Lũ dữ chia cắt Nam Trung bộ
(Dân trí) - Tỉnh Phú Yên, nơi tâm bão đổ bộ, đã có 14 người thiệt mạng. Mưa lớn kéo dài khiến toàn tỉnh Phú Yên chìm trong cơn đại hồng thuỷ. Các tỉnh khác ở Nam Trung bộ cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Ngay sau khi bão đổ bộ, mưa lớn tiếp tục kéo dài khiến toàn địa bàn tỉnh Phú Yên chìm trong cơn đại hồng thuỷ, giao thông tuyến Quốc lộ 1A qua địa phận tỉnh bị ách tắc nghiêm trọng. Các huyện Tuy An, Đông Hà và thị trấn Sông Cầu là những điểm ngập nặng nhất. Vùng nuôi tôm tập trung và là trọng điểm kinh tế tại các huyện Tuy An, Đông Hoà bị mưa bão quần nát tan hoang.
Những gương mặt thảng thốt vì sơ tán sau lũ. (Ảnh: Sông Ba)
Trả lời phỏng vấn phóng viên Dân trí trưa 3/11, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên - ông Đào Tấn Lộc - cho biết trận lũ này lớn chưa từng có. Người dân thị xã Sông Cầu sống trong hoảng loạn vì lần đầu tiên khu vực nội ô bị ngập trong nước. Nhiều nơi bị lũ chia cắt hoàn toàn khiến việc cứu hộ gặp nhiều khó khăn.
Ngày 2/11, người dân thôn 1 (xã Tam Hải, Núi Thành, Quảng Nam) báo tin có 2 ngư dân địa phương dùng thúng chai đi bủa lưới từ tối ngày 1/11 và bị sóng đánh dạt vào Hòn Dứa, cách mũi Bàn Than khoảng một hải lý, vẫn chưa vào bờ được, có nguy cơ bị đói rét do không mang theo lương thực.
Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh đã điều động tàu BP 43-13-02 phối hợp cùng một số ngư dân có kinh nghiệm ra ứng cứu. Chiều cùng ngày đã đưa được 2 ngư dân vào bờ an toàn.
Theo Trung tâm Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam, lúc 6h30 sáng 3/11, chính quyền xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn, đã vớt được một thi thể nam trôi dạt trên sông, khoảng 45 tuổi, chưa xác định được danh tính, quê quán.(Công Bính). |
Theo báo cáo nhanh của Sở Giao thông - Vận tải, do ảnh hưởng của cơn bão số 11 và mưa lớn, một số tuyến giao thông trong tỉnh đã bị ắch tắc. Trong đó, cầu Suối Khao (Tỉnh lộ 8 đi Khánh Vĩnh) ngập 0,6 m; Tỉnh lộ 8B tại cầu sông Chò ngập sâu 1,5 m. Hiện, Tỉnh lộ 9 đoạn từ huyện Cam Lâm lên Khánh Sơn đang sạt lở nghiêm trọng, gây tắc nghẽn giao thông ở km 22.
Mưa lớn đã làm nhiều tuyến đường đi các huyện miền núi bị sạt lở nghiêm trọng. Tại xã Ba Khâm, huyện miền núi Ba Tơ, gió bão cũng đã làm tốc mái trường THCS Ba Khâm, 20 nhà dân ở xã Sơn Hải, và trụ sở làm việc của UBND xã Sơn Hải, huyện Sơn Hà bị tốc mái. Mưa lũ cũng đã làm cho hàng ngàn ha hoa màu mới trồng của người dân các địa phương bị mất trắng hoàn toàn.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum, đến cuối ngày 3/11 do mưa lớn kéo dài khiến mực nước trên các sông dâng nhanh. Sông ĐăkBla tại cầu treo Kon Klor (TP.Kon Tum) mực nước cao hơn báo động 2 là: 0,38 m; Trên sông ĐăkBla tại Kon Plong cao hơn báo động 3 là: 0,97 m; sông Đăk Pô Kô tại Đăk Mốt xã Tân Cảnh xấp xỉ báo động 3.
Mưa lớn kéo dài cùng với gió mạnh khiến 4 điểm trường bị tốc mái ở xã Đăk Long; 07 kho chứa lúa bị tốc mái; nhiều công trình thuỷ lợi ở xã Hiếu bị sập đầu mối và bị vùi lấp. Thông tin liên lạc các xã Măng Bút, Đăk Ring, Đăk Nên, Ngọc Tem hiện không liên lạc được.
Sau những trận mưa liên tục kéo dài, các huyện miền núi của Quảng Ngãi đều bị úng ngập nặng, nhiều khu dân cư bị cô lập hoàn toàn. Những đoạn đường liên huyện, liên xã bị ngập nước, sạt lở, cuốn trôi gây ách tắc giao thông, có đoạn ngập sâu tới 1m khiến các phương tiện đường bộ không thể đi qua, gây khó khăn trong việc vận chuyển hàng hoá và cứu trợ nhân dân.
Hàng nghìn người dân đối mặt với nguy cơ đói ăn. (Ảnh: Khánh Hồng)
Chưa kịp hoàn hồn sau cơn bão số 9 kinh hoàng, người dân vùng rốn lũ Quảng Ngãi lại khốn đốn với trận lũ lớn này. Nhà anh Đinh Văn Nhị (xóm Đông Thạch, xã Bình Mỹ, huyện Bình Sơn) bị trôi hết nhà cửa trong cơn bão số 9 vừa qua. Trên mảnh đất trống, 2 vợ chồng anh có dựng tạm chiếc lều. Bão số 11 đổ về cùng cơn lũ, anh chị phải lên ký túc xá của giáo viên trú bão. Tổn thất nặng nề là thế nhưng anh chị không được nhận tiền hỗ trợ vì theo chính quyền địa phương, nhà anh thuộc diện nhà xây dựng trái phép.
Sát nhà anh Nhị là nhà anh Ngô Quang Tuấn cũng cùng chung cảnh ngộ. Anh Tuấn thiểu não: “Mấy ngày mưa bão vừa qua ở cực quá, tội nhất là mấy đứa nhỏ phải chịu mưa chịu lạnh, nhưng cũng không biết phải làm sao”.
Thôn Đông Yên, xã Đông Dương, huyện Bình Sơn, nhiều chỗ còn ngập trong bùn từ bão số 9. Hàng trăm người dân ở bên kia sông Trà Bông bị chìm trong nước, cô lập hoàn toàn. Phương tiện đi lại duy nhất là thuyền, nhưng mấy hôm nước lên cao, thuyền không dám rời bến. Người dân não nề: chưa hết cơn bão này đã đến cơn bão kia, điện chiếu sáng chưa có lại kể từ sau bão số 9…