1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Loài thực vật xâm hại nguy hiểm “tấn công” Biển Hồ

(Dân trí) - Loài thực vật xâm hại này có tên là Mai dương, còn gọi là cây Mắt mèo, đang phát triển rất nhanh ở khu vực hồ B thuộc Biển Hồ (Gia Lai), thu hẹp đất trồng trọt của người dân, khiến đất bạc màu, gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái của hồ.

Loài thực vật xâm hại nguy hiểm “tấn công” Biển Hồ - 1

Cây Mai dương phát triển ngày càng nhanh tại khu vực hồ B- Biển Hồ
 
Cây Mai dương có tên khoa học là mimosa pigra, có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới Châu Mỹ, thuộc loại cây butk, thân có nhiều gai cứng, mọc ở các vùng ẩm ướt. Với đặc tính sinh trưởng nhanh, sau 6 tháng tuổi nó sẽ ra hoa, kết trái. Mỗi cây có thể sinh sản tới 9.000 hạt và đẻ nhiều nhánh ở gốc, nó ra hoa 4 mùa và hạt của nó giữ được sức nảy mầm đến 23 năm.

 

Cây Mai dương mọc đến đâu thì hệ thực vật ở đó sẽ bị hủy diệt, các loại động vật không dám đến gần, ngăn dòng chảy kênh mương, đất đai sẽ cằn cỗi, bạc màu. Đặc biệt, cây Mai dương có chứa chất mirnosin - một loại axit amin gây độc với nhiều loại, khi chết, thân cây phân hủy tạo ra chất độc gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.

 

Ruộng bắp cải của gia đình anh T. là mảnh đất nằm trong khu vực bị cây Mai dương tấn công, thuộc thôn 3, xã Nghĩa Hưng, Chư Păh, Gia Lai. Ruộng mới được khai hoang gần 1 năm nay nhưng bắp cải anh trồng cứ ngày một còi cọc, héo úa. Gia đình anh đành để ruộng bắp chết khô.

 

Anh T. nói chỉ biết quanh ruộng có nhiều cây Mai dương chứ không biết vì sao bắp cải chậm phát triển. Không chỉ anh T., rất nhiều người dân nơi đây chỉ biết cây mai dương phát triển nhanh chứ không hiểu tác hại của loại cây này.

 

Trao đổi với chúng tôi - anh Đỗ Văn Phước, phụ trách trạm bảo vệ thực vật huyện Chư Păh - cho biết, những cây Mai dương mọc tại khu vực hồ B Biển Hồ mới xuất hiện hơn một năm nay. Trong đó diện tích cây Mai dương mọc nhiều nhất là ở khu vực lòng và bờ hồ của xã Chư Yố chiếm đến 5ha, còn xã Nghĩa Hưng là 1ha.

 

Huyện Chư Păh cũng đang lên kế hoạch tận diệt loài cây này. Tuy nhiên, đây là loại cây lây lan rất nhanh, hạt lại phát tán rộng theo gió và dòng nước nên rất khó tiêu diệt.
 
Loài thực vật xâm hại nguy hiểm “tấn công” Biển Hồ - 2
Khu vực nào có loài cây này "ngự trị", khu vực đó đất đai cằn cỗi, hoa màu không phát triển

 

“Chúng tôi đã có văn bản gửi đến UBND huyện Đắk Đoa và TP Pleiku để kết hợp tiêu diệt cây Mai dương từ lâu nhưng vẫn chưa có hồi âm gì. Dù chưa nhận được động thái gì ở 2 địa phương kia, nhưng UBND huyện Chư Păh cũng đang lên kế hoạch ra quân diệt cây Mai dương ở phần đất của huyện”, anh Phước cho biết.

 

Cũng theo anh Phước, cây Mai dương ở đây đã phát triển thành thân gỗ nên càng khó diệt hơn. “Với đặc thù sinh trưởng của cây, để tiêu diệt cây Mai dương phải cần một lượng nhân công lớn để đào tận gốc và một khoản chi phí không nhỏ để thuê nhân công”, anh Phước bộc bạch.

 

Mai dương là loại cây rất nguy hại, không chỉ đang phát triển ngày càng mạnh mẽ ở khu vực hồ B Biển Hồ mà cả ở một số địa điểm khác của tỉnh Gia Lai. Nếu không tận diệt sớm có thể gây nên những hậu quả đáng ngại cho thảm thực vật nơi đây.

 

Thiên Thư