Lương giúp việc cao hơn người tốt nghiệp đại học
(Dân trí) - Thu nhập của lao động giúp việc (LĐGV) không hề thua kém lao động có bằng cấp đại học. Tuy nhiên, LĐGV phải đối phó với nhiều thiệt thòi và bản thân người làm việc không coi là nghề.
Theo công bố được đưa ra tại Hội thảo Công nghiên cứu về lao động (LĐGV) do Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng (GFCD) và OXFAM vừa tổ chức, tại Việt Nam, dù chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng số lượng người giúp việc tăng nhanh, chiếm 0,4 % tổng số lao động hiện có (Tổng cục Thống kê). Dự báo, trong vòng 3 - 5 năm tới, số lượng LĐGV sẽ tăng lên khoảng 246 nghìn người, nhiều nhất vẫn là tại các thành phố lớn.
Báo cáo cho biết, hiện thu nhập của một LĐGV khá cao, không hề thua kém với lao động có bằng cấp đại học. Cụ thể, trong khi thu nhập bình quân của lao động ngoại thành đạt gần 1,5 triệu đồng, lao động đại học mới ra trường cũng chỉ được gần 2,7 triệu đồng/tháng, kém hơn so với mức lương của LĐGV (dao động từ 2,8 - 3,5 triệu, chưa kể các khoản thưởng)… Tuy nhiên, phía người LĐGV còn chịu nhiều thiệt thòi. Bởi trên thực tế có tới hơn 91% hợp đồng lao động chỉ thoả thuận bằng miệng, không có hợp đồng lao động. Hơn 30% LĐGV có thỏa thuận về thời gian; 61% LĐGV phải làm quá 8 tiếng/ngày; 20,2% LĐGV thường xuyên bị mắng chửi; 2,4% NGV bị đánh đập, đẩy ngã; 0,8% LĐGV có nguy cơ bị đe doạ, cưỡng bức tình dục. Chỉ có 22,2% số LĐGV có BHYT (BHYT theo người nghèo), chỉ có 0,8% gia chủ mua BHYT cho LĐGV vì lao động gắn bó từ 7-8 năm, có tới 72,3% LĐGV không nắm được quyền và nghĩa vụ mà họ có thể có, nhưng vẫn có 74% NGV không coi đây là một nghề.
Cũng theo báo cáo thống kê, có tới 98,7% LĐGV là phụ nữ. Phần lớn trong số họ ở độ tuổi từ 38- 55 tuổi (chiếm hơn 90%). Hơn 22% LĐGV có trình độ tiểu học trở xuống, thậm chí không biết chữ. Hơn 20% LĐGV là người đơn thân, hơn 47% LĐGV là người nghèo, người có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn ở vùng sâu vùng xa.
Tuy nhiên theo ông Hoàng Minh Hào - Vụ phó Vụ Tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH), cái khó lớn nhất trong vấn đề đảm bảo quyền lợi cho LĐGV chính là vấn đề quản lý các trung tâm và gia đình khách hàng. Bởi không thể tiến hành thanh kiểm tra việc lao động làm việc khi mà LĐGV làm việc trong môi trường khép kín.
Tuy nhiên theo ông Hoàng Minh Hào - Vụ phó Vụ Tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH), cái khó lớn nhất trong vấn đề đảm bảo quyền lợi cho LĐGV chính là vấn đề quản lý các trung tâm và gia đình khách hàng. Bởi không thể tiến hành thanh kiểm tra việc lao động làm việc khi mà LĐGV làm việc trong môi trường khép kín.
Đứng về phía đơn vị quản lý, ông Phạm Minh Huân - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH đánh giá cao kết quả từ nghiên cứu. Ông cho rằng kết quả và những khuyến nghị của dự án nghiên cứu sẽ là căn cứ để Chính phủ có những nghị định, quy định chi tiết nhằm quản lý tốt hơn về vấn đề này. Ông Huân cho rằng, trong thời gian tới cần phải hoàn thiện hệ thống quản lý Nhà nước, đẩy mạnh việc thanh kiểm tra. Đồng thời đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức của LĐGV, xã hội và người sử dụng lao động.
Phạm Thanh - Hoài An