1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Quảng Nam:

Lời kêu cứu từ lăng mộ “bà chúa Tàm Tang xứ Quảng”

(Dân trí) - Lăng mộ “bà chúa Tàm Tang xứ Quảng Đoàn Quý Phi” là di tích lịch sử quý, có bề dày văn hóa lịch sử, cần được bảo tồn và tôn vinh. Nhưng lâu nay những người có trách nhiệm và tâm huyết cũng đành “bó tay” đứng nhìn di tích xuống cấp nghiêm trọng...

Lăng mộ Hiếu Chiêu hoàng hậu Đoàn Thị Ngọc (tức Đoàn Quí Phi, sinh năm Tân Sửu 1601, mất năm Tân Sửu 1661), được an táng năm 1661 tại Gò Cốc Hùng (thôn Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam).

 

Lăng mộ bà tọa lạc cạnh lăng của nhạc mẫu Hoàng hậu Nguyễn Thị Giai (tức Mạc Thị Giai) và lăng mộ của Công chúa Nguyễn Phước Ngọc Dung. Đây là những khu lăng mộ cổ xưa nhất của thời các chúa Nguyễn còn lại trên đất Quảng Nam đã thoát khỏi sự tàn phá của nhà Tây Sơn. 

 

Bà Đoàn Quý Phi là vợ của chúa Nguyễn Phước Lan, vị chúa có công rất lớn trong việc mở cảng chiêu thương đối với cảng thị Hội An và mở cõi phương Nam. Riêng bà có nhiều công lớn trong sự phồn thịnh và phát triển của nghề tằm tơ ở thế kỷ 17 và lưu truyền mãi đến hôm nay, được nhân dân tôn vinh là “Bà Chúa Tàm Tang xứ Quảng”. Hội thảo khoa học về “Thân thế và sự nghiệp bà Đoàn Quý Phi” diễn ra năm 2001 tại Quảng Nam cũng đã nhấn mạnh đến công lao của bà.

 

Theo hồ sơ di tích lưu giữ tại phòng văn hóa - thông tin huyện Duy Xuyên, khu lăng mộ của bà xây theo kiến trúc cung đình, rộng gần 3.000m2, gồm hai thành bảo vệ (diện tích thành nội 20m x 16m, thành ngoại 36m x 32,5 m), ba bình phong và một mộ chí ở giữa. Khu lăng mộ mang đậm giá trị lịch sử - văn hóa xưa với các họa tiết chim phượng - phụng, rồng vờn mây, hoa cúc... Năm 2005, khu lăng mộ này được cấp bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh theo Quyết định số 436 của UBND tỉnh Quảng Nam.

 

Từ khi xây dựng đến nay, lăng mộ bà đã trải qua 3 lần trùng tu. Qua thời gian, chiến tranh và sự xâm hại của con người khiến khu di tích này xuống cấp nghiêm trọng. Thành ngoại đã biến mất, thành nội không còn nguyên vẹn. Đặc biệt họa tiết trên các bình phong đã phai mờ, nhiều đoạn tường thành đã sụp bể, gạch đá ngổn ngang, người dân địa phương vô ý thức để trâu bò tàn phá thêm...

 

Sau giải phóng, gia tộc họ Đoàn xã Duy Trinh đã phối hợp với họ Nguyễn Phước xã Duy Sơn (huyện Duy Xuyên) trùng tu lại phần mộ chí. Do không có kiến thức về phục dựng cũng như kinh phí hạn hẹp nên các bảo thành dù đã bị hư hỏng nặng vẫn không trùng tu lại được.

 

Để chống xuống cấp cho di tích, năm 2002, huyện Duy Xuyên tiến hành xây tường thành bảo vệ cao 1,62m bên ngoài với tổng kinh phí trên 200 triệu đồng. Tuy nhiên khu lăng mộ vẫn không tránh khỏi sự xuống cấp, bên trong cỏ dại mọc um tùm làm chốn thâm nghiêm trở nên hoang tàn.

 

Di tích Lăng mộ bà  Đoàn Quý Phi đang mong chờ một giải pháp khoa học để bảo vệ, đồng thời cần có dự án giúp nghiên cứu trùng tu - tôn tạo giữ lại những giá trị văn hóa - lịch sử quan trọng của ông cha thời mở cõi.

 

Một số hình ảnh hoang tàn đổ nát khắp khu lăng mộ bà Đoàn Quý Phi:

 

Lời kêu cứu từ lăng mộ “bà chúa Tàm Tang xứ Quảng” - 1


Lời kêu cứu từ lăng mộ “bà chúa Tàm Tang xứ Quảng” - 2


Lời kêu cứu từ lăng mộ “bà chúa Tàm Tang xứ Quảng” - 3


Lời kêu cứu từ lăng mộ “bà chúa Tàm Tang xứ Quảng” - 4


Lời kêu cứu từ lăng mộ “bà chúa Tàm Tang xứ Quảng” - 5


Lời kêu cứu từ lăng mộ “bà chúa Tàm Tang xứ Quảng” - 6


Lời kêu cứu từ lăng mộ “bà chúa Tàm Tang xứ Quảng” - 7

 

Công Bính

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm