1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Luật Đất đai "chỉnh" thời điểm, giá bồi thường thu hồi đất

(Dân trí ) - Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi chính thức đặt trên bàn nghị sự của QH sáng nay. 2 nội dung được chờ đợi nhất là quy định về việc thu hồi đất, giá đất vẫn có nhiều ý kiến trái chiều ngay trong cơ quan thẩm tra – UB Kinh tế của QH.

Đánh giá chung việc xây dựng Luật Đất đai sửa đổi, UB Kinh tế ghi nhận, dự luật được trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua sớm hơn dự kiến. Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị nghiêm túc, bám sát, phù hợp các quy định hiện hành.

Tránh lãng phí đất - dự án đến đâu thu hồi đến đấy

Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, đa số ý kiến trong UB tán thành quy định Nhà nước chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được phê duyệt và tán thành việc quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc tính khả thi của việc thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất vì khó có đủ nguồn kinh phí cho việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Nếu thu hồi đất theo kế hoạch mà chậm đưa vào sử dụng sẽ dẫn đến lãng phí đất đai, nhất là các công trình cơ sở hạ tầng có thời gian thực hiện kéo dài nhiều năm.
 
Luật Đất đai chỉnh thời điểm, giá bồi thường thu hồi đất
Chủ nhiệm UB Kinh tế (cơ quan thẩm tra bản dự thảo luật Đất đai sửa đổi đầu tiên) Nguyễn Văn Giàu.

Nhóm ý kiến này đề nghị quy định đất quy hoạch để xây dựng cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi... thì căn cứ vào tiến độ triển khai dự án, yêu cầu sử dụng đến đâu thu hồi đến đó để tránh lãng phí đất đai.

Quy định các dự án sản xuất kinh doanh phù hợp với quy hoạch sử dụng đất thì hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất với nhà đầu tư cũng nhận nhiều “phiếu thuận”. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị không cho phép nhà đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án vì phát sinh chênh lệch giá đền bù dẫn đến so bì và dễ xảy ra khiếu kiện.

Ngoài ra, UB Kinh tế cũng tán thành quy định khi xây dựng, mở rộng các công trình kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị cần phải quy hoạch và tổ chức thu hồi cả phần diện tích đất liền kề công trình kết cấu hạ tầng, vùng phụ cận để tạo nguồn lực từ đất đai đầu tư cho các công trình này và hỗ trợ người có đất bị thu hồi, đồng thời ưu tiên cho người bị thu hồi đất ở được giao đất hoặc mua nhà trên diện tích đất đã thu hồi mở rộng.

Cơ quan thẩm tra đề nghị quy định chặt chẽ việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đảm bảo khi Nhà nước thu hồi đất phải dân chủ, công khai, khách quan, công bằng và đúng pháp luật. Người sử dụng đất được bồi thường theo mục đích đang sử dụng hợp pháp.

Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu nêu yêu cầu làm rõ căn cứ quy định thu hồi đất vào mục đích lợi ích công cộng và phát triển kinh tế - xã hội vì Hiến pháp hiện hành cũng nêu rõ, chỉ trong trường hợp “thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản theo thời giá thị trường”.

Về vấn đề thu hồi đất do người sử dụng đất có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, quan điểm thống nhất là người bị thu hồi đất trong các trường hợp này không được trả lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp, không được thanh toán giá trị đầu tư và tài sản gắn liền với đất.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cũng lưu ý trường hợp người sử dụng đất chậm đưa đất vào sử dụng có lý do khách quan, bất khả kháng như bị tác động trực tiếp bởi khủng hoảng kinh tế, thiên tai. Kết lại, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cho rằng, cần xem xét từng trường hợp cụ thể để bồi thường cho người sử dụng đất phần tài sản đã đầu tư trên đất.

Hướng đề xuất khác là không thu hồi đối với trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng mà áp dụng biện pháp kinh tế như phạt tiền.

Định giá đất bồi thường tại thời điểm thu hồi

Về vấn đề giá đất, đa số ý kiến trong UB Kinh tế cũng tán thành quan điểm đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu nên giá đất phải do Nhà nước quyết định, bao gồm khung giá đất và mức giá cụ thể.

Khung giá đất, bảng giá đất được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với từng loại đất, các đối tượng sử dụng đất và các trường hợp giao đất, cho thuê đất. Cơ quan thẩm tra lưu ý cơ chế xử lý chênh lệch giá đất tại khu vực giáp ranh giữa các địa phương.

Một nguyên tắc khác là giá đất do Nhà nước quy định theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm định giá, đảm bảo phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc nguyên tắc định giá đất theo thời hạn sử dụng đất vì quy định này có nghĩa là khi hết thời hạn sử dụng đất nông nghiệp mà Nhà nước thu hồi đất thì sẽ không bồi thường giá trị quyền sử dụng đất cho người có đất bị thu hồi.

Trong UB Kinh tế có ý kiến đề nghị quy định áp dụng phương pháp thu nhập để định giá đất nông nghiệp vì hiện nay khiếu kiện của người dân chủ yếu là giá đền bù đất nông nghiệp.

Về việc áp dụng giá đất do Nhà nước quy định, phương án tách biệt các trường hợp giao đất, cho thuế đất không theo hình thức đấu giá, khi nhà nước thu hồi đất thì không áp dụng bảng giá các địa phương xây dựng mà tổ chức định giá đất cụ thể tại thời điểm thực hiện. Nguyên tắc định giá đất trong trường hợp này là không thấp hơn bảng giá đất.

Về giá đất bồi thường cho người bị thu hồi, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu đồng tình với quy định định giá đất để bồi thường theo mục đích sử dụng tại thời điểm thu hồi. Việc bồi thường có tính đến công sức đầu tư, bồi bổ của người sử dụng đất, nhưng không tính phần giá trị tăng thêm do quy hoạch của Nhà nước vì phần này không do đầu tư của người sử dụng đất tạo ra. Ngoài ra, nhà nước có chính sách hỗ trợ để ổn định đời sống, việc làm cho người có đất bị thu hồi.
 

UB Kinh tế cũng thành quy định thu hẹp các đối tượng được giao đất không thu tiền sử dụng đất và mở rộng đối tượng được thuê đất. Việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thực hiện thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Quy định thời hạn giao, cho thuê đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân được “nới” lên mức 50 năm để tạo điều kiện cho người nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Đề xuất giao đất nông nghiệp không thời hạn không nhận được ủng hộ vì việc quy định thời hạn không có nhiều ý nghĩa và sẽ làm tăng thêm các thủ tục hành chính và chi phí cho việc gia hạn sử dụng đất khi hết thời hạn.

P.Thảo