1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hải Dương:

Loạn tệ nạn tại khu di tích Côn Sơn

(Dân trí) - Ngay trong khuôn viên chùa Hun, khu di tích Côn Sơn (huyện Chí Linh, Hải Dương), các tệ nạn cờ bạc, bói toán tràn lan, hàng quán mọc san sát nhau, ngang nhiên xâm hại di tích.

 
Loạn tệ nạn tại khu di tích Côn Sơn - 1

Ảnh trên: Phía trong khu di tích Côn Sơn: đất bên trái làm bãi để xe, còn đất bên phải thành lô cho thuê. Ảnh dưới: người làm dịch vụ đứng ngồi la liệt chắn lối đi du khách.

Cổng tam quan trở thành “xới bạc”

Cách trung tâm huyện Chí Linh chưa đầy 4km, đường vào Côn Sơn được rải nhựa vào tận cửa bán vé vào khu di tích, khách đến tham quan phải mua 10 ngàn đồng 1 vé vào chùa. Ngay trong khuôn viên chùa, phía tay phải lối đi vào cổng tam quan là bãi đỗ xe, phía tay trái là vườn cây được xén thành nhiều ô đất nhỏ để cho thuê bán hàng phục vụ khách tham quan. Trước đường vào chùa, hàng chục thợ chụp ảnh, bán hàng đứng ngồi la liệt, níu kéo, mời chào khách tham quan…

Bất ngờ hơn, ngay tại cửa tam quan lối đi dành cho du khách vào chùa Hun tham quan lễ bái đã có sẵn 2 chiếc chiếu và có 2 hội người tụ tập chơi bài ăn tiền, tự nhiên như ở nhà, cười đùa, say sưa sát phạt, thậm chí cãi nhau om tỏi. Nhiều du khách khi đến đây lần đầu đều tỏ vẻ ngạc nhiên, còn với những người đã đến đây vài lần đều không coi đó là chuyện lạ. Anh Nguyễn Hải Hân, lái xe thường chở khách từ Hà Nội đến đây cho biết: “Lần nào đến đây tôi cũng thấy cảnh này, không có lực lượng chức năng nào can thiệp đâu”.

Loạn tệ nạn tại khu di tích Côn Sơn - 2
Hai đội chơi cờ bạc ngồi chắn ngay lối đi của du khách tại cổng tam Quan. (Ảnh: Quốc Đô)

Nhiều du khách trông thấy cảnh này mà chán ngán lắc đầu. Người dân địa phương còn phản ảnh, chính các nhân viên của Ban quản lý di tích đôi lần cũng tham gia đánh bài trong giờ mở cửa di tích, ngay trong chính điện chùa Hun. Chị H., một người thợ chụp ảnh ở đây, lý giải: “Họ đánh bài cho vui ấy mà, chơi bài ăn tiền cho khuây khỏa trong lúc chờ khách”.

Nhan nhản thầy bói

Vào khu di tích Côn Sơn, đập vào mắt chúng tôi là la liệt bàn ghế của những cụ ông, cụ bà ngồi viết sớ, bán hương, đồ lễ, đổi tiền,… mời chào khách rất nhiệt thành, như: “Mời cô cậu ghé vào xem vận hạn, duyên may…” hay “Xem tướng số, công danh đi các cô, các cậu ơi…”.

Loạn tệ nạn tại khu di tích Côn Sơn - 3
Các thầy bói ẩn danh. Viết sớ chỉ là nghề tay trái?

Hòa cùng nhóm học sinh cấp 3 trên địa bàn huyện Chí Linh, chúng tôi được một ông thầy niềm nở đặt nghế ngồi để ông xem tướng số. Ông tên là T. đã hành nghề hàng chục năm tại đây, thù lao tùy tâm. Thầy xem tay, xem tướng, rồi giở sách đọc số mệnh. Nói chung ai thầy cũng phán là nhà có phúc đức để lại từ đời trước, có mồ mả rất linh (?); coi chừng nghe kẻ khác xúi giục mà làm điều thất đức, gieo cây gì ăn quả nấy…

Tuy nói giá cả tùy tâm nhưng khi các em học sinh trả thầy 5.000đ/người, thầy tặc lưỡi dè bỉu: “Trông mặt mũi khôi ngô, con nhà tử tế mà lại trả cho thầy có tí tiền thế à?”. Tôi giật mình, rút ví tờ 20 ngàn đồng đưa cho thầy mà vẫn lo bị thầy nhiếc móc.

Họp chợ trong khu di tích

Toàn cảnh khu vực xung quanh chùa Hun giống như một cái chợ sôi động với hơn 100 gian hàng trưng bày đủ loại hàng hóa, san sát nhau từ sau cổng tam quan chùa Hun vào đến tận phía trong, ngay gần các điện thờ trong chùa.

Loạn tệ nạn tại khu di tích Côn Sơn - 4
Quang cảnh đất di tích được xếp hạng cấp quốc gia bị chia lô cho thuê bán hàng, làm xưởng mộc, xây nhà ở...

Bà Q., chủ một gian hàng bán đồ lưu niệm trong khuôn viên di tích, cho biết: “Tất cả các gian hàng được bày bán ở đây, chúng tôi đều phải thuê lại từ xã, có cả hợp đồng hàng năm được ký kết rõ ràng. Chúng tôi đều phải cố gắng túc trực mời chào khách kể cả khi không vào mùa lễ hội, một phần là lấy kinh phí đóng tiền thuê đất, phần còn lại là nuôi sống gia đình mình”.

Khu di tích Côn Sơn được Bộ VH-TT&DL công nhận là di tích lịch sử quốc gia từ năm 1962. Theo luật di sản thì đây là nơi được đặc biệt gìn giữ để đảm bảo cảnh quan. Thế mà, ngay trong khuôn viên di tích, nhiều khu đất thuộc di tích đã bị xâm lấn và sử dụng sai nguyên tắc. Đơn cử như Ban quản lý tự ý phá cây để lấy đất cho một xưởng mộc thuê; xây 3-4 ngôi nhà lớn phục vụ việc ăn ở, sinh hoạt và làm việc của hơn 60 cán bộ công nhân viên của ban quản lý.
 
Ông Hoàng Công Chương - Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa (Chí Linh, Hải Dương): “Khu di tích Côn Sơn nằm trong địa bàn xã Cộng Hòa quản lý, đã nhiều năm nay địa phương chỉ được phép thu tiền phí cho thuê ki ốt và thu vé các loại xe vào khu di tích tham quan. Địa phương được cấp trên giao chỉ tiêu hàng năm, vì thế chúng tôi phải cố gắng thu đủ để nộp ngân sách, nếu có thừa chỉ tiêu thì chúng tôi sử dụng vào chi phí của địa phương. Riêng năm 2009, chúng tôi được UBND huyện giao chỉ tiêu 540 triệu đồng, 6 tháng đầu năm nay đã thu được trên 300 triệu đồng. Còn chuyện cờ bạc, UBND xã đã có chỉ đạo cấm hoạt động. Thực tế là có nhưng khi lực lượng công an xã đi kiểm tra lại không bắt được”.
 
Ông Nguyễn Khắc Minh - Trưởng Ban quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc: “Chuyện cờ bạc ở khu di tích Côn Sơn là có, tuy nhiên chỉ là chơi bài ăn tiền ở mức độ thấp. Việc những gian hàng ghi sớ xem bói toán là hoàn toàn sai phạm, bởi họ chỉ được phép bán đồ lễ, ghi sớ, đổi tiền… Sắp tới, chúng tôi đã có dự án chuyển những gian nhà sang khu vực khác, tránh để ảnh hưởng đến cảnh quan khu di tích.
 
Bà Đặng Thị Bích Liên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương: “Liên quan đến những việc xảy ra tại khu di tích Côn Sơn, trước mắt, Ban quản lý di tích phải chịu kiểm điểm trước Sở VH-TT&DL về những thiếu sót trong việc quản lý của mình. Với việc để xảy ra tình trạng mê tín dị đoan và những vấn đề liên quan, UBND tỉnh đã giao thanh tra Sở VH-TT&DL, Sở Nội vụ lập tức vào cuộc để có được những xử lý sớm nhất, tránh để lặp lại những hiện tượng trên gây ảnh hưởng đến du khách cũng như mỹ quan khu di tích được xem là quan trọng nhất của tỉnh Hải Dương này.

Quốc Đô