1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Lối về

Có nhiều nguyên nhân khiến họ sa ngã và phải trả giá trước pháp luật. Nhưng tự trong sâu thẳm, những người lầm lỗi vẫn mong muốn được trở về sống cuộc đời của người lương thiện.

V.T.B (SN 1981) ngơ ngác sau khi nghe tòa tuyên án 17 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy. Dù mức án thấp hơn đề nghị của VKSND nhưng đối với cô vẫn là một sự thật không dễ chấp nhận.

 

Phạm tội vì muốn làm giàu nhanh

 

Sinh ra trong một gia đình đông con ở Bắc Giang, B. chỉ được học để biết đọc chữ rồi ở nhà phụ cha mẹ làm ruộng. 20 tuổi, B. theo bạn bè vào TPHCM làm thuê kiếm sống. Vốn siêng năng, cô may mắn được một gia đình nhận đỡ đầu làm con nuôi, cho phụ buôn bán để có tiền gửi về quê đỡ đần bố mẹ.

 

Đầu năm 2010, có một chút vốn liếng, muốn tự lập, B. xin cha mẹ nuôi mướn nhà ở riêng để buôn bán quần áo cũ. Cố gắng ngược xuôi để lo cho cơ ngơi riêng của mình nhưng việc buôn bán không phải lúc nào cũng suôn sẻ, nhất là đối với cửa hàng mới mở như B. Rồi tình cờ B. quen một người khách vẫn thường xuyên ghé mua quần áo.

 

Những lần vui miệng tâm sự với khách, B. hé lộ ước muốn cháy bỏng kiếm được thật nhiều tiền để cuộc sống bản thân và gia đình bớt cơ cực. Người phụ nữ ấy đã chỉ cho B. kiểu làm ăn nhanh giàu mà không vất vả, chỉ cần “có gan”  là được. Nghe bùi tai, B. gật đầu đồng ý.

 

Dốc tất cả vốn liếng, B. đưa cho người phụ nữ ấy để mua heroin, thuốc lắc, hàng đá với giá tổng cộng 100 triệu đồng, trả trước 50 triệu đồng, số tiền còn lại sau khi bán hết hàng sẽ trả. Nhưng rồi, chưa kịp giàu lên, B. đã bị bắt.

 

Thẩm vấn V.T.B, cả chủ tọa, hội thẩm nhân dân, đại diện VKSND đều thắc mắc: “Có công ăn việc làm với vốn liếng tạm gọi là tương đối, vì sao không dùng số tiền có được mở rộng kinh doanh mà lại liều lĩnh ném vào việc mua bán hàng cấm?’’. B. trả lời: “Vì nghèo khổ, bị cáo mới làm liều. Bị cáo không biết làm thế là vi phạm pháp luật’’. Một lời khai khó được chấp nhận, bởi ai cũng thấy chỉ vì tham lợi nhuận lớn từ việc mua bán ma túy, B. đã bất chấp hậu quả để cuối cùng hại người và hại cả mình.

 

Tại phiên tòa, luật sư bào chữa của B. nói khi hay tin B. bị bắt, cha mẹ nuôi cô rất bất ngờ nhưng họ cũng xin cảm ơn các cơ quan bảo vệ pháp luật đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Nếu không, B. sẽ bị kẻ xấu tiếp tục lợi dụng, hậu quả để lại cho xã hội, gia đình và đặc biệt là bản thân B. sẽ khó lường, mức án chắc chắn sẽ không dừng lại ở những con số.

  

Ở lời nói sau cùng, B. xin được khoan hồng, hứa không bao giờ dám làm điều gì vi phạm pháp luật vì không muốn gia đình phải mang tiếng xấu. 

 

Tái phạm vì bế tắc

 

Nhân vật thứ hai trong vụ án là P.M.N (SN 1984). Từng nghiện ma túy, sau đó N. bị đi tù bởi cướp giật tài sản. Đầu năm 2010, N. được ra tù nhưng căn nhà của gia đình không còn, do mẹ N. phải bán để lo cho cha N. đang bệnh nặng và người chị duy nhất của N. đang đi cai nghiện ma túy.

 

Nhìn những giọt nước mắt đau khổ, tủi cực của mẹ già trong căn nhà thuê chật chội, N. hối hận hứa sẽ cố gắng làm người lương thiện, tìm việc làm để phụng dưỡng cha mẹ. Nhưng thành kiến xã hội vẫn còn nặng nề. Dù N. đã thi hành án xong nhưng nhìn thấy lý lịch có tiền án cướp giật tài sản, đi đâu người ta cũng ngán ngại, từ chối.

 

Dặn lòng cố gắng nhẫn nhịn nhưng N. không khỏi mặc cảm với thân phận của mình. Cuối cùng, mẹ N. phải gom góp, vay mượn mua cho N. chiếc xe máy cũ để chạy xe ôm. Chưa quen mối để có thể kiếm đủ tiền lo cái ăn cho gia đình và thuốc men cho người cha bệnh nặng, N. luẩn quẩn với câu hỏi phải làm gì để kiếm được tiền nhiều hơn. Cuối tháng 4/2010, N. tình cờ gặp lại một người bạn tù.

 

Qua trò chuyện, biết N. cần tiền, người này hướng dẫn và cung cấp ma túy để N. phân nhỏ bán cho người nghiện kiếm lời. Cứ nghĩ làm vài ba lần để kiếm tiền làm vốn nhưng khi đi giao ma túy, N. bị bắt...

 

Tự bào chữa cho hành vi của mình, N. tha thiết: “Bị cáo nói ra hoàn cảnh của mình không phải để chối tội mà đó là sự thật. Khi trở về hòa nhập cộng đồng, bị cáo đã rất quyết tâm trở thành người đàng hoàng -  vì cha mẹ và vì tương lai của mình. Nhưng rồi bị cáo đã không đủ nghị lực vượt qua được hoàn cảnh sống khó khăn cũng như sự xa lánh, dị nghị của xã hội nên lại bước tiếp vào con đường phạm tội.

 

Ra trước tòa hôm nay, bị cáo xin lỗi cha mẹ của bị cáo vì đã hết lần này đến lần khác làm khổ họ. Mong HĐXX xem xét giảm nhẹ để bị cáo sớm trở về phụng dưỡng cha mẹ già và làm một công dân tốt, đóng góp công sức cho xã hội. Qua đây, bị cáo cũng mong xã hội chấp nhận, mở rộng vòng tay với một người có nhân thân xấu như bị cáo, cho bị cáo một việc làm ổn định để bị cáo đủ nghị lực từ bỏ con đường xấu, sống có ích cho gia đình và xã hội’’.

 

Vẫn thường nghe không ít những lời hứa như thế đến mức nhàm tai nhưng nhìn ánh mắt N., B. lúc này, tôi vẫn muốn tin họ đã biết hối cải và thật sự muốn quay về làm người lương thiện. Bởi dù từng có một quá khứ tội lỗi nhưng họ vẫn còn tình yêu với gia đình, người thân, vẫn mong muốn được xã hội đón nhận một cách bình đẳng, không kỳ thị, kiếm được một việc làm phù hợp với khả năng để tự nuôi sống bản thân.

 

Vấn đề là, bên cạnh sự nỗ lực buộc phải có của chính họ, còn cần lắm tấm lòng bao dung của xã hội để cho họ thêm nghị lực đoạn tuyệt với quá khứ, hướng tới tương lai, làm lại cuộc đời. 

 

Theo Tố Trâm

 Người lao động