Luật Trọng tài thương mại có nhiều điểm cần sửa đổi phù hợp thực tiễn
(Dân trí) - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam nhận định, sau 12 năm có hiệu lực, Luật Trọng tài thương mại đã có nhiều đóng góp lớn, nhưng cũng xuất hiện những tồn tại theo quy luật phát triển.
Sáng 29/11, Hội Luật gia Việt Nam tổ chức hội thảo báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật Trọng tài thương mại. Sự kiện nằm trong các hoạt động của đề án định hướng chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XV.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đều thống nhất Luật Trọng tài thương mại đã đóng góp lớn trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại thông qua thương lượng, hòa giải. Tuy nhiên, sau 12 năm có hiệu lực, nhiều điều khoản trong luật đã không đáp ứng được quá trình phát triển và cần thiết xem xét, sửa đổi.
Giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, hòa giải
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho biết, chủ trương giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải được ghi nhận trong nhiều văn bản của Đảng, Nhà nước. Nghị quyết 49/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 cũng nêu rõ đây là chủ trương quan trọng, nhằm mở rộng hình thức giải quyết tranh chấp trong các hoạt động kinh doanh thương mại và các quan hệ khác thông qua hoạt động trọng tài.
"Trước đó, các tranh chấp được giải quyết thông qua tư pháp. Tòa án đóng vai trò quan trọng nhưng việc giải quyết bằng trọng tài, hòa giải, thương lượng tạo cơ chế, góp phần tạo thông thoáng để các doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, giúp phát triển kinh tế - xã hội", Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam đánh giá.
Ông Nguyễn Văn Quyền thông tin thêm, Quốc hội khóa XII đã giao Hội Luật gia Việt Nam chuẩn bị dự án Luật Trọng tài thương mại để tạo cơ sở pháp lý cho chủ trương trên. Sau quá trình chuẩn bị, năm 2010, Quốc hội đã thông qua luật này, giải quyết nhiều điểm nghẽn về cơ sở pháp lý cho hoạt động trọng tài thương mại.
Sau 12 năm, Luật Trọng tài thương mại đã mang đến nhiều kết quả tích cực, hệ thống tổ chức trọng tài được xây dựng, phát triển rộng rãi, mở ra kỳ vọng giải quyết các tranh chấp có liên quan yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, một số tồn tại của luật đã xuất hiện theo quy luật phát triển.
Do đó, Quốc hội khóa XV đã giao nhiệm vụ cho Hội Luật gia Việt Nam xây dựng báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật Trọng tài thương mại. Phần việc này nhằm phục vụ công tác sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho chủ trương tăng cường, mở rộng hoạt động trọng tài thương mại trong giải quyết tranh chấp lĩnh vực kinh doanh.
Nhiều vấn đề cần thống nhất
Ông Nguyễn Văn Huệ, Trưởng Ban Nghiên cứu - xây dựng và phổ biến pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam, nhìn nhận, Luật Trọng tài thương mại đã phát sinh một số tồn tại, bất cập cần sửa đổi để đáp ứng nhu cầu thực tiễn và thống nhất với các luật khác.
Trong số những nội dung tồn tại, hạn chế, bất cập cần làm rõ liên quan tới thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của Trọng tài thương mại; Thỏa thuận trọng tài; Quyền và nghĩa vụ của Trọng tài viên; Các hình thức Trọng tài; Biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng trọng tài và cơ chế trọng tài viên khẩn cấp (emergency arbitrator); Quy định về nội dung Phán quyết trọng tài; Hủy phán quyết trọng tài và nhiều nội dung khác.
Một trong những nội dung đáng chú ý được bàn luận là quyền miễn trừ của trọng tài viên trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Cụ thể, luật mẫu và luật trọng tài các nước không quy định về trách nhiệm của trọng tài viên; một số quốc gia còn có quy định miễn trừ trách nhiệm của trọng tài viên.
Vấn đề này đang nhận nhiều luồng ý kiến khác nhau. Có người cho rằng, việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dẫn đến nguy cơ bị khởi kiện sẽ khiến trọng tài viên e dè trong việc ra quyết định. Cũng có ý kiến cho rằng, trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Hội đồng trọng tài trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là cần thiết.
Nêu quan điểm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Phó Chánh án TAND TPHCM, cho rằng, trọng tài viên, thẩm phán, luật sư đều có lúc đúng hoặc không đúng. Do đó, việc chế tài cho việc cố ý làm không đúng quy định pháp luật là cần thiết, đây là điểm sòng phẳng giữa các chức danh với nhau.
Phó Chánh án TAND TPHCM cũng kiến nghị, trọng tài viên cần được chuẩn hóa trình độ tối thiểu là cử nhân luật, và phải qua các khóa nghiệp vụ. Từ đó, tiêu chuẩn của trọng tài viên sẽ được chuẩn hóa hơn.