1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Luật hóa quyền im lặng để chống oan sai

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, quy định về quyền im lặng của bị can, bị cáo đã được “xới” lên tại buổi thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 23-9 về dự thảo Luật Tổ chức TAND và Luật Tổ chức VKSND sửa đổi.

Theo Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, khi tổ chức góp ý về quyền im lặng, ban soạn thảo của VKS đã nhận được rất nhiều ý kiến khác nhau. Cơ quan điều tra không muốn đưa điều này vào luật, còn luật sư thì lại rất muốn...

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, hầu hết chuyên gia đều đề nghị nên sớm ghi nhận chính thức quyền im lặng vào BLTTHS để bảo vệ quyền con người, chống oan sai, phù hợp với xu hướng tố tụng tiến bộ của thế giới…

Bảo vệ quyền con người

Luật hóa quyền im lặng để chống oan sai
Quy định quyền im lặng của bị can, bị cáo là xu hướng tiến bộ của thế giới. Ở các nước, hầu hết bị can, bị cáo đều có luật sư nên họ có quyền im lặng để chờ luật sư. Qua đó họ sẽ khai báo thế nào cho có lợi nhất, bảo đảm không bị ép buộc. Nhưng ở ta hiện nay thì có đến 80% bị can, bị cáo là không có luật sư. Trong khi hiểu biết pháp luật của bị can, bị cáo còn hạn chế, rồi bị những vấn đề khác chi phối nên vô hình trung những lời khai báo của họ lại trở thành lời buộc tội đối với chính họ. Có một thực tế là luật không buộc bị can, bị cáo phải có nghĩa vụ khai báo nhưng khi bị can, bị cáo không khai báo thì anh lại căn cứ vào đó làm tình tiết tăng nặng vì ngoan cố, không thành khẩn, không ăn năn hối cải.

Do đó, quan điểm của tôi là chúng ta phải luật hóa các quy định để làm sao bảo vệ được quyền con người. Việc luật hóa quyền im lặng cũng là hướng đến mục đích đó. Tuy nhiên, việc luật hóa này có thể thực hiện ở nhiều phạm vi, ví dụ như có thể luật hóa quyền im lặng trong giai đoạn điều tra. Có nghĩa là bị can, bị cáo có quyền im lặng trong giai đoạn điều tra, còn khi xét xử thì anh phải khai báo vì khi đó là chính thức công khai, có thế nào thì anh nói thế đó, bởi anh là công dân, anh còn có trách nhiệm đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Ông TRẦN VĂN ĐỘ, Phó Chánh án TAND Tối cao
 
Luật hóa quyền im lặng để chống oan sai
Việc quy định quyền im lặng của bị can, bị cáo trong giai đoạn điều tra sẽ hạn chế được oan sai. Ảnh chỉ mang tính minh họa: CTV 
 
Gắn với sự hiện diện của luật sư 

Luật hóa quyền im lặng để chống oan sai

Pháp luật hình sự của nhiều nước khác trên thế giới ghi nhận cụ thể quyền im lặng của bị can, bị cáo và quyền này được quy định gắn liền với sự hiện diện của người bào chữa. Quyền im lặng của bị can, bị cáo luôn gồm hai vế: Được im lặng và có sự hiện diện của người bào chữa.

Nếu Việt Nam chúng ta có thể gắn quyền im lặng của bị can, bị cáo với sự hiện diện của luật sư, người bào chữa thì quá tốt. Tuy nhiên, xét về điều kiện, hoàn cảnh của đất nước hiện nay thì chưa thể làm ngay được điều này. Bởi việc lấy lời khai, hỏi cung được thực hiện rất nhiều lần trong quá trình điều tra. Đòi hỏi lúc nào cũng phải có mặt luật sư là điều khó thực hiện. Theo tôi, chỉ cần sự hiện diện của người bào chữa trong các bản trình bày nhận tội, bản khai nhận tội của bị can, bị cáo cũng đã góp phần rất lớn hạn chế oan sai.

PGS-TS NGUYỄN THÁI PHÚC, Giám đốc Học viện Tư pháp

Mạnh dạn luật hóa

Luật hóa quyền im lặng để chống oan sai

 

Quyền im lặng là quyền con người. Nó gắn liền với sự tự do, tự chủ của mỗi người mà không cần người khác ban phát. Pháp luật nước ta thực ra cũng đã quy định công nhận vấn đề này rồi. Chẳng hạn quyền bị can, bị cáo nhờ luật sư bào chữa từ giai đoạn khởi tố bị can cũng là một dạng của sự thừa nhận quyền im lặng. Vấn đề bị can, bị cáo được im lặng, được nhờ luật sư bào chữa đã được pháp luật ghi nhận dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng không thấy trong thực tiễn chẳng qua là do cán bộ điều tra tìm cách vô hiệu hóa.

Trong lần sửa đổi, bổ sung BLTTHS tới đây, tôi ủng hộ chủ trương ghi nhận cụ thể quyền im lặng như là quyền trước tiên của một bị can, bị cáo khi bị bắt tạm giữ, tạm giam và kèm theo đó là yêu cầu phải có người bào chữa khi làm việc. Nhiều ý kiến cho rằng giai đoạn này chưa nên áp dụng theo tôi đó là tìm cách kéo dài ngăn cản quyền con người của bị can, bị cáo, ngăn cản quyền hành nghề của luật sư. Chúng ta cứ mạnh dạn làm, nếu có khó khăn thì tìm cách khắc phục. Không làm cứ đợi thì biết đến bao giờ quyền của bị can, bị cáo mới được đảm bảo.

Luật sư BÙI QUANG NGHIÊM, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM

Án oan sẽ không xảy ra

Luật hóa quyền im lặng để chống oan sai

 

Chứng minh tội phạm là trách nhiệm của cơ quan CSĐT, cơ quan công tố. Người bị tình nghi phạm tội, bị can, bị cáo có quyền được trình bày, tự bào chữa nhưng không có nghĩa vụ chứng minh mình vô tội. Do vậy, họ muốn im lặng thì không ai có quyền bắt họ phải nói.

Nhiều vụ án oan nghiêm trọng vừa qua sẽ không có cơ hội xảy ra nếu chúng ta sớm thừa nhận quyền im lặng của bị can, bị cáo cho đến khi có sự hiện diện của người bào chữa. Trước tình hình như hiện nay, tôi cho rằng càng sớm ghi nhận quyền im lặng của người bị bắt, người bị tạm giam, tạm giữ vào trong BLTTHS càng tốt. Họ được quyền im lặng cho đến khi có sự hiện diện của người bào chữa.

Ngoài ra, một vấn đề hiện nay là vai trò của luật sư trong giai đoạn điều tra có cũng như không bởi hầu hết luật sư luôn bị cán bộ điều tra làm khó bằng nhiều cách. Ghi nhận quyền im lặng cho bị can, bị cáo cũng chính là một biện pháp hiệu quả khắc phục tình trạng này.

Luật sư LÊ QUANG Y, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai

Thừa nhận trực tiếp quyền im lặng

Luật hóa quyền im lặng để chống oan sai

 

Dưới một góc độ nào đó, pháp luật tố tụng hình sự nước ta đã gián tiếp ghi nhận quyền im lặng của bị can, bị cáo bằng các quy định như trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tố tụng, bị can “có quyền trình bày lời khai”, bị cáo “có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa; trình bày ý kiến, tranh luận tại phiên tòa”. Pháp luật tố tụng hình sự cũng không có quy định nào buộc bị can, bị cáo phải có nghĩa vụ khai báo.

Hiện nay, hầu hết các nước trên thế giới đã thừa nhận quyền im lặng cho bị can, bị cáo một cách cụ thể, chính thức bằng các quy định pháp luật. Tôi cho rằng cũng đã đến lúc chúng ta phải thừa nhận trực tiếp quyền này trong lần sửa đổi BLTTHS tới đây. Ai cũng biết rằng khi ghi nhận một cách chính thức thì công việc của cơ quan điều tra, cơ quan công tố sẽ vất vả hơn nhưng không thể vì vậy mà chúng ta không ghi nhận quyền tiến bộ này.

TS VÕ THỊ KIM OANH, Trưởng khoa Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM

Quy định tiến bộ, văn minh

Luật hóa quyền im lặng để chống oan sai

 

Xuất phát từ nguyên tắc “con người không ai tự chống bản thân mình”, quyền im lặng chính là quyền mà bị can, bị cáo sử dụng để “không chống lại” bản thân mình. Tức là ngay lúc bị bắt để tạm giữ, tạm giam, người bị tình nghi phạm tội có quyền im lặng để tự bảo vệ mình cho đến khi luật sư - người giúp họ bào chữa có mặt. Đây là một quy định tiến bộ, văn minh và rất cần được ghi nhận ngay vào BLTTHS trong lần chỉnh sửa tới.

Nhiều ý kiến cho rằng việc ghi nhận quyền im lặng này sẽ ảnh hưởng đến công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm và đội ngũ luật sư hiện còn thiếu chưa đáp ứng được yêu cầu, tôi cho rằng không phải thế. Quyền im lặng là quyền con người, đã là quyền con người thì phải được coi trọng và không được xâm phạm. Nhà nước có đầy đủ điều kiện, phương tiện để làm tốt công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm. Không thể lấy lý do này để không thừa nhận quyền im lặng cho bị can, bị cáo, tiếp tục xâm phạm quyền con người của họ. Đúng thực trạng hiện nay đội ngũ luật sư còn thiếu nhưng bên cạnh đội ngũ này còn có đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, luật gia. Trong khi đó, chiến lược phát triển đội ngũ luật sư cũng đang được đẩy mạnh và thu được nhiều kết quả đáng kể. Như vậy, dù thực tế đội ngũ luật sư còn thiếu nhưng không có nghĩa là không thể ghi nhận quyền im lặng được.

TS NGUYỄN DUY HƯNG, Trưởng khoa Luật Trường ĐH

Thủ Dầu Một, Bình Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm