1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM:

Lúng túng khi giải quyết các vấn đề đô thị

TPHCM có trên 7 triệu dân. Nếu ví nó như một cỗ xe lớn, thì công tác quản lý đô thị (ĐT) chính là người lái. Song tiếc là "người lái" cỗ xe lớn ấy còn thiếu tính chuyên nghiệp, cả cơ chế lẫn con người, nên đời sống ĐT TPHCM mới triền miên gặp "sự cố": Nước máy bị nhiễm bẩn, ngập lụt liên miên, giao thông ùn tắc...

Nguồn nước sinh hoạt nhiễm bẩn 

Đã 2 năm nay, nguồn nước sinh hoạt của người dân TPHCM bị cặn lắng, có màu đục, vàng như nước tương. Trước tình hình này, cơ quan quản lý đã bộc lộ sự lúng túng trong việc xác định "thủ phạm" chính gây ra nước bẩn và đề xuất biện pháp khắc phục triệt để.

TCty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) đã tốn kém không ít thời gian hội họp, kinh phí mua sắm thiết bị, thuê cả người nhái chui xuống lòng cống để quay phim, dò tìm. Nhưng do thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu những con người thật sự có năng lực, nên Sawaco chưa thể đưa ra nguyên nhân cụ thể. Lúc đầu cho rằng đường ống quá cũ, sau đó lại bảo do áp lực nước tăng, và có khi lại đổ lỗi do lượng sắt và mangan từ nhà máy nước ngầm... Rốt cuộc đến nay, Sawaco cũng đành bó tay. Mới đây, thành phố đành cho phép Sawaco "cầu cứu" những đơn vị của nước ngoài hỗ trợ.

Đường phố ngập lụt

Trời mưa, đường phố ở TPHCM ngập lụt đã đành. Nhưng ngay cả những thời điểm trời khô hanh, nhiều đường phố vẫn... chìm trong nước! Thậm chí, có những tuyến đường bị ngập lụt đến 20 ngày trong tháng. Trong khi đó, ngành GTCC vẫn loay hoay với các giải pháp chống và xoá ngập.

Còn nhớ, vào năm 2002, trên địa bàn TPHCM có trên 100 điểm ngập, sau vài năm đầu tư nhiều dự án tốn kém hàng trăm tỉ đồng để xoá ngập, đến nay số điểm ngập vẫn tồn tại khoảng 100 điểm. Điểm ngập cũ vừa xoá xong, hàng loạt điểm ngập mới phát sinh.

Những tồn tại trên xuất phát từ việc quản lý yếu kém của chính quyền địa phương dẫn đến tình trạng kênh rạch thoát nước bị lấn chiếm, san lấp nhiều vô kể.

Thêm vào đó, việc triển khai dự án chống ngập của một số đơn vị thiếu đồng bộ, chưa có "cốt" chuẩn, nên một số tuyến đường dù mới được xây dựng hoặc nâng cấp vẫn bị chìm ngập trong nước (đường Nguyễn Hữu Cảnh, Huỳnh Tấn Phát, Hùng Vương...).

Giao thông ùn tắc

Công tác quy hoạch cơ sở hạ tầng, đường sá trên địa bàn TPHCM chưa đi vào nề nếp. Đường sá chật hẹp, không theo kịp sự phát triển kinh tế xã hội khiến thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường...

Tuy thời gian gần đây, thành phố đã có không ít nỗ lực đầu tư, xây dựng đường sá, đưa ra các biện pháp nhằm giải quyết ùn tắc giao thông, nhưng các giải pháp đưa ra cũng chỉ mang tính tạm thời, chắp vá. Không ít dự án khi triển khai mắc phải những sai lầm không đáng có, mà nguyên nhân chủ yếu là do thiếu tính chuyên nghiệp.

Điển hình là việc Sở GTCC tổ chức phân luồng giao thông khu vực vòng xoay Phù Đổng Thiên Vương (Q.1) cách đây hơn 1 năm. Do áp dụng một cách rập khuôn những phương án mang tính lý thuyết, không khảo sát kỹ tình hình giao thông thực tế, Sở GTCC đã sử dụng các khối bê tông ngăn đường, thay đổi hướng lưu một số tuyến đường... làm cho giao thông tại khu vực trở nên tồi tệ hơn, ùn tắc giao thông kéo dài trong nhiều giờ liền.

Sau khi dư luận phản ứng, Sở GTCC buộc phải huỷ bỏ phương án phân luồng, tháo dỡ các dải phân cách để trả lại hiện trạng ban đầu, thì tình hình giao thông liền trở lại bình thường cho đến nay!

Theo Đức Tài
Lao Động