu đồng.
- Trung học chuyên nghiệp: 1,4 triệu đồng.
- Trình độ sơ cấp: 1,3 triệu đồng
- Công nhân kỹ thuật: 1,3 triệu đồng.
- Lao động chưa qua đào tạo: 1 triệu đồng.

Kết quả điều tra cũng cho thấy một nghịch lý là tốc độ tăng tiền lương không tương xứng với tốc độ tăng năng suất và lợi nhuận. Cụ thể, tại doanh nghiệp FDI, năm 2004, trong khi năng suất lao động tăng 18,3%, lợi nhuận tăng 41,2% so với năm 2003 thì tiền lương chỉ tăng 12,6%. Doanh nghiệp ngoài nhà nước năm 2004 năng suất lao động tăng 10,3%, lợi nhuận tăng 54,3% so với năm 2003, nhưng tiền lương chỉ tăng 2,8%.

 

Trái với việc làm nhiều, tăng lương ít của 2 loại hình doanh trên thì tại doanh nghiệp nhà nước, trong khi lương năm 2004 tăng 17,4% thì năng suất lao động chỉ tăng 8,2% và lợi nhuận giảm 1% so với năm 2003.

 

Cuộc điều tra được tiến hành bằng hình thức phỏng vấn trực tiếp tại 500 doanh nghiệp ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam. Đây là cuộc điều tra quy mô nhất từ trước đến nay. Kết quả điều tra sẽ là cơ sở cho việc nghiên cứu, hoạch định chính sách về lao động, tiền lương trong doanh nghiệp.

 

Theo Hồng Khánh
VnExpress

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm