Loài sâm quý ở Lai Châu, vô tình thấy 1 củ bán 450 triệu đồng
Sau khi một số người dân ở bản Ngài Thầu Cao (xã Khun Há, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) tìm được nhiều củ sâm tự nhiên quý, hiếm với hàng chục năm tuổi có giá từ vài triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng, các hộ đã tự trồng hơn 2.000 cây sâm ở khu rừng già của bản.
Sau gần 30 phút ngược dốc, chúng tôi cũng đến được bản Ngài Thầu Cao nằm cheo leo lưng chừng núi. Tiếp chuyện chúng tôi, anh Cứ A Châu - Bí thư Chi bộ bản kể: Từ đầu năm đến nay, nhiều người dân trong bản tìm được củ sâm tự nhiên ở rừng già có giá vài triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng.
Theo anh Cứ A Châu, tậm chí chuyện hộ dân tìm được củ sâm nặng từ 400 đến 600 gram có giá từ 10 - 30 triệu đồng không còn lạ lẫm với dân bản. Đây là giống sâm tự nhiên, có tuổi đời cao nên dễ bán, khách hàng thường đến tận bản thu mua khi có hộ gọi điện thông báo.
Khách hàng xem củ sâm Lai Châu của anh Lù A Giao ở bản Ngài Thầu Cao (xã Khun Há, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu).
Tìm hiểu chúng tôi được biết, ngày 4/5/2019, anh Lù A Giao may mắn tìm được 1 củ sâm tự nhiên to và đẹp nhất từ trước đến nay ở khu rừng già của bản. Bởi dựa vào các mắt trên củ sâm, bà con trong bản nhận định cây sâm có thể đạt hơn 70 năm tuổi.
Anh Giao nhờ đồng chí Bí thư chi bộ, Trưởng, Phó bản định giá và bán củ sâm cho 3 khách hàng ở thị trấn huyện Tam Đường với giá 450 triệu đồng.
Sau đó không lâu (trong tháng 7/2019), anh Cứ A Đề tìm được 1 củ sâm tự nhiên nặng 1,1kg có 2 nhánh củ nhỏ, 1 nhánh củ to, nhìn rất độc và lạ. Do vậy, khách hàng lên tận nhà thu mua với giá 160 triệu đồng. Theo anh Đề, khách mua sâm chủ yếu làm nguyên liệu thuốc bắc và sử dụng bồi bổ cơ thể.
Có những cánh rừng già rộng lớn, được bảo vệ tốt nên xuất hiện nhiều loại dược liệu quý. Nhờ đó, Nhân dân bản Ngài Thầu Cao đã có thu nhập từ khai thác sâm từ tự nhiên. Khai thác lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, từ đầu năm đến nay, nhiều người dân trong bản nhân giống và trồng giống sâm này tại rừng già.
Theo đó, bà con tìm những cây sâm tự nhiên có trọng lượng từ 200 gram trở xuống trồng tập trung vào một khu. Khi sâm ra hoa, kết quả, bà con phơi khô hạt, làm đất và gieo trồng. Đến nay, bản trồng được hơn 2.000 cây sâm.
Tiêu biểu là gia đình anh Cứ A Lứ trồng, chăm sóc 300 cây sâm ở cánh rừng cách bản 5km. Đây là nỗ lực lớn của cả gia đình bởi mất rất nhiều thời gian để tìm, gom và ươm giống.
Gia đình anh Lù A Chiếu cũng đang chăm sóc hơn 70 cây sâm, trong đó có 10 cây từ 6 - 7 năm tuổi. Dự kiến năm 2025, anh sẽ có 20 củ sâm được xuất bán. Anh Chiếu rất mong tỉnh, huyện hỗ trợ cây giống, bởi sâm Lai Châu tự nhiên ít hạt giống, 1 hạt trị giá 100 nghìn đồng.
Ngoài sâm, dân bản còn tích cực bảo tồn một số cây dược liệu quý trong rừng như: thất diệp nhất chi hoa, tam thất đỏ. Cây dược liệu trên đất Ngài Thầu Cao sinh trưởng, phát triển tốt. Bà con đã biết bảo vệ để cây đến tuổi mới khai thác (bán củ); nhân giống, mở rộng diện tích hàng năm.
Đồng chí Đỗ Trọng Thi - Bí thư Đảng ủy xã Khun Há nhấn mạnh: “Thời gian gần đây, bà con bản Ngài Thầu Cao tự trồng sâm Lai Châu. Đây là cây dược liệu phù hợp với điều kiện khí hậu mát mẻ của địa phương. Mặc dù, sâm tự nhiên ít hoa, quả giống nên việc nhân giống chậm nhưng ít sâu bệnh, sinh trưởng tốt. Đây là hướng phát triển kinh tế mới cho bà con nơi đây”.
Nếu chỉ với nỗ lực bảo tồn, phát triển giống sâm Lai Châu của bà con bản Ngài Thầu Cao (xã Khun Há) thực sự chưa đủ để khai thác triệt để lợi thế về tiềm năng cây dược liệu nơi đây, do vậy rất cần sự quan tâm quy hoạch, hỗ trợ của ngành Nông nghiệp tỉnh.
Theo Minh Thu
Báo Lai Châu