1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Luật Di sản văn hóa sửa đổi “tắc” trong phiên thảo luận

(Dân trí) - “Tần ngần” trước những di tích văn hoá phục dựng kiểu “ép duyên” là cảm giác được nhiều đại biểu chia sẻ trong phiên thảo luận sửa đổi Luật di sản văn hoá tại UB thường vụ Quốc hội chiều 17/4. 7/10 nội dung có thay đổi vẫn “tắc” về nguyên lý.

Đại diện ban soạn thảo Luật sửa đổi luật di sản văn hoá, Bộ Văn hoá - thể thao & du lịch đề xuất sửa đổi, bổ sung ở 10 điều luật và bãi bỏ một điều luật khác trong quy định hiện hành. Cơ quan thẩm định dự án luật, UB Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng “bỏ phiếu thuận” cho 3 trong số những thay đổi đó. 7 nội dung dự kiến sửa đổi còn lại chưa thuyết phục được nhiều uỷ viên UB Thường vụ Quốc hội.

Về vấn đề bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể, Bộ nêu quan điểm đơn giản hoá quy định “lập hồ sơ khoa học các di sản” bằng thao tác kiểm kê (Điều 18). Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai phản biện, kiểm kê chỉ là thao tác ban đầu trong việc quản lý di sản.

Luật Di sản văn hóa sửa đổi “tắc” trong phiên thảo luận - 1
Ngay cạnh di tích nhà tù Hoả Lò là toà cao ốc Hà Nội Tower.

Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng lật lại vấn đề, nếu chỉ đơn giản là kiểm kê thì không thể bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Phải có hồ sơ, nhà nước với quản lý được. “Còn vấn đề thiếu cán bộ khoa học, thiếu kinh phí… thì cũng không thể đưa ra làm căn cứ để sửa luật” – ông Vượng phân tích.

Sau 7 năm thực hiện Luật di sản văn hoá (2002-2008), Việt Nam đã xây dựng được 5 di tích, danh thắng được công nhận là di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới; 2 di sản được công nhận di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại, 3.006 di tích được xếp hạng di tích quốc gia.

Nội dung gây tranh luận khá “găng” tiếp theo xoay quanh việc sửa đổi Điều 32 liên quan đến vấn đề xác định các khu vực bảo vệ di tích (Điều 32). Dự thảo đưa ra hướng thay đổi quy định “bảo vệ nguyên trạng” đối với khu vực I (vùng có các yếu tố cấu thành di tích) thành “bảo vệ nghiêm ngặt”.

Cơ quan soạn thảo viện dẫn, trong thực tế, tiến hành tu bổ các công trình ở khu vực bảo vệ I là một việc hết sức bình thường. Quy định "bảo vệ nguyên trạng" hiện hành làm khó việc tổ chức tu bổ vì không thể can thiệp gì, ngay cả những hạng mục chắp vá nằm trong di tích.

Những trường hợp di tích rộng với vài chục hecta, có dân cư sinh sống, làm ăn bên trong như Thành nhà Hồ ở Thanh Hoá, Hoàng thành ở Huế hay Thành Cổ Loa ở Hà Nội, yêu cầu “bảo vệ nguyên trạng” khó thực hiện.
 
Luật Di sản văn hóa sửa đổi “tắc” trong phiên thảo luận - 2
Di tích thành cổ Sơn Tây còn lại tới nay.

Tuy nhiên cụm từ “bảo vệ nghiêm ngặt” cũng không được chấm điểm cao hơn bởi nội hàm không rõ ràng, cụ thể, dễ dẫn đến hiện tượng vận dụng luật tuỳ tiện.

Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận gợi ý hướng quy định buộc giữ nguyên trạng những yếu tố không thể thay thế. Ông Thuận lấy ví dụ di tích nhà tù Hỏa Lò, giữ lại tường bao, nhà giam là hợp lý, nếu không thành phố không thể có Hà Nội Tower ngay trong khu vực này như hiện nay.
 
Chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển lại giãi bày cảm giác “tần ngần” vì việc tu bổ, cải tạo khu di tích thành cổ Sơn Tây. Theo ông Hiển, việc xây dựng lại di tích cần đảm bảo nguyên gốc, nếu không dù có hoành tráng, màu sắc hơn thì cũng chỉ như một sự… ép duyên.
Luật Di sản văn hóa sửa đổi “tắc” trong phiên thảo luận - 3
Vọng Cung trong thành cổ Sơn Tây mới dựng lại.

Ông Hiển cũng xác nhận, trong cách ứng xử với di sản, nhiều trường hợp lợi dụng việc tu tạo, phát huy để trục lợi, cũng không ít cảnh vì thiếu hiểu biết cộng với nhiệt tình thái quá thành ra huỷ hoại cả di tích.

Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền thì nhìn nhận di tích lịch sử không chỉ có ý nghĩa về mặt văn hoá. Khách du lịch ngày càng nhiều, đền chùa miếu mạo hoàn toàn có thể phát huy giá trị kinh tế, đưa lại nguồn thu ngân sách lớn. Vấn đề là quy chế quản lý sao để vừa tu bổ, vừa khai thác được di tích.

Về vấn đề quản lý việc sản xuất đồ cổ giả, nhiều ý kiến cho rằng không nên cấm mà phải tìm cách để công khai, minh bạch hoạt động này.

Luật Di sản văn hóa sửa đổi dự kiến sẽ được thông qua ngay sau khi lấy ý kiến Quốc hội trong kỳ họp tháng 5/2009.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm