Lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá cao
(Dân trí) - Trong quá trình tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, lực lượng của Việt Nam đã thể hiện mức độ sẵn sàng cao, hoàn thành nhiệm vụ với mức độ đánh giá rất tích cực của Liên hợp quốc.
Sáng 7/6, tại Hà Nội, Cục Gìn giữ hòa bình (GGHB) Việt Nam phối hợp với đối tác quốc tế và các cơ quan liên quan trực thuộc Bộ Quốc phòng tổ chức khai mạc Hội nghị toàn thể thường niên và Hội thảo Hiệp hội các trung tâm GGHB châu Á - Thái Bình Dương (AAPTC) năm 2022.
Tham dự buổi lễ, về phía Việt Nam có: Trung tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục GGHB Việt Nam; Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị chức năng trực thuộc Bộ Quốc phòng.
Về phía đại biểu quốc tế có đại diện các cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc (LHQ), Ban Thư ký AAPTC, đại biểu các quốc gia thành viên và quan sát viên của AAPTC, đại diện các tổ chức quốc tế có liên quan tại Hà Nội...
Phát biểu chào mừng, Trung tướng Phùng Sĩ Tấn nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch AAPTC và nước chủ nhà tổ chức Hội nghị AAPTC trong bối cảnh Việt Nam mới chính thức gia nhập AAPTC cách đây 7 năm, đồng thời mới triển khai lực lượng tham gia các hoạt động GGHB LHQ được 8 năm. Bộ Quốc phòng Việt Nam đánh giá cao tầm quan trọng và ý nghĩa của Hội nghị AAPTC lần này, vì đây là cơ hội quý báu để Việt Nam và các quốc gia thành viên trao đổi chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến và biện pháp vượt qua các thách thức, khó khăn, nhất là ảnh hưởng của dịch Covid-19, tăng cường hợp tác chia sẻ nguồn lực để đảm bảo nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, chuẩn bị triển khai nhanh lực lượng và hiệu quả tham gia hoạt động GGHB LHQ, góp phần thiết thực vào nỗ lực GGHB chung của cộng đồng quốc tế.
Trung tướng Phùng Sĩ Tấn tin tưởng rằng, Hội nghị AAPTC lần này sẽ tiếp tục phát huy vai trò kết nối, chia sẻ và phối hợp đồng bộ các nguồn lực huấn luyện GGHB giữa các thành viên cả trong và ngoài khu vực nhằm tăng cường hợp tác nâng cao năng lực và hiệu quả tham gia vào các sứ mệnh GGHB LHQ.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam, Trung tướng Phùng Sĩ Tấn cảm ơn các quốc gia đối tác và tổ chức quốc tế về GGHB đã hỗ trợ trong thời gian qua và khẳng định Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ quý báu để cùng đóng góp tích cực hơn nữa vào sứ mệnh quan trọng này của LHQ.
Trong bài phát biểu tại buổi lễ, Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng nêu rõ, trong quá trình tham gia các hoạt động GGHB LHQ, lực lượng của Việt Nam đã thể hiện mức độ sẵn sàng cao, hoàn thành nhiệm vụ với mức độ đánh giá rất tích cực của LHQ. Cho đến nay, Việt Nam đã triển khai được 512 quân nhân đến 3 phái bộ và trụ sở LHQ, bao gồm một bệnh viện dã chiến cấp 2, một đội công binh và 76 sĩ quan theo hình thức cá nhân. Trên bình diện hợp tác quốc tế, Việt Nam đã tiếp cận được các nguồn lực chung của LHQ, các đối tác và tổ chức quốc tế về huấn luyện, xây dựng nâng cao năng lực, trong đó có các khóa huấn luyện ngoại ngữ và GGHB trong và ngoài nước, trao đổi chuyên gia, hỗ trợ cơ sở vật chất và trang thiết bị.
Trong bài phát biểu trực tuyến từ trụ sở LHQ ở New York (Mỹ), Đại tướng Birame Diop, Cố vấn quân sự Cục Hoạt động hòa bình LHQ, nhận định hoạt động GGHB LHQ luôn đặt ra những thách thức đối với lực lượng tham gia GGHB vì những đòi hỏi trình độ và phẩm chất đạo đức cao nhất trong thực thi nhiệm vụ. Qua đây, Đại tướng Birame Diop biểu dương và đánh giá cao lực lượng GGHB của các nước thành viên AAPTC tại các phái bộ vì những nỗ lực không mệt mỏi, không ngại hiểm nguy để duy trì các sứ mệnh GGHB nhằm bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất. Nhân dịp này, Đại tướng Birame Diop cũng bày tỏ sự ghi nhận những đóng góp và cảm ơn các cam kết của Việt Nam đối với hoạt động GGHB LHQ.
Chủ đề của Hội nghị AAPTC lần này là "Đi đầu đổi mới: Hành động của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ủng hộ Sáng kiến Hành động vì hòa bình của LHQ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động hòa bình LHQ".
Trong chương trình nghị sự kéo dài 3 ngày, các đại biểu sẽ tiến hành các phiên họp toàn thể, thảo luận chung tại hội trường và thảo luận nhóm với những nội dung chủ đề chính như: Phát biểu trung tâm của Cục GGHB Việt Nam về sự tham gia hoạt động GGHB LHQ của Việt Nam; những phát triển mới của Hiệp hội IAPTC; những yêu cầu, thách thức đối với việc nâng cao hiệu quả công tác huấn luyện và hoạt động GGHB LHQ theo Sáng kiến Hành động vì hòa bình của LHQ; báo cáo cập nhật của từng trung tâm GGHB trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương; tăng cường sự tham gia của nữ giới trong hoạt động GGHB LHQ; đánh giá các biện pháp cụ thể nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ tại phái bộ GGHB LHQ; xác định phương thức, xây dựng kế hoạch huấn luyện nhằm tăng cường hợp tác, hỗ trợ chia sẻ nguồn lực huấn luyện trong khu vực...
Việc Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị toàn thể thường niên và Hội thảo AAPTC năm 2022 đã khẳng định vai trò, trách nhiệm của nước Chủ tịch và Chủ nhà AAPTC đương nhiệm, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam trong hợp tác về GGHB LHQ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đóng góp thiết thực cho việc nâng cao hiệu quả tham gia hoạt động GGHB LHQ của các nước thành viên trong khu vực; Khẳng định và nêu cao thành công của Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19 và nhanh chóng thích ứng với tình hình mới một cách an toàn, hiệu quả; Quảng bá về thành quả và đóng góp của Việt Nam vào hoạt động GGHB LHQ.