1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Luật thuế còn nhiều kẽ hở

(Dân trí) - “Ngành thuế và hải quan đã để lại trong doanh nghiệp và người dân nhiều hình ảnh xấu. Bản thân công ty chúng tôi không ít lần bị “hành”, tức điên lên nhưng không làm gì được”, đại biểu Trần Hữu Hậu bức xúc phát biểu như vậy khi góp ý dự thảo Luật Quản lý thuế.

Cơ quan thuế thực hiện điều tra: Dễ lạm dụng quyền lực

 

“Việc trao cho cơ quan thuế thẩm quyền điều tra sẽ không khỏi phát sinh sự lạm quyền, lạm dụng điều tra để gây nhũng nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp”, đại biểu Trần Văn Nam (Bình Dương) lo lắng về qui định trao quyền điều tra các sai phạm về thuế cho cơ quan quản lý thuế. 

 

Đại biểu Nam cho rằng, nếu cơ quan thuế có đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ nghiệp vụ cao và làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra thì không nhất thiết phải trao quyền điều tra cho cơ quan quản lý thuế. 

 

Đại biểu Nguyễn Đình Lộc (TPHCM) đồng tình với quan điểm này, ông cho rằng, việc xử lý hành chính và  xử lý hình sự là một vấn đề lớn mà lâu nay vẫn vướng. Đó là các cơ quan có quyền xử lý hành chính thường giữ lại cả những vụ rất phức tạp, rất nặng để xử lý hành chính. 

 

Một trong những nguyên nhân ông Lộc đưa ra là vì “có những điều không được tốt đẹp”. Và, “trao quyền điều tra cho cơ quan quản lý thuế là hoàn toàn không bình thường”.

 

Trái ngược với hai ý kiến trên, đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) lại “ủng hộ một cách tuyệt đối” việc trao chức năng điều tra trốn thuế, gian lận thuế cho cơ quan thuế. Bởi theo phân tích của đại biểu Hậu, điều tra của cơ quan thuế là điều tra hành chính, phù hợp được với doanh nghiệp, tránh được việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế.

 

Luật thuế còn nhiều kẽ hở

 

Theo đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) kẽ hở cho việc gian lận thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp nằm ngay trong phương pháp hành thu của ngành thuế. 

 

Ông Hậu chứng minh rằng, nếu để tồn tại song song 3 phương pháp thu thuế là: Thuế khoán, thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp và thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thì Tổng Cục thuế dù có nối mạng toàn quốc vẫn khó mà phát hiện được gian lận. 

 

Ông Hậu dẫn chứng: “Mọi hoá đơn, chứng từ đều rõ ràng, minh bạch, nhưng hàng hoá thì không đi cùng lộ trình với chúng, mà đi theo cách có thể trốn thuế cao nhất”. Và mánh khoé này vẫn diễn ra hàng ngày mà chưa hề thấy ai bị phát hiện, xử lý. 

 

Một ví dụ nữa mà đại biểu Hậu đưa ra là những mánh khoé gián tiếp: “Doanh nghiệp nâng cao hơn thực tế giá máy móc, thiết bị, nhập khẩu. Do vậy, giá trị khấu hao cao hơn và thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp thấp hơn”. 

 

Ông Hậu cảnh báo, sau khi gia nhập WTO và việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp theo Luật Đầu tư bị bãi bỏ thì kẽ hở này thực sự đáng lưu tâm.

 

Dịch vụ làm thủ tục về thuế: Nỗi lo “trăm hoa đua nở”

 

Đại biểu Nguyễn Hoàng Anh (Hải Phòng) tham gia ý kiến về qui định bắt buộc đối với doanh nghiệp tham gia dịch vụ làm thủ tục thuế đã nhận xét, việc đăng ký kinh doanh ngành, nghề chỉ cần 2 người có chứng chỉ hành nghề là quá đơn giản, dễ dẫn đến tình trạng “trăm hoa đua nở”.

 

“Khi dựng một doanh nghiệp làm dịch vụ quá dễ như vậy liệu họ có đủ khả năng tài chính để chịu trách nhiệm về những tổn thất mà họ gây ra hay không?”, ông đặt câu hỏi. 

 

Đại biểu Trần Văn Nam lo lắng: Liệu việc cho ra đời doanh nghiệp dịch vụ nộp thuế có thực sự cần thiết? Ông Nam cho rằng, sẽ khó tránh khỏi tình trạng thông đồng giữa người nộp thuế, tổ chức kinh doanh dịch vụ thuế với cơ quan quản lý thuế.

 

Đại biểu Nguyễn Hoàng Anh “hiến kế” cần đưa ra điều kiện là doanh nghiệp làm dịch vụ này bắt buộc phải có một khoản tiền ký quỹ tại ngân hàng. 

 

Tuy nhiên, dù còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng theo đại biểu Trần Hữu Hậu, khi xây dựng luật nếu chúng ta lo lắng cho những yếu kém hay tệ nạn hiện tại, không dám mạnh dạn đưa ra những phương thức quản lý mới đúng đắn hơn, tốt hơn thì khó mà cải tổ và phát triển được.

 

Đức Hoà