1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

“Luật Biểu tình đặt ra từ lâu nhưng lại chưa xây dựng”

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa bám sát vào biến động của thực tiễn để xây dựng luật cho phù hợp. Nhiều đạo luật như Luật Biểu tình là vấn đề bức xúc đặt ra từ lâu nhưng lại chưa xây dựng, chưa có lộ trình giải quyết theo trật tự ưu tiên.

Thảo luận tại hội trường về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh năm 2018 sáng 30/5, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) cho rằng những yếu kém trong công tác xây dựng pháp luật còn nhiều hạn chế yếu kém do việc lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, đối tượng chịu tác động còn hình thức, chưa đầy đủ.

Theo đại biểu Phan Anh Khoa (Phú Yên), xây dựng luật có nhiều hạn chế kéo dài trong nhiều nhiệm kỳ nhưng chưa khắc phục được như một số dự án luật chất lượng thấp, nhiều kỳ mới thông qua, có luật phải rút ra khỏi chương trình do chồng chéo. Nhiều luật thông qua còn chồng chéo gây lãng phí thời gian.

Vị đại biểu đề nghị phát huy trí tuệ toàn dân, cơ quan thẩm định phải có quan điểm nhằm tránh việc chạy theo. Đồng thời tăng cường giám sát việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, giám sát các cơ quan ban hành văn bản dưới luật và việc phổ biến triển khai luật trong đời sống xã hội.

Đại biểu Nguyễn Phước Lộc (Ảnh: QH)
Đại biểu Nguyễn Phước Lộc (Ảnh: QH)

Đại biểu Nguyễn Phước Lộc (TPHCM) băn khoăn trước tình trạng nhiều dự án luật đưa vào chương trình rồi nhưng “nay lại xin rút, mai xin lùi” có xu hướng gia tăng. Vì vậy phải tăng cường kỷ luật, nâng cao chất lượng xây dựng văn bản và kịp thời xử lý phát sinh để tháo gỡ kịp thời. “Không để luật sau ra đời phủ nhận luật trước”- ông Lộc nói.

Cũng phản ánh về chất lượng của các dự án luật, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) nhận định, nhiều dự án luật dù mới đưa ra nhưng đã nhận được sự phản đối quyết liệt, gay gắt.

“Đại biểu Quốc hội đã nói, quy định pháp luật trên trời, cuộc đời ở dưới đất. Nhiều dự án luật chưa đảm bảo tiến độ, chất lượng, khi đi vào cuộc sống còn làm cản trở sự phát triển của kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, xác định trách nhiệm từ ai, cơ quan nào thì hầu hết chưa làm được”- vị đại biểu Hà Nội thẳng thắn.

Chung quan điểm, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) nhận định chất lượng các đạo luật chưa đạt yêu cầu, quy trình xây dựng luật còn nhiều vấn đề mà nguyên nhân căn cốt nhất là thiếu tầm nhìn lập pháp, chưa có chiến lược dài hạn.

“Chưa bám sát vào biến động của thực tiễn để xây dựng luật cho phù hợp. Nhiều đạo luật như Luật Biểu tình, Luật về Hội là vấn đề bức xúc đặt ra từ lâu nhưng chưa xây dựng, chưa có lộ trình giải quyết theo trật tự ưu tiên nên vấn đề căn cơ lâu dài chưa giải quyết, cứ vấn đề bức xúc thì giải quyết trước”- ông Vân nói.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau).
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau).

Phần lớn các đạo luật được khởi xướng từ phía Chính phủ, trong khi Quốc hội là cơ quan ban hành luật, giám sát thực hiện luật còn thiếu chặt chẽ, sáng kiến lập pháp chưa có.

"Báo cáo của Thường vụ Quốc hội năm 2016 đã đưa ra thực trạng này, đưa ra cả việc xem xét trách nhiệm của người soạn thảo, trình dự án luật ra Quốc hội. Tôi cho rằng đã đến lúc Quốc hội phải có kỳ họp chuyên đề bàn nghiêm túc về kỷ luật lập pháp, có lộ trình giải quyết, dự báo quan hệ xã hội, xác định thứ tự ưu tiên ban hành luật. Hiện nay chạy theo đề xuất của Chính phủ thì vai trò lập pháp của Quốc hội ở đâu?”- vị đại biểu tỉnh Cà Mau nói và đề nghị Quốc hội phải khẩn trương chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm để chuẩn bị trình Quốc hội Luật Biểu tình, Luật về Hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định thừa nhận tình trạng đại biểu nói “các Ủy ban có nể nang, có né tránh, thuận theo cơ quan trình” là có thật. Nhưng khi đưa ra Thường vụ Quốc hội có thể bị bác, yêu cầu làm lại để có các bản thẩm tra đưa ra trước Quốc hội rất thẳng thắn, trách nhiệm.

“Thường vụ cũng đã khắc phục ở khâu Thường vụ xem xét và có những dự án luật đã được Thường vụ nghe đi, nghe lại đến 4 lần”- ông Định nhấn mạnh.

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm