Lúa Đông Xuân trước đại nạn rầy nâu
Hiện nay lúa Đông Xuân tại nhiều tỉnh khu vực ĐBSCL đang đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch rầy nâu gây thiệt hại nặng. Cục Bảo vệ thực vật cho biết đến thời điểm này đã có trên 100.000 ha lúa bị rầy nâu và đạo ôn tấn công
Rầy nâu nhiều như cám
Bước xuống mé ruộng lúa Đông Xuân bên bờ kênh Mười Nhẹ (xã Tân Công Sính, huyện Tam Nông, Đồng Tháp), bác nông dân Trần Văn Bảy đưa tay vuốt nhẹ một lượt từ gốc lúa lên ngọn. Lập tức bác hốt được một nắm rầy nâu đen kịn như nắm cám heo. Rồi bác vạch từng bụi lúa ở các đám ruộng xung quanh bảo: “Bụi nào có vệt đen dưới gốc là có rầy nâu đấy! Lúa càng tốt càng dễ bị nhiễm rầy.
Không hiểu sao năm nay rầy nâu nhiều quá, không khéo bị dịch như hồi năm 1990-1991 là mệt lắm chứ chẳng chơi”. Lần theo những cánh đồng bát ngát lúa đang làm đòng chuẩn bị trổ, các huyện Tháp Mười, Tân Hồng cũng đứng trước tình trạng nhiễm rầy nâu tương tự. Đi đâu cũng thấy bà con nông dân hối hả vác bình xịt lội bộ vô ruộng xộc vòi phun vào từng gốc lúa.
Không thua Đồng Tháp, sáng 12/2, chúng tôi đến cánh đồng xã Châu Lăng (Tri Tôn, An Giang) ghi nhận lúa ở vùng này đang làm đòng, mới sáng sớm đã đông người ra ruộng. Đang phun thuốc, gặp chúng tôi anh Phan Văn Ban bỏ bình xịch xuống, ngồi than: “Rầy nâu nhiều quá! Trước tết lúa đang xanh tốt thì mấy bữa nay vào đồng thấy nhiều đám bị cháy lá!”.
Nhìn khắp, trước mắt chúng tôi là những vạt lúa đương thì con gái mơn mởn nhưng loang lổ những vạt lúa còi cọc, lá bị xám đen. Qua các cánh đồng lân cận cũng thế, người dân bảo từ hôm tết tới nay rầy nâu phát triển mạnh, nhiều ruộng luá đang bị rầy tấn công.
Tại Sóc Trăng, theo số liệu của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, toàn tỉnh đã có 21.344ha lúa bị nhiễm sâu bệnh, trong đó có 5.872ha lúa bị nhiễm rầy. Không chỉ vậy, diện tích lúa bị sâu cuốn lá tấn công hiện cũng đến 6.911 ha và 5.249 ha bị cháy lá. Nông dân Sơn Hoàng Minh ở xã Thuận Hòa - huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) than thở:
“Mấy hôm trước trong lúc thăm đồng tôi phát hiện ruộng mình bị nhiễm rầy nâu với mật độ khá nhiều nên mua thuốc về phun làm rầy chết đen cả mặt nước. Vậy mà sáng 12/2, vẫn còn rầy nên phải mua thêm thuốc về phun tiếp”. Chỉ tay sang đám ruộng cạnh bên, anh Minh cho biết đám lúa ấy không chỉ bị nhiễm rầy mà lúc này bướm cũng về nhiều, sâu keo xuất hiện nên trước mắt chúng tôi là một trà lúa bị sâu cắn còi cọc đọt giống như bị trâu ăn
Tiếp tục sinh nở
Hiện tỉnh Đồng Tháp đã có gần 20.000ha lúa bị nhiễm rầy nâu.Theo kỹ sư Nguyễn Thanh Đồng, Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Tam Nông (Đồng Tháp), nếu lơ là chúng sẽ tấn công dẫn đến mất năng suất lúa, thậm chí bùng phát thành dịch. Nguyên nhân phát sinh rầy nâu năm nay là do bà con nông dân tranh thủ làm lúa vụ 3, đất không có thời gian nghỉ ngơi nên khâu phơi đất bị “bỏ qua”, mầm bệnh tồn lưu trong đất có cơ hội phát triển.
Mặt khác, do tập quán, nhiều bà con có thói quen sạ dày từ đầu vụ, sau đó lại bón phân đạm quá nhiều, lúa lên tốt xanh mịt cũng tạo điều kiện cho rầy nâu phát triển.
Ngoài ra, do một số giống lúa sử dụng đã lâu như IR 50404, IR 13240 - 108 (bà con quen gọi lúa Butyl), OM 1490, Jasmine 85, VD - 20... khả năng kháng rầy kém nên dễ bị nhiễm bệnh. Cộng thêm nhiều năm không thấy rầy xuất hiện nên bà con có ý lơi lỏng nên chúng càng có cơ hội... ngóc đầu dậy.
Ông Nguyễn Hữu An - chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật An Giang - cho hay toàn tỉnh hiện có 13.000ha lúa bị nhiễm rầy nâu, diện tích nhiễm rầy nâu mật độ từ 4.000 con/m2 chiếm đến 130ha. Rầy chỉ phát triển trên diện tích một số giống lúa mà bà con sạ dày, bón nhiều phân nhưng thiếu sự theo dõi chăm sóc trong tình hình thời tiết diễn biến bất thường. Phần lớn diện tích canh tác ở An Giang đều áp dụng biện pháp canh tác ba giảm ba tăng nên hạn chế rất nhiều tình trạng nhiễm rầy nâu.
Trước đó, GS.TS Võ Tòng Xuân - hiệu trưởng Trường ĐH An Giang- bức xúc cho rằng dịch rầy nâu như hịên nay là hậu quả của phong trào chạy theo lợi nhuận. Các địa phương để nông dân trồng lúa đặc sản, chất lượng cao xuất khẩu mà không để ý đến giống lúa kháng rầy. Chạy theo lợi nhuận đã gây đại họa cho chính nông dân và cho môi trường! “Cứ đà này rầy nâu vẫn sẽ tiếp tục sinh nở và phát triển” - GS Xuân nhận định.
Theo Tuổi Trẻ