1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Lùm xùm” ngập báo chí mà địa phương vẫn… im thin thít!

(Dân trí) - Đề cập đến hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, đại biểu Trương Trọng Nghĩa băn khoăn với việc, ngay giữa kỳ họp Quốc hội, có những đoàn đại biểu “im thin thít”, không phản hồi, không nói câu nào dù báo chí đưa tràn ngập về những vấn đề lùm xùm ở địa phương đó.

Ngày 9/10, Văn phòng Quốc hội tổ chức tọa đàm về dự án luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Trình bày về những điểm mới của dự thảo luật, Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật Đặng Đình Luyến cho biết, theo quy định hiện hành, đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao còn lần này, thêm Tổng Kiểm toán nhà nước được đưa vào danh sách các chức danh đại biểu có quyền chất vấn.

 

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Đại biểu dân cử phải nói tiếng nói của người dân, phản ánh lên cấp trên.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Đại biểu dân cử phải nói tiếng nói của người dân, phản ánh lên cấp trên.

Bình luận về việc này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng, quy định như vậy vẫn là khuôn trong một phạm vi hẹp. Ông Nghĩa phân tích, theo quy định hiện tại, đại biểu Quốc hội chỉ có thể chất vấn với các cơ quan ở Trung ương. Vậy nên, giữa kỳ họp Quốc hội mà có những đoàn đại biểu “im thin thít”, không phản hồi, không nói câu nào dù báo chí đưa tràn ngập về những vấn đề lùm xùm ở địa phương đó khiến cử tri cả nước bức xúc. “Như thế nghĩ có được không?” – ông Nghĩa đặt câu hỏi.

Ông Nghĩa dẫn chứng thực tế, có những chuyện xảy ra liên quan đến an ninh quốc phòng như cho thuê đất thuê rừng ở địa bàn trọng yếu, lấp sông lấp bể ảnh hưởng đến môi trường... nhưng ngay đại biểu Quốc hội ở địa phương đó cũng không lên tiếng.

Đại biểu băn khoăn: “Vậy đại biểu ở tỉnh khác có quyền chất vấn ông Chủ tịch tỉnh nơi xảy ra sự việc đó không?”.

Ông Nghĩa đề nghị mở rộng quyền chất vấn của đại biểu Quốc hội với bất kỳ lãnh đạo chính quyền địa phương nào để tạo được bước đột phá trong hoạt động giám sát, để công tác này đi vào thực chất hơn.

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa – đại biểu Lê Nam đồng tình quan điểm xem xét mở rộng thẩm quyền chất vấn cho đại biểu với lập luận, nếu đại biểu Quốc hội ở địa phương mà không có quyền chất vấn Chủ tịch huyện thì cũng khó cho việc giám sát.

Ông Nam nhấn mạnh mục đích của giám sát không phải là việc nhăm nhăm để xử lý được bao nhiêu người, bỏ tù được cá nhân nào hay phạt được bao nhiêu tiền… mà quan trọng là phát hiện vấn đề để thay đổi ứng xử, thay đổi quyết định chưa đúng của địa phương.

Cũng đề cập câu chuyện thẩm quyền giám sát của Quốc hội, của mỗi đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng dẫn chứng một cuộc giám sát Quốc hội từng tiến hành về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì chuyện một con cá trên mâm cơm của người dân mà đến 5 Bộ cùng tham gia quản lý, không biết “quy” trách nhiệm về đâu nên giám sát rồi mà vẫn không ít những vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng xảy ra.

Ông Hùng băn khoăn: “Xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị xử lý theo thẩm quyền, nói thì cực kỳ hay nhưng để thực hiện được không đơn giản vì nhiều khi pháp luật quy định không rõ thẩm quyền”.

Theo đó, để đồng bộ công cụ cho việc thực thi, phải đồng thời xem xét các luật có quy định thẩm quyền cho thẩm quyền rõ hơn. Nhất là chủ thể giám sát là đoàn đại biểu Quốc hội thì xử lý theo thẩm quyền là thế nào?

Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội cũng đề nghị quy định rõ “cơ chế biểu quyết đối với kết quả giám sát”, tránh tình trạng thủ trưởng chế trong hoạt động giám sát của Quốc hội.

Ông Hùng kể chuyện, một đồng nghiệp làm Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội một tỉnh tâm sự rằng, khi tổ chức cuộc giám sát thì ông và các đại biểu khác thực hiện, rồi viết dự thảo kết quả giám sát nhưng đến khi trình lên Trưởng đoàn thì vị này sửa hết nội dung trong khi không phải là người trực tiếp tham gia đoàn giám sát.

Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng: Cấn tránh tình trạng thủ trưởng chế trong hoạt động giám sát của Quốc hội.
Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng: Cấn tránh tình trạng thủ trưởng chế trong hoạt động giám sát của Quốc hội.

Chia sẻ tâm tư này, đứng lên lần thứ 2, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) phàn nàn về cơ chế “bó” nên mỗi đại biểu Quốc hội không thể độc lập thực hiện việc giám sát mà luôn phải hoạt động theo tập thể, tổ chức nên có việc đại biểu chuyên trách phải phụ thuộc vào đại biểu kiêm nhiệm, đại biểu địa phương lại phụ thuộc vào đại biểu Trung ương. Chương trình, kế hoạch giám sát đã được thống nhất nhưng chỉ cần một đại biểu Trung ương tham gia trong đoàn giám sát mà báo bận thì lịch làm việc của cả đoàn giám sát cùng phải dừng lại”.

“Làm công tác giám sát cũng giống việc con chuột mang chuông treo vào cổ mèo, biện pháp rõ là rất hay nhưng làm sao làm được. Muốn làm được, để Quốc hội thực hiện được chức năng giám sát thì cần phải đồng bộ cùng các luật khác” – đại biểu Lê Nam nhấn mạnh.

Góp ý thêm về giải pháp để nâng cao hiệu quả giám sát, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng cần làm rõ quy định quyền của cá nhân, báo chí được gặp gỡ, cung cấp thông tin cho đại biểu để tránh chuyện trù dập. Còn đại biểu Quốc hội thì không chỉ có quyền yêu cầu cung cấp thông tin mà còn có quyền tự mình thu thập từ hiện trường và các nguồn thông tin khác nhau.

Đại biểu Nghĩa cũng đặt vấn đề sửa quy định về thành lập ủy ban lâm thời để điều tra một vấn đề cụ thể. Dự thảo luật quy định, khi xét thấy cần thiết, theo đề nghị của Hội đồng Dân tộc, ủy ban của Quốc hội hoặc của ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội quyết định thành lập ủy ban lâm thời để điều tra về một vấn đề cụ thể

Theo ông Nghĩa, quy định như này khó có thể lập ủy ban điều tra lâm thời trừ khi có lệnh của cấp trên. Nên quy định chỉ cần 3 đại biểu Quốc hội thấy cần thiết thì đã có thể đề xuất lập ủy ban và nếu đề xuất hợp lý thì phải được chấp thuận.

P.Thảo