1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Lùi hay đẩy lịch sửa luật Đất đai đều đáng lo

(Dân trí) - Việc Chính phủ xin hoãn, lùi lịch sửa luật Đất đai thêm 2 kỳ họp nhận nhiều tâm tư lo lắng, nghi ngại của các đại biểu. Đáp lại, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phân trần, chưa đủ thời gian để xử lý những vấn đề phức tạp, sửa cuối năm nay… càng lo.

Dự kiến thời điểm, kế hoạch sửa luật Đất đai là một nội dung được quan tâm nhiều nhất trong phiên thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013 tại Quốc hội chiều 1/6.

Giải thích về lý do lùi lịch, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, có ý kiến đề nghị QH sớm thông qua Luật đất đai sửa đổi. Dự án Luật đất đai (sửa đổi) thuộc Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4. Vì một số nội dung quan trọng của dự án như chế độ sở hữu, hình thức sở hữu lại liên quan chặt chẽ đến các quy định của Hiến pháp và kết quả tổng kết Nghị quyết TƯ 7 khóa IX về chính sách đất đai nên UB Thường vụ tán thành với đề nghị của Chính phủ để có thêm thời gian chuẩn bị.
Lùi hay đẩy lịch sửa luật Đất đai đều đáng lo
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: "Sửa luật Đất đai sớm cũng rất lo vì nhiều vấn đề chưa thấu đáo".

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, luật Đất đai sửa đổi cần được Quốc hội dành một sự quan tâm đặc biệt, bởi việc sửa đổi đang là đòi hỏi rất bức xúc. Dù đồng ý dự kiến đưa ra xem xét trong kỳ họp thứ 5, thông qua vào kỳ thứ 6 là hợp lý nhưng ông Hùng cũng đề nghị Chính phủ cần tăng cường quản lý lĩnh vực này.

Không thông với lý do lùi việc sửa luật Đất đai để chờ sửa Hiến pháp, đại biểu Vũ Công Tiến (Lâm Đồng) cho rằng lập luận này chưa thuyết phục vì thời gian chuẩn bị đã quá lâu. Sửa đổi Hiến pháp, trong đó có quyền sở hữu đất đai cần chờ người dân tham gia và Quốc hội quyết định nhưng định hướng Hội nghị lần thứ 5 Bộ Chính trị, Ban chấp hành TƯ là những định hướng rất phù hợp, sát và có cơ sở lý luận và thực tiễn để xem xét sửa đổi luật.

“Nếu lùi như vậy, cuối năm 2014 luật sửa đổi mới được thông qua, năm 2015 mới có hiệu lực, trong khi vấn đề đất đai hiện đang rất phức tạp rồi. Tôi e như vậy là chậm” – ông Tiến phát biểu.

Tán thành quan điểm này, đại biểu Võ Thị Dung (TPHCM) sốt sắng: “Nhân dân cả nước trông đợi từng ngày, từng giờ Quốc hội xem xét sửa đổi luật này”. Theo đó, hiện đã có tổng kết ở các địa phương và Trung ương về 10 năm thực hiện Luật Đất đai, đó là cơ sở và điều kiện thực tiễn hiện nay đã chín muồi để sửa luật.

Đề nghị giữ nguyên kế hoạch ban đầu là Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 4 và thông qua vào kỳ họp thứ 5, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng việc sửa Luật đất đai có đủ các điều kiện để xúc tiến nhanh, vì đã có những định hướng lớn từ Nghị quyết TƯ 5.

Ông Học nhấn mạnh, đây là vấn đề bức xúc lớn trong đời sống của người dân, khoảng trên 70% đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến Luật Đất đai, là vấn đề nóng bỏng phức tạp hàng ngày, hàng giờ ở các địa phương. Quá trình chuẩn bị cho quá trình sửa đổi này cũng khá lâu rồi.
 
Lùi hay đẩy lịch sửa luật Đất đai đều đáng lo
Nhiều vụ cưỡng chế đất đai gây hậu quả đáng tiếc vừa qua thể hiện yêu cầu cấp bách cần sửa luật Đất đai.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải phân trần, vừa qua Hội nghị TƯ 5 đã ra kết luận về 8 vấn đề đã rõ trong việc thực hiện chính sách pháp luật về đất đai, như quyền sở hữu, thời hạn sử dụng đất nông nghiệp, mở rộng quyền, hạn mức chuyển nhượng quyền sử dụng đất, xử lý khiếu nại, tố cáo trong quá trình thu hồi đất và cải cách hành chính…

Tuy nhiên, TƯ cũng thấy đất đai là một vấn đề hết sức phức tạp, cần xem xét một cách hết sức thận trọng, do đó giao cho Chính phủ tiếp tục phải làm rõ một số nội dung để trình ra Hội nghị TƯ 6 vào tháng 10 năm nay. Trên cơ sở đó TƯ sẽ ra nghị quyết để định hướng những vấn đề sửa đổi Luật Đất đai.

Về vấn đề giá đất, ông Hải cho biết, quy định như hiện nay chưa đủ rõ và còn nhiều bất cập trong quá trình thực hiện. Vấn đề thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng tái định cư, vấn đề thế chấp quyền sử dụng đất… cũng cần phải làm rõ.

“Nếu chúng ta đưa việc sửa đổi Luật Đất đai sớm vào cuối năm nay, tôi cũng rất lo, vì những vấn đề tôi vừa báo cáo hết sức phức tạp. Nếu chúng ta xử lý chưa đủ thời gian, chưa đủ chín thì chất lượng luật của chúng ta sẽ không bảo đảm” – Phó Thủ tướng bảo lưu quan điểm xin lùi thời hạn thêm 2 kỳ họp nữa như đề xuất của Chính phủ.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm