1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Luật nuôi con nuôi: “Khéo thì sống…?”

(Dân trí) - “Nếu nhà nước lo được, không phải đặt ra quy định thu phí giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài thì quá tốt, còn nếu không thì có thể dẫn đến tình trạng chạy chọt từ cơ sở nuôi dưỡng vì khéo thì sống…?".

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đáp lại băn khoăn của thường vụ QH trong buổi thảo luận về dự luật Nuôi con nuôi chiều 18/3.

Phó Chủ nhiệm UB An ninh quốc phòng Trần Đình Nhã khơi vấn đề còn vướng nhất trong dự thảo luật: chi phí giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài. Dù dự thảo đã nhiều lần được tiếp thu chỉnh sửa, ông Nhã vẫn băn khoăn muốn gạt bỏ quy định này.

Theo dự luật, cha mẹ nuôi người nước ngoài sẽ phải chịu những khoản như chi phí cho việc giới thiệu trẻ em Việt Nam làm con nuôi; chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ từ khi được giới thiệu cho đến khi hoàn thành thủ tục giao nhận…

“Chi phí giới thiệu con nuôi trước nay ta vẫn lên án là một hình thức môi giới. Chi phí nuôi dưỡng trong thời gian làm thủ tục thì cũng rất mơ hồ, không biết rồi sẽ phải thống kê thế nào” - ông Nhã bác từng điểm.

Luật nuôi con nuôi: “Khéo thì sống…?” - 1
Thời gian qua, nhiều vụ tiêu cực, trục lợi từ hoạt động nuôi con nuôi quốc tế đã bị phát hiện.

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường được “triệu” để giải đáp băn khoăn của đại biểu tại chỗ. Ông Cường chia sẻ, các nước bạn có quan hệ con nuôi với Việt Nam cũng rất quan tâm. Vấn đề không phải là tiền mà là tính minh bạch các khoản chi. Việc để các cơ sở nuôi dưỡng tự định đoạt các khoản thu này như thời gian qua là không hợp lý.

Ông Cường khẳng định, chiểu theo công ước La Hay, có 5 loại chi phí có thể thu trong hoạt động con nuôi quốc tế, dự luật Nuôi con nuôi hoàn toàn phù hợp. Ông Cường dẫn chứng nước láng giềng Trung Quốc thu tới gần 5.100 USD/trẻ em cho làm con nuôi nước ngoài.

Bộ trưởng Tư pháp gợi ý “gỡ” băn khoăn cho đại biểu bằng cách “tránh” tên các khoản phí đó bằng khoản khác gọi là “phí vét”.

“Bộ trưởng Tư pháp muốn đổi tên các khoản chi này thành chi phí khác thì càng lờ mờ, thiếu minh bạch hơn. Theo tôi không nên thu thêm khoản phí nào” - Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội phản ứng ngay.

Trưởng ban dân nguyện Trần Thế Vượng cũng chưa xuôi. Ông Vượng dẫn chứng, các khoản phí cho việc giới thiệu trẻ thực tế đã xảy ra nhiều tiêu cực, dễ bị lợi dụng để che đậy cho hành vi mua bán trẻ em như vừa qua.

Còn chi phí nuôi dưỡng, nếu để cơ sở kê ra, cộng lại để cha mẹ nuôi phải chi trả thì đi ngược lại tính chất nhân đạo của hoạt động, có khi hạn chế cơ hội của các em để có cuộc sống gia đình trọn vẹn.

Chủ nhiệm UB pháp luật (cơ quan thẩm định dự án luật) Nguyễn Văn Thuận chia sẻ “thực tâm”: “Khi thẩm tra chúng tôi cũng rất băn khoăn với quy định về chi phí giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài. Theo tôi, nếu không có chi phí này thì tốt nhưng thực tế các cơ quan quản lý nhà nước cho rằng vẫn cần quy định”.

“Đây cũng là điểm duy nhất còn vướng trong dự thảo luật” - ông Thuận nhận định. Ông Thuận đề xuất phương án xuất tiền ngân sách lo việc nuôi dưỡng, làm thủ tục giấy tờ, công chứng, dịch thuật, làm visa cho trẻ được nhận làm con nuôi người nước ngoài.

Với nguyên tắc cho trẻ làm con nuôi người nước ngoài là phương án cuối cùng khi không thể tìm được gia đình trong nước cho các cháu, theo ông Thuận, mỗi năm cũng sẽ không có quá nhiều trường hợp để trở thành gánh nặng cho đất nước.

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường giải đáp băn khoăn của Chủ nhiệm UB pháp luật bằng con số thống kê gần 1.000 trẻ được nhận làm con nuôi người nước ngoài trong năm 2009. Thời điểm trước, khi Mỹ, Ailen, Thụy Điển chưa chấm dứt hiệp định con nuôi với Việt Nam, con số này vào khoảng 2.000 trẻ/năm, đỉnh cao là 4.000 - 5.000 “xuất ngoại” trong 1 năm.

Ông Cường cũng nêu thêm tình hình, Bộ LĐ-TB&XH thống kê vừa qua nhiều cơ sở nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt phải ngừng hoạt động vì tình trạng tài chính khó khăn.

“Nếu nhà nước chi hết được, không phải đặt ra quy định thu phí thì quá tốt còn nếu không thì có thể dẫn đến tình trạng chạy chọt từ cơ sở nuôi dưỡng vì khéo thì sống…?” - Bộ trưởng Tư pháp buông lửng câu hỏi.

Phó chủ nhiệm QH Uông Chu Lưu kết thúc thảo luận với các yêu cầu cơ quan soạn thảo làm rõ vấn đề: đối tượng thụ hưởng các khoản thu phí, chi phí nuôi dưỡng có để tăng cường năng lực cho các cơ sở nuôi dưỡng, các khoản thu đảm bảo phù hợp luật pháp quốc tế, công ước La Hay và thực tế các nước đang áp dụng…

P. Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm