1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Loạt rủi ro khi Nhà thi đấu Phan Đình Phùng tiếp tục hợp đồng BT

Q.Huy

(Dân trí) - Việc tiếp tục thực hiện dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng theo hình thức hợp đồng BT tiềm ẩn nhiều rủi ro về hiệu quả kinh tế, tài chính và pháp lý. TPHCM đang rà soát phần chi phí hoàn trả nhà đầu tư

Vừa qua, Chủ tịch UBND TPHCM đã thống nhất chấm dứt, bãi bỏ thực hiện dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng (quận 3) theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BT). Dự án sẽ được chuyển sang hình thức đầu tư công, dự kiến trình HĐND TPHCM thông qua quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp cuối năm 2024.

Dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng được TPHCM kiến nghị Thủ tướng cho phép thí điểm làm theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), chỉ định nhà đầu tư đàm phán thực hiện từ năm 2010. Kiến nghị này đã được Thủ tướng chấp thuận sau đó.

Mục tiêu ban đầu của dự án là phát triển cơ sở vật chất phục vụ thể dục thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao, đáp ứng tổ chức các sự kiện thể thao quốc tế (ASIAD 12).

Loạt rủi ro khi Nhà thi đấu Phan Đình Phùng tiếp tục hợp đồng BT - 1

Khu vực xây dựng Nhà thi đấu Phan Đình Phùng nằm tại trung tâm TPHCM (Ảnh: Nam Anh).

Thời điểm năm 2010, nhà đầu tư dự án là liên danh Tổng công ty CP Đền bù giải tỏa và Công ty TNHH An Tạo. Tuy nhiên sau đó, Công ty TNHH An Tạo đã xin không tiếp tục tham gia dự án. 

Đến năm 2018, UBND TPHCM đã duyệt kết quả chỉ định nhà đầu tư và ký biên bản thỏa thuận đầu tư với liên danh Tổng công ty Đền bù giải tỏa - Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt. Từ đó đến nay, hợp đồng BT dự án xây dựng Trung tâm Thể dục Thể thao Phan Đình Phùng vẫn chưa được ký kết chính thức.

Theo Tổ Công tác giải quyết vướng mắc liên quan dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng, việc tiếp tục thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng BT tiềm ẩn nhiều rủi ro về hiệu quả kinh tế, tài chính và pháp lý. 

Cụ thể, dự án mang tính cấp bách vào thời điểm kiến nghị thí điểm theo hình thức hợp đồng BT do địa phương cần thực hiện nhanh để đáp ứng nhu cầu tổ chức sự kiện ASIAD năm 2012. Tuy nhiên, kết quả lựa chọn nhà đầu tư chỉ được phê duyệt vào năm 2018. Vấn đề này đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định là tính cấp bách của dự án không còn.

Ngoài ra, nhà đầu tư tại thời điểm kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương cũng có sự thay đổi so với khi thực hiện việc lựa chọn nhà đầu tư. Tổng mức đầu tư của dự án cũng tăng từ 988 tỷ đồng vào năm 2010 lên mức hơn 2.200 tỷ đồng ở thời điểm hiện tại.

Loạt rủi ro khi Nhà thi đấu Phan Đình Phùng tiếp tục hợp đồng BT - 2

Khu vực tập kết vật liệu bên trong khuôn viên dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng (Ảnh: Nam Anh).

Tổ công tác cũng nhận định, quy định pháp luật về đấu thầu khi thực hiện lựa chọn nhà đầu tư năm 2017 đã có nhiều thay đổi so với thời điểm xin chủ trương Thủ tướng vào năm 2010. Do đó, việc thực hiện chỉ định nhà đầu tư năm 2018 dựa trên nội dung cho phép chỉ định của Thủ tướng vào năm 2010 là không còn phù hợp. 

Tổ Công tác giải quyết vướng mắc liên quan dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng làm rõ, nội dung quan trọng nhất trong việc chấm dứt thỏa thuận đầu tư là chi phí sẽ hoàn trả cho nhà đầu tư. Liên danh nhà đầu tư đã báo cáo về phần chi phí đã bỏ ra, tuy nhiên con số này cần thời gian để hoàn chỉnh, xác định chính xác.

Tổng công ty Đền bù giải tỏa - Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt cho biết đã bỏ ra hơn 171 tỷ đồng cho dự án. Tổ công tác đã yêu cầu các bên cung cấp hồ sơ, chứng từ liên quan để đối chiếu.

Qua rà soát sơ bộ, tổ công tác nhận thấy nhiều khoản chi phí được liệt kê sẽ không thể thanh toán. Do dự án chưa thực hiện xây dựng, tổ công tác cho rằng chỉ có thể thanh toán đối với chi phí chuẩn bị đầu tư như lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi. Các nội dung khác có thể thanh toán nếu có chủ trương chấp thuận của UBND TPHCM.