Lợi dụng nạo vét luồng hàng hải để bơm hút cát lậu?

(Dân trí) - “Trong phạm vi thực hiện các dự án xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải, có hiện tượng các đối tượng lợi dụng việc thi công dự án thực hiện vào ban đêm để bơm hút cát lậu, gây bức xúc dư luận, không đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, gây sạt lở bờ sông gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân…”.

Ông Trần Văn Vĩnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - nêu ra vấn đề trên trong tham luận đánh giá đối với các dự án xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải tại Hội nghị sơ kết về cơ chết nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải do Bộ GTVT quản lý, diễn ra ở Cục Hàng hải Việt Nam ngày 12/10.

Người thi công hay “cát tặc”?

Đưa ra quan điểm thẳng thắn, ông Vĩnh cho biết, các dự án đều thực hiện chậm không đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đã được chấp thuận, chưa đáp ứng mục tiêu nạo vét, duy tu và nâng cấp luồng đạt chuẩn tắc tuyến luồng. Mặt khác, phương tiện sử dụng cho dự án là xáng cạp (máy đào gầu giây), tàu hút chỉ thực hiện được ở khu vực đáy sông gồm cát bùn, còn khu vực đáy sông có đá và chướng ngại vật khác thì không thực hiện được.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch tỉnh Đồng Nai khẳng định: “Trong phạm vi thực hiện các dự án xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải, có hiện tượng các đối tượng lợi dụng việc thi công dự án thực hiện vào ban đêm để bơm hút cát lậu, gây bức xúc dư luận, không đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, gây sạt lở bờ sông gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân…”.

Qúa trình nạo vét luồng hàng hàng theo hình thức xã hội hóa bị cho là có sự lợi dụng trong thi công để thực hiện hành vi bơm hút cát lậu (ảnh minh họa: Tạp chí GTVT)
Qúa trình nạo vét luồng hàng hàng theo hình thức xã hội hóa bị cho là có sự lợi dụng trong thi công để thực hiện hành vi bơm hút cát lậu (ảnh minh họa: Tạp chí GTVT)

Việc nạo nét thông luồng do thực hiện hình thức xã hội hóa, lấy thu bù chi nên chỉ có thể tập trung trong các khu vực có cát nhằm thu hồi cát, nạo vét không luồng tuyến theo dự án được duyệt, do đó hiệu quả của các dự án chưa đáp ứng yêu cầu.

Bên cạnh đó, quy định hướng dẫn nạo vét theo hình thức xã hội hóa chưa rõ trách nhiệm của các cơ quan, địa phương nên việc giám sát kiểm tra, xử lý vi phạ, trả lời khiếu nại liên quan nên dự dự án gặp khó khăn, không kịp thời.

Trong khi đó, đại diện Công ty TNHH Duy Hiền và Công ty TNHH Đan Thành cho rằng, việc thi công nạo vét và việt hút cát đơn thuần có biểu hiện bên ngoài giống nhau nên người thi công phải hứng chịu oan là “cát tặc”.

“Bản chất thực sự rất khác biệt. Người thi công phải thực hiện hút cả cát và bùn, thực hiện theo chuẩn tắc thiết kế về mặt bằng và độ sâu, phải đảm bảo môi trường và an toàn hàng hải, phải đóng thuế và chịu sự giám sát bởi các cơ quan chức năng. Còn “cát tặc” chỉ hút cát không, không cần nghĩa vụ và trách nhiệm nào cả. Điều đáng buồn là thành kiến không chỉ ở xã hội mà còn từ cơ quan quản lý nhà nước, dẫn đến những khó khăn và o ép không đáng có” - vị đại diện cho hay.

Tự thi công, tự giám sát (!)

Liên quan đến vấn đề nạo vét luồng hàng hải, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công nhấn mạnh: Chủ trương xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải theo hình thức xã hội hóa, tận thu sản phẩm bù chi phí nạo vét không sử dụng ngân sách Nhà nước là đúng, nhưng việc giám sát chưa toàn diện. Quá trình triển khai thực hiện các dự án xã hội hóa đã phát sinh nhiều bất cập, chưa đạt được kết quả, hiệu quả như mong muốn.

Hội nghị sơ kết về cơ chết nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải do Bộ GTVT quản lý sáng 12/10
Hội nghị sơ kết về cơ chết nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải do Bộ GTVT quản lý sáng 12/10

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Công, nguyên nhân của tình trạng trên là do cơ chế chính sách chưa quy định chặt chẽ, trình tự thủ tục trong thực hiện dự án, quá trình lựa chọn nhà đầu tư quá đơn giản dẫn tới việc lựa chọn những nhà đầu tư không đủ năng lực và chuyên môn thực hiện dự án. Hay nói cách khác, xảy ra hiện tượng lợi dụng thi công để bơm hút cát lậu là có sự “tiếp tay” của nhà đầu tư xã hội hóa dự án nạo vét thông luồng.

“Đơn vị tư vấn giám sát dự án do nhà đầu tư thuê nên thực hiện theo ý chí của nhà đầu tư, chưa thực hiện đúng chức năng của tư vấn giám sát về bố trí người, không thực hiện báo cáo. Trong khi đó, hầu hết phương tiện thi công không thuộc sở hữu của nhà đầu tư mà phải thuê đi thuê lại nên không chủ động được tiến độ thi công.

Hoạt động giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước như Cục Hàng hải Việt Nam, Cảng vụ Hàng hải chưa được thường xuyên do chưa có đầy đủ thiết bị, phương tiện, nhân lực và không có chi phí để thực hiện. Không có nguồn chi phí để đo phúc tra và thuê tư vấn độc lập giám sát trong quá trình thi công công dự án dẫn đến khó khăn trong việc đánh giá hiệu quả thực hiện.” - Thứ trưởng Công khẳng định.

Châu Như Quỳnh