Lòng tham + quyền lực = tham nhũng
"Phải nói đúng là tình hình tham nhũng ở VN trong 5-7 năm nay được Đảng xác định là nghiêm trọng và phức tạp. So với trước đây, thời kỳ chưa đổi mới, thời kỳ còn bao cấp, tham nhũng hiện nay đã tiến rất xa."
Các vị khách tham dự tọa đàm xem clip do sinh viên thực hiện có chủ đề về vai trò của sinh viên trong phòng chống tham nhũng - Ảnh: Quang Thế |
Đó là khẳng định của ông Lê Văn Lân, phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng tại tọa đàm “Vai trò của thanh niên trong minh bạch và phòng chống tham nhũng” diễn ra sáng 8/12, tại Học viện Hành chính quốc gia Hà Nội.
Buổi tọa đàm được nhóm Đen hay Trắng và Be Change Agents tổ chức với chủ đề năm 2012 là “sống thật” trên quy mô toàn quốc.
Không để quyền lực vô biên
"Tham nhũng là hiện tượng. Giống như khi một đứa trẻ bị sốt, đó là hiện tượng. Mục tiêu không phải là hạ sốt mà phải tìm nguyên nhân gây sốt mới chữa trị dứt điểm được" Ông Ronald MacLean - Abaroa (cựu thị trưởng TP La Paz, Bolivia) |
Điều hành buổi tọa đàm, Hoàng Đức Minh - người khởi xướng Diễn đàn thanh niên và phát triển bền vững - đặt câu hỏi: “Tham nhũng ở Việt Nam hiện nay có gì khác so với trước?”.
Ông Lê Văn Lân, phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, cho rằng: Phải nói đúng là tình hình tham nhũng ở Việt Nam trong 5-7 năm nay được Đảng xác định là nghiêm trọng và phức tạp. So với trước đây, thời kỳ chưa đổi mới, thời kỳ còn bao cấp, tham nhũng hiện nay đã tiến rất xa.
Theo ông Lân, trước đây tham nhũng chủ yếu xảy ra ở lĩnh vực kinh tế, vật chất. Còn những năm gần đây xảy ra ở cả các cơ quan bảo vệ pháp luật, kể cả cơ quan chống tham nhũng. Thậm chí tham nhũng có cả ở các lĩnh vực nhân đạo, từ thiện và thực hiện chính sách xã hội như hỗ trợ xóa đói giảm nghèo. Ngay hỗ trợ tiền tết cho các hộ nghèo cũng bị tham nhũng, xà xẻo... Đây là điều rất đáng lo ngại.
Về nguyên nhân dẫn tới tham nhũng, ông Lân cho rằng ở Việt Nam trước hết do quản lý nhà nước còn sơ hở, lỏng lẻo. Quy định của pháp luật còn thiếu, còn nhiều quy định bất cập... dẫn đến tham nhũng.
Về căn nguyên của tham nhũng, ông Lân khẳng định: “Thứ nhất là do lòng tham. Thứ hai là việc giao quyền lực. Lòng tham cộng quyền lực sẽ tạo ra tham nhũng. Vì vậy, cần phải giáo dục đạo đức để hạn chế bớt lòng tham, cần phải minh bạch, có biện pháp hạn chế quyền lực, chế ước quyền lực để người có quyền lực thực hiện quyền lực của mình trong giới hạn có kiểm soát, không để thực hiện quyền lực một cách vô biên, không có giới hạn”.
Minh bạch trong giám sát, kiểm soát quyền lực
Ông Ronald MacLean - Abaroa, cựu thị trưởng TP La Paz (Bolivia), cho rằng để hạn chế tham nhũng thì mọi vấn đề, mọi ngõ ngách có thể dẫn tới tham nhũng đều phải minh bạch, thậm chí cho phép cạnh tranh giữa các dịch vụ. Ông Abaroa cho rằng khi nhiều dịch vụ cùng làm tốt thì việc lót tay để được việc cho mình sẽ không còn. “Tôi rất muốn các bạn trẻ nhìn vấn đề tham nhũng với góc nhìn “nửa ly nước đầy”, tức là còn nhiều hi vọng. Chỉ việc các bạn trẻ có mặt rất đông ở buổi tọa đàm hôm nay đã là bằng chứng về việc nhận thức của chúng ta đối với vấn đề này ngày càng tăng lên” - ông Abaroa chia sẻ.
Theo ông James Anderson - chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, vấn đề quan trọng hơn cả là phải minh bạch thông tin. “Minh bạch trong việc trao quyền. Minh bạch trong giám sát, kiểm soát quyền lực để hạn chế trục lợi và phải minh bạch cả vấn đề trách nhiệm giải trình” - ông James Anderson nhấn mạnh.
Theo Tuổi Trẻ
Bên lề buổi tọa đàm, các sinh viên đã bày tỏ bức xúc trước công bố của ông Trần Trọng Dực, chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy Hà Nội, rằng “chạy” vào công chức không dưới 100 triệu đồng. Làm mất niềm tin của những người muốn cống hiến Chuyện chạy chọt vào làm công chức, thậm chí chạy với chi phí hàng trăm triệu đồng được nói đến từ rất lâu rồi. Chạy vào công chức, nói thật là tôi không cảm thấy ngạc nhiên. Chuyện này tôi cũng được nghe bạn bè, anh chị nói nhiều. Nhưng đây là việc có ảnh hưởng tiêu cực đến những bạn muốn vào làm trong các cơ quan nhà nước. Tại sao người học thật lại thua người học dốt chỉ vì người học dốt có tiền để chạy? Đây là vấn đề làm mất lòng tin của những người muốn cống hiến cho đất nước. Vì vậy, nếu việc này không được giải quyết nhanh thì niềm tin của lớp trẻ về cơ hội vào làm các cơ quan nhà nước sẽ không còn. Nguyễn Thị Phương Mai (sinh viên Đại học Ngoại thương) Phải làm lộ diện “tảng băng chìm” Tôi rất thích ý kiến thẳng thắn này. Đây là thực trạng ai cũng biết, nhưng việc một đại biểu ở cương vị chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra của Thành ủy phát biểu công khai trong một cuộc họp của HĐND TP Hà Nội thì đây là lần đầu tiên tôi nghe. Cá nhân tôi là trưởng ban nhân sự của dự án giảng đường tươi đẹp. Dự án hướng tới xây dựng chuẩn mực mối quan hệ thầy trò minh bạch, trong sáng lành mạnh, góp phần xóa bỏ tham nhũng trong giảng đường đại học. Hướng tới tôn vinh tình thầy trò, ngăn chặn tình trạng thương mại hóa để giữ gìn sự tôn sư trọng đạo. Việc “chạy” như thế là vấn đề tham nhũng, hối lộ. Quan điểm của tôi là phải tiếp tục làm lộ diện “tảng băng chìm” trong chạy chọt vào công chức. Tôi cũng mong muốn những người có trách nhiệm cần có giải pháp để làm thực chất hơn, lành mạnh hơn vấn đề thi công chức, đúng nghĩa là một cuộc thi, phải cạnh tranh bằng năng lực để những người giỏi chứng minh năng lực. Nguyễn Ngọc Ánh (sinh viên Học viện Báo chí và tuyên truyền) Úc giúp VN đào tạo cán bộ chống tham nhũng Nhân ngày quốc tế phòng chống tham nhũng, Đại sứ quán Úc tại Hà Nội vừa công bố một chương trình hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này. Theo đó, nước này thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Úc (AusAID) sẽ tài trợ 400.000 đôla Úc (hơn 8,7 tỉ đồng) cho chương trình tăng cường sự tham gia của người dân, các tổ chức xã hội và doanh nghiệp trong phòng chống tham nhũng. Chương trình sẽ kéo dài trong ba năm từ 2013-2015 và do Tổ chức Hướng tới minh bạch tại Việt Nam thực hiện. Ngoài ra, từ năm 2011-2014, Úc cũng cung cấp nhiều khóa đào tạo về chống tham nhũng cho các cán bộ cấp cao của Việt Nam với khoản hỗ trợ 2,8 triệu đôla Úc. H.Giang |