1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bình Định:

Lùm xùm việc một cây bằng lăng cổ thụ trong rừng bị đem bán

BĐ

(Dân trí) - Trúng đấu giá khai thác gần 26ha rừng tự nhiên đã chuyển đổi làm thủy điện, với quy trình tận dụng gỗ bằng phương án chặt hạ, cắt khúc; nhưng doanh nghiệp lại đào nguyên gốc cổ thụ đem bán.

Ngày 2/12, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo huyện Vĩnh Thạnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, hướng dẫn Công ty cổ phần Sản xuất - Thương mại Vĩnh Thạnh thực hiện đúng quy định về khai thác tận thu gỗ theo phương án đã được chấp thuận.

Thấy cây dáng đẹp nên xin khai thác trồng cảnh quan

Theo hồ sơ, ngày 1/4/2021, UBND tỉnh Bình Định có quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để triển khai dự án Thủy điện Vĩnh Sơn 4, với diện tích gần 26ha rừng tự nhiên tại xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh.

Ngày 13/7/2023, tại trụ sở Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh, Công ty cổ phần Sản xuất - Thương mại Vĩnh Thạnh trúng đấu giá gần 26ha rừng tự nhiên trên với số tiền gần 3,9 tỷ đồng.

Lùm xùm việc một cây bằng lăng cổ thụ trong rừng bị đem bán - 1

Cây bằng lăng cao hơn 10m, đường kính hơn 1,2m được đào cả gốc để bán (Ảnh: Doãn Công).

Theo thống kê, tổng số cây khai thác tận dụng trên diện tích rừng nói trên là 14.759 cây, trong đó có đến hơn 1.800 cây gỗ lớn, đặc biệt có nhiều cây cổ thụ có chiều cao và đường kính lớn.

Quy trình khai thác tận dụng gỗ rừng tự nhiên được cấp có thẩm quyền phê duyệt là chặt hạ, cắt khúc, thu gom và vận chuyển, nhưng doanh nghiệp lại đào một cây bằng lăng cổ thụ đưa ra khỏi rừng và bán với giá cao.

Ngày 12/10, ông Đặng Bá Quang, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh, ký xác nhận vào bảng kê lâm sản cho phép Công ty cổ phần Sản xuất - Thương mại Vĩnh Thạnh khai thác, chuyển giao cây bằng lăng còn nguyên gốc, cao hơn 10m, cho ông Lê Đình N. (ở TP Quy Nhơn, Bình Định). Sau đó, ông N. rao bán cây này với giá trên 200 triệu đồng.

Lùm xùm việc một cây bằng lăng cổ thụ trong rừng bị đem bán - 2

Cây được rao bán với giá trên 200 triệu đồng (Ảnh: Doãn Công).

Theo lãnh đạo công ty, trong quá trình thực hiện, nhận thấy một số cây có hình dáng đẹp, phù hợp cho việc đào vận chuyển về để trồng cảnh quan các đô thị và không tác động xấu đến môi trường nên công ty xin được tận dụng khai thác một số cây trong tổng số cây thuộc lô tài sản đã trúng đấu giá.

Huyện có tờ trình sau khi cây đã đưa đi bán

Dù cây đã được mang ra khỏi rừng bán từ tháng 10 nhưng mãi đến ngày 2/11, ông Lê Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, mới ký tờ trình gửi UBND tỉnh Bình Định, xin chủ trương theo đề xuất của Công ty cổ phần Sản xuất - Thương mại, về việc xin khai thác tận dụng đào gốc cây để trồng cảnh quan.

Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, sau khi tiếp nhận thông tin, sở đã yêu cầu doanh nghiệp tạm dừng việc khai thác diện tích rừng nêu trên. Đồng thời, yêu cầu huyện Vĩnh Thạnh làm rõ trách nhiệm.

"Về nguyên tắc, doanh nghiệp trúng đấu giá theo phương án nào thì phải thực hiện đúng như vậy. Nếu doanh nghiệp muốn đào bao nhiêu gốc cây thì địa phương phải xây dựng lại phương án, sau đó thẩm định giá rồi đấu giá bổ sung", ông Phúc cho biết thêm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh Lê Minh Thông cũng cho rằng việc Hạt Kiểm lâm huyện ký xác nhận vào bảng kê lâm sản cho phép công ty nói trên khai thác chuyển giao cây bằng lăng còn nguyên gốc là chưa phù hợp.

"Theo chỉ đạo của tỉnh và ngành chức năng, huyện sẽ mời các ngành liên quan để bàn bạc, lấy ý kiến, thống nhất và việc khai thác phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Về việc một cây rừng vừa được vận chuyển ra ngoài và rao bán, huyện sẽ có biện pháp xử lý theo báo cáo, đề nghị của lực lượng kiểm lâm", ông Thông cho hay.