1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Lúng túng giải thích tin tố cáo về tư cách đại biểu QH

(Dân trí) -“UB Thường vụ cần thẩm tra lại, công bố kết quả về đại biểu bị báo chí đặt vấn đề về tư cách. Đứng ngoài là vô cảm với cả đại biểu và cử tri” – Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước thú thực lúng túng khi cử tri truy vấn về việc này.

UB Thường vụ QH khóa XIII bắt đầu phiên họp thường kỳ đầu tiên ngày 22/8, bàn về chủ trương xây dựng đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
 
Đóng góp ý kiến, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thẳng thắn “bắt lỗi” hoạt động, điều hành tại kỳ họp thứ nhất vừa qua, khi thảo luận về kinh tế xã hội còn nhiều nội dung trùng lặp, có cảm giác một số đại biểu viết sẵn bài phát biểu theo kiểu “điểm danh” vì nếu chưa phát biểu thì chưa tròn trách nhiệm với cử tri. Thậm chí, bà Doan đánh giá, còn có phát biểu “nói dài, nói dại”…
 
Lúng túng giải thích tin tố cáo về tư cách đại biểu QH - 1
Ông Ksor Phước: "Cử tri đề cập đến vấn đề đại biểu bị tố cáo, tôi rất lúng túng, không biết giải thích thế nào" (ảnh: việt Hưng)

Dẫn một số ý kiến khác tại phiên thảo luận được truyền hình trực tiếp, bà Doan không giấu được vẻ sốt ruột và băn khoăn rằng nếu cứ để tình trạng đó kéo dài thì không chỉ mất thời gian, mà còn khiến cử tri "đánh giá" trình độ của đại biểu.

Liên quan đến thông tin đặt vấn đề về tư cách của một vị đại biểu Quốc hội trên một số tờ báo trước và trong khi diễn ra kỳ họp đầu tiên vừa qua, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K'sor Phước đề nghị UB Thường vụ giao cho Ban Công tác đại biểu thẩm tra lại và công bố công khai kết quả.
 
“Nếu Thường vụ đứng ngoài thì vô cảm với cả đại biểu và cử tri, vừa rồi tôi đi tiếp xúc cử tri đề cập đến vấn đề này thì tôi rất lúng túng, không biết giải thích thế nào” – ông Phước kết lại. Từ những sự việc cụ thể dẫn chiếu tới vấn đề tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý phải nâng cao chất lượng chuẩn bị thì mới rút ngắn được thời gian của mỗi kỳ họp.

Chủ tịch cũng đề nghị các vị ủy viên UB Thường vụ Quốc hội giữ mối liên hệ với dân chặt hơn, sát dân hơn, như lời hứa trong phát biểu Chủ tịch đã trình bày khi Ủy ban ra mắt tại kỳ họp Quốc hội thứ nhất vừa qua.
 
Cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ hai (sẽ khai mạc cuối tháng 10/2011), UB Thường vụ dự kiến lên chương trình để Quốc hội xem xét các báo cáo về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011 - 2015, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2015 và quy hoạch sử dụng đất 2011 - 2020.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đề nghị thông qua nghị quyết về cơ chế chính sách đặc biệt về xây dựng nhà máy điện hạt nhân ngay tại kỳ họp này để có thể khởi công đúng tiến độ vào năm 2014.

Quốc hội cũng dự kiến thông qua Luật Biển việt Nam trong kỳ họp thứ 2 này để có thể áp dụng ngay vào đầu năm 2012.
 

Chiều 22/8, UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Lưu trữ. Thời hạn được phép sử dụng tài liệu tại Lưu trữ lịch sử, trong đó có việc xác định tài liệu mật và cơ chế giải mật được nhiều đại iểu đề cập.

Theo đó, sau thời hạn 10 năm, kể từ ngày hoàn thành công việc, các tài liệu thuộc diện nộp lưu vào Lưu trữ lịch sử (gồm cả tài liệu mật) được giao nộp cho Lưu trữ lịch sử. Khi hết thời hạn 40 năm, 60 năm theo quy định thì tài liệu mật đương nhiên được giải mật và sử dụng rộng rãi. Đối với những tài liệu mặc dù đã hết thời hạn này nhưng cần tiếp tục được bảo mật, chưa thể công khai thì cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. 

P.Thảo