1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Long đong những giọt máu Đài

Sau hơn 5 năm cao điểm của “làn sóng” lấy chồng Đài Loan, một số trẻ con lai Đài Loan thế hệ đầu tiên được đưa về VN sinh sống. Giấc mơ của những cô gái quê ngày ra đi lấy chồng nước ngoài đã vỡ tan khi trở về.

Vợ chồng mỗi người mỗi ngả, đứa con mang hai dòng máu đứng giữa ngã ba đường. Các em đang sống ra sao? Trở lại những “đảo Đài Loan” ở đồng bằng sông Cửu Long, một thực tế đau lòng bày ra với những thân phận bi kịch.

 

Day dứt là cảm xúc ngập tràn trong những ngày trở lại “đảo Đài Loan”. Câu chuyện không chỉ dừng lại ở “làn sóng” những cô dâu nhắm mắt chấp nhận cuộc hôn nhân không tình yêu, hậu quả dai dẳng hơn chính là thân phận những đứa con lai của các gia đình Việt-Đài tan vỡ. Những lỗi lầm của người lớn gây ra đè nặng lên các em, ngay cả khi các em mới chỉ là những bào thai…

 

“Bạn ấy phải lấy chồng nước ngoài để có tiền. Gia đình bạn ấy nhờ dì B. dẫn lên huyện gặp bà môi giới tên V.. Hôm sau, bà ta dẫn bạn ấy lên Sài Gòn cùng với hàng trăm cô gái khác đến cho người ta xem mặt. Bạn ấy trúng tuyển và được một người nước ngoài đưa đến khách sạn để “thử”. Hôm sau tiến hành đám cưới nhỏ tại Đầm Sen. Nghe đâu bạn ấy được hai mươi mấy triệu đồng. Em khuyên bạn ấy rất nhiều nhưng bạn ấy nói đã lỡ rồi”, đó là lời trong bức thư mà một bạn đọc ở tỉnh Hậu Giang gửi đến để kêu cứu cho bạn.

 

Đây chỉ là một trong số hàng chục nghìn trường hợp ra đi đánh cược với số phận của các cô gái miền Tây Nam bộ. Đa số những gia đình đều nói về những cuộc hôn nhân xuyên biên giới này một cách “đỏ đen” là: chấp nhận hên xui. “Đi là đi thí cầu may”, đó là câu trả lời của một người mẹ ở “đảo Đài Loan”, huyện Thốt Nốt, Cần Thơ.

 

Người mẹ ấy từng “cắn răng” tiễn cả hai cô con gái về nhà chồng tận bên Đài Loan xa xôi. Trong khi đó, ngoài qua lời kể và tưởng tượng, cả mẹ vợ và cô dâu chưa hề biết gia cảnh chú rể thế nào. Con gái quê nghèo nên của hồi môn về nhà chồng chỉ có ước mơ “qua kia làm việc nhiều tiền hơn sẽ gửi về cho mẹ sửa căn nhà”.

 

Một phụ nữ ôm con từ Đài Loan trở về quê nhà ở huyện Cầu Ngang (tỉnh Trà Vinh) bộc bạch: “Nghe người ta nói nhiều về những bi kịch. Khi được người ta mai mối, có lúc chị cũng chùn bước khi nghĩ đến cảnh nhiều cô bị lừa gạt, bị chồng hành hạ dã man. Nhưng căn chòi ven sông cùng cảnh sống của nghề kéo tép khiến chị chấp nhận lấy chồng như một trò xổ số. Chị ra đi chỉ với một suy nghĩ làm niềm tin là anh ấy có giấy tờ sang VN được chắc không phải là tội phạm. Vậy là được rồi, chắc không đến nỗi nào”.

 

Xót xa hơn, trong suy nghĩ của những cô gái mới lớn, tình duyên xứ người là con đường màu hồng. Sau khi tốt nghiệp lớp 9, thay vì học tiếp hoặc tìm việc làm, một nhóm bạn gái ở Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) nghe lời một người môi giới đã rủ nhau lấy chồng Đài Loan.

 

 

Long đong những giọt máu Đài - 1
 

Các cô gái đang chờ làm thủ tục 
kết hôn với người nước ngoài tại
Sở Tư pháp Cần Thơ.

M. lúc ấy mới 16 tuổi, trong khi luật quy định đến 18 tuổi mới được kết hôn. M. đã thông qua môi giới nhờ người đổi tên họ, tuổi tác để được lấy chồng. M. và hai người bạn cùng lớp ra đi. Chẳng biết các bạn thế nào, còn M. sau khi làm vợ được hai tuần đã trốn khỏi nhà chồng vì cô không biết nói tiếng Hoa, mẹ chồng quá khó.

 

Vì một phút nông nổi mà chị P. ở xã Vĩnh Kim, huyện Cầu Ngang (tỉnh Trà Vinh) lâm vào cảnh dở đi, dở ở. Giọng chị kể ngậm ngùi: “19 tuổi, tôi được người ta mai mối một ông Đài Loan. Vì ham vui, muốn đi máy bay, tò mò muốn qua đó như thế nào, tôi gật đầu đồng ý. Và tôi đã trả một cái giá quá đắt”.

 

Đó là chuyện kể của những người đã ra đi và đau xót trở về. Trong khi đó, tại các phòng hộ tịch giải quyết đăng ký kết hôn với người có yếu tố nước ngoài ở các tỉnh, vẫn còn nhiều cô gái chuẩn bị ra đi với những suy nghĩ tương tự.

 

Tại phòng hộ tịch TP Cần Thơ, cô M., 22 tuổi, quê huyện Thốt Nốt, bộc bạch: “Em học hết lớp 9, ở nhà làm “guộng”. Mấy tháng trước bà chị họ làm mai cho em một người Đài Loan 39 tuổi. Chị em gửi hình của ổng cho em coi, gửi hình em cho ổng coi. Ổng chịu rồi qua VN làm thủ tục luôn. Lần thứ hai ổng qua thì đám cưới”.

 

Khi được hỏi về khả năng ngoại ngữ, M. chỉ lắc đầu: “Đến đêm tân hôn em mới biết được bốn chữ: ông xã, bà xã, ăn và uống”. Thế em học đến lớp mấy? Cô gái lại lắc đầu.

 

Những bước đi vội vã của nhiều người mẹ trẻ là mầm mống cho những vỡ tan. Từ khi còn là bào thai, nhiều giọt máu đã phải long đong theo bước chân của những người mẹ trẻ. Gặp lại V. khi chị vừa ly dị người chồng thứ hai, ôm con về nhà ngoại.

 

Cách nay vài năm, hai chị em N. và V. ở Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) lên Cần Thơ tìm việc làm. Không son phấn nhưng với nét đẹp chân chất khiến hai người không khó khi tìm việc làm ở một số quán cà phê.

 

Cô em tên V. lọt vào tầm ngắm của một đường dây môi giới hôn nhân. Cũng chính giấc mơ có một cuộc sống kinh tế sáng sủa hơn, cô gái quê tự nguyện buông mình vào vòng xoáy lấy chồng nước ngoài. V. được đưa lên Sài Gòn “tút” lại rồi bán cho một người Đài Loan.

 

Cuộc sống khắc nghiệt, chồng rượu chè be bét và nghiện hút, còn mẹ chồng chì chiết V. không “cải thiện” được mình lại còn không nghe lời nên V. bị cô lập, ba bốn tháng trời chỉ được ăn vài bữa cơm, toàn ăn mì gói khiến cái bào thai trong bụng bị chết non.

 

Nhà chồng cho rằng hư thai là một điềm xui xẻo và cũng là một cái cớ để đòi gả bán V. cho một người Đài Loan khác. Quá tủi nhục, V. tìm đến cảnh sát địa phương nhờ giúp đỡ. Một cơ quan đại diện người Việt ở nước ngoài đã tạo việc làm để V. có tiền mua vé máy bay về quê.

 

Trong khi đó, ở quê nhà, người chị N. cũng sắp sửa lên xe hoa với một người Đài Loan khác. Trước sự phũ phàng trong cuộc sống gửi gắm nơi xứ người của người em vừa trở về, người chị đành phải hủy bỏ giấc mộng lấy chồng Đài Loan và trở về với thực tại.

 

Còn em phải lầm lũi về quê sống trong tủi nhục. Thời gian sau, khi chuyện cũ nguôi ngoai, V. bước thêm bước nữa với một người đàn ông ở miền Đông Nam bộ. Tưởng vậy đã yên thân, nhưng quá khứ của một người từng mang thai một đứa con lai thỉnh thoảng lại sống dậy trong suy nghĩ của người chồng. Nó như một rào chắn trong tình cảm khiến hai người càng xa nhau mãi. Không chịu nổi những dằn vặt, đay nghiến của người chồng sau, V. lại ra đi. Tổ ấm bị xé làm hai. Đứa con vừa kịp chào đời của V. phải chấp nhận cuộc sống không cha.

 

Với nhiều gia đình, việc cưới một cô dâu chỉ để tìm đứa cháu nối dõi thì đường con cái là áp lực đối với người vợ. Chị H., quê Trà Vinh, kể trong nước mắt: “Sau hai lần sẩy thai, mẹ chồng Đài Loan đay nghiến đủ lời. Bà nói tôi bị tiệt sản, bà đi tìm cô vợ khác cho chồng tui. Bà còn nói sẽ gả tui cho người khác, phải xa con của bà ra. Lúc đi lấy chồng mới có 19 tuổi, tui đâu lường và đâu ngờ lại có cái ngày như hôm nay”.

 

Chị tìm cách đi làm thêm kiếm tiền và lặng lẽ về lại quê hương. Còn trong dịp về thăm quê ở huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long), chị H. kể: “Những trường hợp ôm bụng bầu hay mang con về VN ở luôn là quá bi kịch. Nhưng ở lại nước ngoài thì quá bơ vơ và nghèo khổ, không thể nuôi giọt máu của mình tiếp tục lớn lên”. Vậy là nhiều người đành lầm lũi trở về quê mẹ với những đứa con lai.

 

Theo Tuổi Trẻ