1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Lượng phù sa bồi cát về ĐBSCL đang giảm tới 70%

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, số liệu nghiên cứu của Ủy hội sông Mê Kông cho thấy, việc các quốc gia thượng nguồn sông Mê Kông xây dựng thủy điện khiến lượng phù sa bồi cát về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giảm đến 70%.

Chiều ngày 18/6, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng chủ trì hội nghị giới thiệu bản đồ sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vùng ĐBSCL. Tham dự có đại diện 13 tỉnh, thành phố khu ĐBSCL.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, diễn biến phức tạp của sạt lở bờ sông, bờ biển có xu thế ngày càng gia tăng cả về phạm vi và quy mô. Bản đồ sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vùng ĐBSCL cả nước hiện đã xác định được 562 điểm trên tổng số 786 km sạt lở bờ sông, bờ biển. Trong đó, có 55 điểm, với 173 km sạt lở đặc biệt nguy hiểm; 507 điểm sạt lở nguy hiểm và sạt lở bình thường, tổng chiều dài 613 km.

Theo các đại biểu, cùng với các giải pháp đầu tư xây dựng công trình phòng chống sạt lở, việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu trong đó có bản đồ sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển có ý nghĩa rất quan trọng trong việc theo dõi diễn biến sạt lở, nâng cao năng lực ứng phó, chủ động phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại, ổn định dân sinh vùng ven sông, ven biển ĐBSCL là cần thiết và cấp bách.

Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang cho biết, trên địa bàn hiện nay mức độ và tốc độ xói lở những năm qua rất lớn. Từ năm 2000 đến nay xói lờ bờ biển và đai rừng phòng hộ ven biển bị mất khoảng hơn 6km.

Để khắc phục tình trạng này Tiền Giang đã và đang phải kè mái đê biển theo phương châm "rừng mất đến đâu kè mái đê tới đó". Dự báo, từ nay đến năm 2020, tỉnh Tiền Giang tiếp tục bị sạt lở bờ biển khoảng 3.000m. Theo kế hoạch, trong năm nay tỉnh Tiền Giang phải kè 1.800m, số còn lại khoảng 1.400m nữa sẽ tiếp tục hoàn thiện nốt trong 2 năm 2019-2020:

“Đê biển rừng mất đến đâu thì kè bảo vệ đê biển đến đó. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài ngoài xử lý ở những điểm sạt lở mất rừng chúng ta phải kè mái đê thì phải xây dựng các công trình gây bồi, tạo bãi để trồng rừng phòng hộ, ngoài đê phải có đai rừng phòng hộ hơn 200 mét như thế mới bảo vệ được đê biển” – ông Pháp cho biết.

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng phát biểu tại Hội nghị.
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng phát biểu tại Hội nghị.

Thông tin tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho biết, số liệu nghiên cứu của Ủy hội sông Mê Kông cho thấy, việc các quốc gia thượng nguồn sông Mê Kông xây dựng thủy điện khiến lượng phù sa bồi cát về khu vực ĐBSCL giảm đến 70%, bên cạnh đó là tình trạng khai thác cát quá mức dẫn đến sạt lở bờ sông, bờ biển ở khu vực này ngày càng gia tăng.

Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, trong điều kiện nguồn lực còn hạn hẹp, Chính phủ vẫn ưu tiên phân bổ nguồn kinh phí để giảm thiểu những tác động từ sạt lở bờ sông, bờ biển gây ra. Vì vậy cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó việc ứng dụng bản đồ sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vùng ĐBSCL là một trong những giải pháp để nâng cao khả năng dự báo, cảnh báo, hỗ trợ các nhà quản lý, chính quyền địa phương và cộng đồng tiếp cận trực tuyến nhanh chóng, chi tiết các vị trí, hình ảnh và video tại các khu vực sạt lở nhằm từng bước kiểm soát an toàn về phòng chống sạt lở trước mắt và lâu dài…

“Chúng ta đang phải đối mặt với tác động kép đó là, tác động của biến đổi khí hậu và phát triển thiếu bền vững. Giải pháp có thể làm và cần làm ngay là tôn tạo, phục hồi lại các hệ sinh thái. Có những chỗ lượng phù sa về nhiều có thể phục hồi bằng các giải pháp "bẫy phù sa", phục hồi rừng. Có những chỗ không có phù sa phải xây dựng các công trình kiên cố giảm năng lực phát sóng gây xói lở bờ biển. Đi kèm với đó phải đẩy mạnh trồng rừng cũng như việc sử dụng hợp lý đất vùng ven biển, chỉnh trị sông” – Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh.

Nguyễn Dương