1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

ĐBSCL:

Lũ đạt đỉnh, người dân vẫn đắp bờ, xây tường chống nước

(Dân trí) - Tổng cục Thủy lợi nhận định, lũ chính vụ năm 2018 đã đạt đỉnh vào ngày 13/9 vừa qua. Tuy nhiên, người dân miền Tây cho rằng, phải “thoát” hai con nước 15/9 và 30/9 âm lịch sắp tới mới hết mùa lũ. Do đó, người dân vẫn lo xây tường, đắp bờ... chống nước tràn vào nhà, vườn cây ăn trái.

Anh Tâm – quận Ninh Kiều TP Cần Thơ cho biết, tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần anh đi mua gạch, xi măng về thuê thợ xây tường rào chắn nước tràn vào nhà. Vì theo anh, trong đợt triều cường lịch sử vừa rồi, nước tràn lên hành lang đường rồi vào nhà, gây khó khăn trong sinh hoạt vô cùng.

Nhiều hộ dân ở Cồn Khương (phường Cái Khế, quận Ninh Kiều) mấy ngày qua vẫn cuống cuồng gia cố đê bao, bảo vệ vườn cây ăn trái. Vì theo họ, tuy đã thoát được trận triều cường vừa rồi nhưng còn hai con nước lớn nữa (vào 15/9 và 30/9) mới xong mùa lũ năm nay.

Tổng cục Thủy lợi đã nhận định đỉnh lũ đã đạt đỉnh vào 13/9, tuy nhiên người dân miền Tây đang gấp rút lo xây tường rào, đắp bờ bao... ngăn nước tràn vào nhà, vườn cây ăn trái
Tổng cục Thủy lợi đã nhận định đỉnh lũ đã đạt đỉnh vào 13/9, tuy nhiên người dân miền Tây đang gấp rút lo xây tường rào, đắp bờ bao... ngăn nước tràn vào nhà, vườn cây ăn trái

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, nửa đầu 2018, nguồn nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2017-2018 và Hè Thu 2018 ở khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long nhìn chung tương đối thuận lợi, không xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn trên diện rộng. Tuy nhiên, lũ năm 2018 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều biến động khác với các năm trước, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân.


Những ngày qua, người dân Cồn Khương căng mình gia cố đê bao để bảo vệ vườn cây ăn trái thoát qua hai đợt triều cường sắp tới là vào 15/9 và 30/9 âm lịch

Những ngày qua, người dân Cồn Khương căng mình gia cố đê bao để bảo vệ vườn cây ăn trái thoát qua hai đợt triều cường sắp tới là vào 15/9 và 30/9 âm lịch

Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do cuối tháng 7/2018 đến cuối tháng 8/2018, trên lưu vực sông Mê Kông xảy ra mưa lớn ở Lào với tổng lượng mưa phổ biến từ 300-1.000 mm, một số điểm cao hơn 1.000 mm; cộng thêm sự cố vỡ đập thủy điện Xepian-Xenam Noy và gia tăng xả lũ của các hồ chứa thủy điện tại Lào làm lũ ở sông Cửu Long tăng nhanh, mực nước tại 2 trạm đầu nguồn sông Cửu Long là Tân Châu và Châu Đốc (tỉnh An Giang) tăng trung bình từ 6-8 cm/ngày.

Tổng cục Thủy lợi còn cho rằng, lũ năm 2018 có nhiều biến động khác với các năm trước, có những thời gian tăng nhanh đột biến, đỉnh lũ đầu vụ ở mức sớm hơn trung bình hàng năm khoảng hơn 10 ngày. Do vậy, việc dự báo lũ gặp nhiều khó khăn, có thời gian thông tin dự báo sai khác nhiều so với thực tế. Đến nay, có thể khẳng định lũ chính vụ đã đạt đỉnh vào ngày 13/9.

Một hộ dân ở TP Cần Thơ phải dọn đồ chạy lũ thành phố
Một hộ dân ở TP Cần Thơ phải dọn đồ chạy lũ thành phố

Từ việc nước lũ về sớm và dâng cao trong thời gia qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân miền Tây. Theo đó tổng cộng diện tích đã bị thiệt hại do ngập lũ tại các địa phương vùng đầu nguồn là 2.061 ha.

Cụ thể: An Giang 1.274 ha (mất trắng), Kiên Giang 316 ha (mất trắng), Long An 24 ha (mất trắng), Đồng Tháp 447ha (182ha mất trắng, 265ha giảm năng suất), trong đó có 149 ha lúa thiệt hại do một ô bao thuộc xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười) bị vỡ.

Theo Tổng cục Thủy lợi, tính đến thời điểm hiện tại, nước lũ đã gây thiệt hại trên 2.000ha lúa
Theo Tổng cục Thủy lợi, tính đến thời điểm hiện tại, nước lũ đã gây thiệt hại trên 2.000ha lúa

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mặc dù lũ đầu nguồn sông Cửu Long đang rút nhanh nhưng do ảnh hưởng của các kỳ triều cường lên cao trong tháng 10, 11, mực nước nội đồng ở khu vực ven sông Cửu Long ở vùng giữa đồng bằng và vùng ven biển có xu thế dâng cao (các tỉnh Vĩnh Long, Cần Thơ,..)

Mặc dù theo dự báo nước lũ đã đạt đỉnh, tuy nhiên nhiều ngày qua, người dân ở TP Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp... vẫn cuống cuồng lo xây tường, đắp bờ bao để chống nước tràn vào nhà, vườn cây ăn trái như đợt triều cường lịch sử vừa qua.

Nguyễn Hành (ảnh: Đỗ Trung)