Kon Tum:
Lúng túng xử lý nghìn tấn đất đá đổ trái phép ven quốc lộ
(Dân trí) - Sau 2 năm, cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum vẫn đang loay hoay xử lý, khắc phục tình trạng đổ thải trái phép ven Quốc lộ 14, khi thi công tuyến tránh TP Kon Tum.
Trước đó, năm 2020, đoàn kiểm tra liên ngành Sở TN&MT tỉnh Kon Tum phối hợp với UBND TP Kon Tum, UBND xã Hòa Bình đã kiểm tra dọc tuyến Quốc lộ 14 qua địa phận thành phố.
Qua kiểm tra, đoàn xác định 5 điểm đổ thải trái phép. Trong đó, có 2 điểm với diện tích lần lượt khoảng 800m2 và 3.750m2, do Công ty Cổ phần Trường Long đổ thải, 3 điểm còn lại là dân tự đổ. Những đất, đá này đều là chất thải từ việc thi công tuyến tránh TP Kon Tum gần 1.000 tỉ đồng.
Khi đối chiếu với báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 2538/QĐ-BGTVT ngày 30/8/2017, xác định các vị trí đổ thải nêu trên không nằm trong các vị trí bãi đổ chất thải được phê duyệt.
Trước những vi phạm trên, đoàn kiểm tra kiến nghị Sở Giao thông vận tải (Chủ dự án tuyến tránh thành phố Kon Tum) thực hiện nghiêm trách nhiệm của chủ dự án. Dừng ngay việc đổ thải ngoài các vị trí bãi thải đã được phê duyệt. Đồng thời, khắc phục hậu quả, trả lại nguyên trạng tại các vị trí đổ thải trái quy định.
Sở TN&MT đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty Cổ phần Trường Long với số tiền 70 triệu đồng.
Sau hơn 2 năm, những vị trí đổi trái phép nằm ven đường Quốc lộ 14 vẫn rất khó để thực hiện việc hoàn trả lại nguyên hiện trạng như Sở TN&MT tỉnh Kon Tum yêu cầu.
UBND tỉnh Kon Tum cũng đã chỉ đạo Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, dân dụng và công nghiệp tỉnh Kon Tum chủ trì, phối hợp cùng cơ quan chức năng nắm lại thực trạng và tìm ra hướng xử lý.
Ông Đàm Phúc Tuyên - Phó Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, dân dụng và công nghiệp tỉnh Kon Tum - cho biết khi đoàn liên ngành đi xác định thì có 3 vị trí người dân đổ ven đường quốc lộ là trái phép. Còn 2 vị trí là đúng vị trí.
Đối với hàng nghìn khối đất đá đổ thải trái phép ven đường, thì việc vận chuyển đến nơi đúng vị trí quy định sẽ tiêu tốn nhiều tỷ đồng.
Đơn vị thi công đã chấp hành nộp phạt nhưng rất khó để khôi phục lại nguyên hiện trạng ban đầu. Trong khi kinh phí của dự án đã hết, dự án đang trình Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt quyết toán.
"Sau khi đánh giá tác động và hiện trạng, đơn vị đang đề xuất các bãi đổ thải vẫn được giữ nguyên hiện trạng và đang chờ xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan cấp trên", ông Tuyên cho biết.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Võ Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Kon Tum - cho biết việc đổ thải ngay bên hành lang quốc lộ là vi phạm. Sở đã xử phạt hành chính đơn vị thi công 70 triệu đồng, yêu cầu di dời bãi đổ thải về đúng vị trí quy định.
"Việc xử lý và khắc phục để trả lại hiện trạng như ban đầu là điều rất khó khăn. Bãi thải chủ yếu là đất, đá với khối lượng lớn, gọi là bãi thải nhưng thực chất là khoáng sản. Nếu bãi thải được đem bán đấu giá thì có thêm nguồn kinh phí cho ngân sách nhà nước", ông Hải cho biết thêm.
Theo ghi nhận, trong khi chờ cơ quan chức năng đưa ra hướng xử lý thì tại các vị trí đổ trái phép ven Quốc lộ 14 đang dần được hợp thức hóa bằng việc san mặt bằng để xây dựng. Nhiều công trình nhà cửa, công trình kiên cố đã được xây dựng.
Ông Phan Văn Pháp - Chủ tịch UBND xã Hòa Bình - thông tin: "Những sai phạm về các vị trí đổ trái phép đều được cơ quan chức năng kết luận. Hiện nay, xã đang phối hợp để tìm ra hướng xử lý, khắc phục hậu quả. Đối với các công trình xây dựng trên các vị trí đổ thải đều phù hợp với quy định xây dựng".