Lời chúc Tết Đinh Hợi năm xưa nay vẫn đúng
Nhớ lại Tết Đinh Hợi 1947, để thấy lời khẳng định của Hồ Chủ Tịch, với khối đại đoàn kết, dân tộc Việt Nam đã đi là đến. Đó là bài thơ chúc của Hồ Chủ Tịch và Tết năm đó là tròn một tháng lẻ sau ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946.
Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió
Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông
Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến
Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng
Tiến lên chiến sĩ, tiến lên đồng bào
Sức ta đã mạnh, người ta đã đông
Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi
Thống nhất độc lập, nhất định thành công!
Trước khi đọc bài thơ chúc Tết trên Đài tiếng nói Việt Nam (đặt trong hang núi cạnh chùa Trầm), cuộc họp đêm 30 Tết của Hội đồng Chính phủ bao gồm cả các cụ Bùi Bằng Đoàn, nguyên Hình bộ Thượng thư của chế độ cũ, lúc đó là Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Cũng có cả linh mục Phạm Bá Trực, lúc đó là Ủy viên Ban thường trực Quốc hội.
Nhớ lại ngày hôm đó, cuộc kháng chiến đang ở thế không cân sức nhất. Chính phủ vừa phải rút ra chiến khu. Còn quân Pháp vừa kịp hồi sức sau chiến tranh thế giới thứ 2 và vừa huy động được viện trợ của Anh và Mỹ, đã huênh hoang tuyên bố sẽ “giải quyết” Việt Minh trong vòng 3 tuần.
Nhất định thắng lợi, nhất định thành công. Đó không phải là lời tiên đoán. Đó là lời khẳng định của con đường dân tộc đã chọn. Phải chăng Hồ Chủ Tịch đã có thể khẳng định, khi đã thấy trong buổi họp cuối năm một sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.
Và lời khẳng định đã tuyệt đối đúng. Kháng chiến đã thắng lợi. Độc lập đã thành công. Với sự ngỡ ngàng của không ít người trên thế giới, cả bạn bè và đối thủ.
Đinh Hợi 2007: thế ta đã mạnh hơn, người ta đã đông hơn
Có phải là một trùng hợp tình cờ, Tết Đinh Hợi 2007 năm nay lại đến, chỉ một tháng lẻ sau ngày Việt Nam chính thức trở thành thành viên WTO. Cả dân tộc lại bước vào cuộc đấu tranh mới. Cuộc đấu tranh vì sự giàu sang và thịnh vượng, cuộc đấu tranh giành quyền sánh vai các cường quốc 5 châu. Ngày hôm nay, cũng vẫn là “cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió, tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông”.
Đối với dân Việt và cả bạn bè 5 châu, nếu có ai còn băn khoăn lo lắng về sự thành bại trong công cuộc hội nhập toàn diện của dân tộc, thì chắc chắn hôm nay sẽ được nhắc bằng bài thơ chúc Tết Đinh Hợi 1947 của Hồ Chủ Tịch.
Thế hệ đã đón nhận bài thơ chúc Tết năm xưa, dù năm đó mới chỉ chào đời, đến nay đều đã ngoài 60 tuổi. Thế hệ này đến nay chỉ còn không đầy 8% dân số 85 triệu của Việt Nam. Còn lại hơn 92% dân Việt đã sinh ra sau Tết Đinh Hợi lịch sử đó.
Tết Đinh Hợi 2007, chỉ 8% dân Việt đã được chứng kiến khí thế hào hùng quyết thắng năm xưa, nhưng cả 100% dân Việt đang cùng cảm nhận một “khí thế hừng hực đồng thuận” quyết thắng ngày nay, như cách nói của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Không còn là vị thế từ trong hang núi ở chùa Trầm, nơi mà Bác Hồ đã phải bí mật lội bùn trong đêm đến để đọc bài thơ chúc Tết. Ngày hôm nay, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ở vị thế chủ nhà để bắt tay các nguyên thủ của Nga, Nhật, Trung Quốc, Mỹ… trong kỳ họp thượng đỉnh APEC. Ngày hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đăng đàn tại Davos để đối thoại trực tiếp với những lãnh đạo chính trị và kinh tế hàng đầu thế giới.
Không còn là dân tộc nhược tiểu bị người Pháp gọi là “Annamít”. Người Việt ở trong nước và khắp năm châu đang chứng minh dân tộc mình có thể đi đến đâu. Hàng Việt như gạo, cà phê… đã lần lượt lên ngôi nhất nhì thế giới. Trí thức Việt đã được vinh danh trên các giảng đường đại học, hay trong các công ty công nghệ hàng đầu thế giới.
Không còn là một quốc gia bị nước ngoài chia cắt, từ hành chính cho đến lòng người. Người Việt thuộc mọi dân tộc, dù ở trong nước hay nước ngoài, đến nay liệu còn mục tiêu nào khác nhau, nếu không phải là vì một đất nước mạnh giàu, vì một dân tộc vẻ vang.
Theo VietNamnet