1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

“Lũ nặng tại miền Trung là do làm mất dòng chảy tự nhiên”

(Dân trí) - “Một mặt là do mưa lớn, nhưng việc làm thuỷ lợi gắn với làm thuỷ điện, quy hoạch giao thông cũng không lường hết được tác động. Vì thế theo tôi là có nguyên nhân về con người.”, ông Trần Đình Đàn, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Bí thư Hà Tĩnh nhấn mạnh.

Thưa ông, lũ lớn tại Bắc Miền Trung vừa qua, bên cạnh yếu tố mưa lớn còn có nguyên nhân từ các công trình thuỷ điện, các công trình giao thông?

Thực tế, việc làm hồ đập thuỷ điện không có quy hoạch đầy đủ từ trước nên thấy chỗ nào có điều kiện, địa phương cho vào làm. Quá trình làm phải mở đường, chặt cây, thậm chí còn mở rộng sang hai bên hàng trăm mét dọc theo đường đó. Như thế, việc làm hồ thuỷ điện không được quy hoạch chu đáo, cây cũng chặt không có quy hoạch, thậm chí lợi dụng chặt nhiều hơn.

Đó là lý do làm cho nước trên đại ngàn, từ Lào sang ta lớn và chảy không theo dòng chảy tự nhiên. Trong khi đó, việc làm một số tuyến đường dọc theo miền núi của Nghệ An, Hà Tĩnh, đặc biệt đoạn Hà Tĩnh làm cho việc thoát nước từ trên rừng xuống càng mất tính tự nhiên, nhiều chỗ đọng lại.
 
“Lũ nặng tại miền Trung là do làm mất dòng chảy tự nhiên” - 1
Trận lụt 100 năm có một ở Hương Khê

Các huyện miền núi như Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê có lẽ vừa rồi bị nặng nhất, bị ngập một cách bất ngờ nhất.

Như vậy có phải “nhân tai” là chính, không phải thiên tai?

Một mặt là do mưa lớn, nhưng việc làm thuỷ lợi của mình gắn với làm thuỷ điện, quy hoạch giao thông cũng không lường hết được tác động. Vì thế theo tôi là có nguyên nhân về con người.

Tôi nói như đập Hố Hô khi làm chúng tôi chỉ đạo cũng không hình dung được lượng nước cũng như tai hoạ của nó. Mưa lớn như vừa rồi là tràn đập, cây trên ngàn đổ xuống chặn trên bờ đập. Rất may bộ đội biên phòng cứu kịp, vừa kích mở cống vừa lấy bớt cây nằm trên mặt hồ.

Mình làm thuỷ điện như vậy mà khi muốn mở cửa xả lũ không mở nổi.

Với những gì đã diễn ra, theo ông có cần tổng kiểm tra, rà soát lại các công trình?

Đề nghị Chính phủ phải có một đợt tổng kiểm tra rà soát lại quy hoạch, Quốc hội phải tiếp tục giám sát. Có những hồ đập cấp cho nhà đầu tư rồi nhưng thấy không ổn, vì nằm trên độ cao mấy trăm mét mà dân ở dưới chân đập.

Việc cần thiết nữa là phải mở khẩu độ các tuyến đường Hồ Chí Minh đi dọc theo triền núi từ Thanh Hoá đến Quảng Bình và các tỉnh liên quan. Miền núi độ cao 700 - 800m so với mực nước biển mà bây giờ bị ngập sâu rõ ràng dòng chảy bị chặn.

Có người nói đường Hồ Chí Minh như một con đê chặn dòng nước?

Năm 2002 có lũ quét, tôi lúc đó đang làm Chủ tịch Hà Tĩnh đã chứng kiến nhiều đoạn ngập là do đường Hồ Chí Minh. Sau đó, chúng tôi đề nghị Bộ Giao thông, cho mở khẩu độ một số cầu, nhưng có những nơi mở rồi, lũ lụt sau đó vẫn tràn và xé luôn cầu đó.

Không chỉ có đường Hồ Chí Minh, có những tuyến đường nối từ khu vực này sang khu vực kia sau khi có đường Hồ Chí Minh lại tiếp tục ngăn dòng chảy… Cho nên bây giờ phải có kiểm tra và làm một quy hoạch rất chặt chẽ, mở đến đâu phải thiết lập lại khu dân cư. Những chỗ không an toàn thì không cho dân ở đó.

Có một phần nguyên nhân từ con người và hậu quả phải gánh chịu vừa qua là rất lớn, thưa ông?

Năm 2002 lũ quét gần như xoá hết cơ sở hạ tầng, gồm trường học, trạm y tế, phá huỷ nhiều nhà dân, nhưng lúc đó chỉ cục bộ huyện Đông Sơn, trong khi bây giờ cả tỉnh Hà Tĩnh chịu hậu quả.

Tôi nói như vùng gần chục xã ngoài đê Đức Thọ họ làm chạn, có bếp để trên chạn, có kho trên chạn, lũ lụt họ lên chạn ở được, nhưng vùng Vũ Quang, Hương Khê chẳng hạn, hay kể cả vùng Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên lũ rất bất ngờ, người dân không có chạn mà lên, không có thuyền mà đi.

Đặc biệt vừa rồi xả hồ Kẻ Gỗ cả thành phố  Hà Tĩnh gần như bị ngập hết. Đường Phan Đình Phùng một tuyến đường rất đẹp mà phải chèo thuyền. Điều này hoàn toàn bất ngờ.

Mưa lớn, cả hồ đập cao hơn 32m so với mực nước biển xả xuống, hạ nguồn là mấy con đê kiên cố hoá, mở xả lũ không kịp nên khu vực dưới hồ Kẻ Gỗ như Cẩm Mỹ, Cẩm Thành, Cẩm Bình rồi mấy xã của thành phố Hà Tĩnh kề đó bị ngập sâu.

Nhưng có những dự án chưa tính đến hậu quả, trong khi nếu xảy ra sự cố thiệt hại lớn hơn rất nhiều so với giá trị đem lại?

Thiên tai nhất hoả nhì thuỷ, không ai lường được. Có điều mình phải kiểm tra lại và phải làm một quy hoạch trọn vẹn. Đáng phát triển thuỷ điện đến đâu, đáng phát triển giao thông đến đâu phải làm cho kỹ.

Có những dự án như đập Hố Hô hay đập thuỷ điện ở Hương Sơn mà lở thì thiệt hại không thể lường hết được. Không những tài sản lớn gấp hàng trăm lần mà còn liên quan đến tính mạng hàng nghìn người.
 
“Lũ nặng tại miền Trung là do làm mất dòng chảy tự nhiên” - 2
Người dân không kịp mang theo tài sản trong đợt lũ vừa qua

Theo tôi, có những việc dù đang làm dở hoặc có quyết định cấp rồi, nhưng cần thiết là phải dừng, không thể làm bằng mọi giá.

Cũng phải xem xét trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương, thưa ông?

Nếu nói như vậy tôi cũng có khuyết điểm. Lúc tôi là Chủ  tịch tỉnh, địa phương còn nghèo, người ta vào đầu tư để có được nhà máy điện rồi có hồ chứa nước để dân vùng đó có nước tưới, sinh hoạt, có lẽ ai cũng muốn làm.

Nhưng vai trò quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương phải xác định vấn đề an toàn, môi trường và hiệu quả kinh tế đối với xã hội, an sinh và các mặt liên quan. Sau đợt lũ lụt này chúng ta phải rút kinh nghiệm.

Nên chăng Quốc hội có chương trình giám sát về thoát lũ miền Trung?

Vấn đề đó phải theo đề xuất của đại biểu Quốc hội. Bản thân tôi cho rằng, nên có giám sát lại những loại công trình đó.

Tôi thí dụ, từ dưới biển lên rừng có tuyến đường ven biển, quốc lộ 1 A (liên tục nâng cấp), đường tàu, đường Hồ Chí Minh và còn chuẩn bị làm đường biên giới. 5 tuyến đường chạy dọc như thế chắc chắn rằng sẽ cản dòng chảy.

Xin cảm ơn ông!

Cấn Cường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm