1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Loài chim mỏ to quý hiếm, biết tặng quà "cầu hôn"

Tiến Thành

(Dân trí) - Chim hồng hoàng trống sau khi chọn bạn tình ưng ý sẽ miệt mài tặng quà đến lúc được chấp nhận. Loài chim này rất chung tình, cả đời chúng sẽ không đổi bạn tình, cùng chung sức nuôi chim con.

Theo ông Trần Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, đơn vị này đang chăm sóc 5 cá thể chim hồng hoàng.

Hồng hoàng, còn được gọi là phượng hoàng đất (Buceros bicornis), là một trong những loài động vật quý hiếm đang được chăm sóc và cứu hộ tại Vườn Quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng.

Loài chim này sinh sống trong các khu rừng rậm ở Ấn Độ, miền Nam Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Chim hồng hoàng có thể đạt tuổi thọ lên tới 50 năm trong điều kiện sống tốt.

Chúng là thành viên lớn nhất trong họ hồng hoàng, với cá thể trưởng thành có thể dài tới 1,2m, sải cánh rộng và cân nặng 2-4kg. Bộ lông của chúng có ba màu chủ đạo: trắng, đen tuyền và vàng tươi.

Loài chim mỏ to quý hiếm, biết tặng quà cầu hôn - 1
Chim hồng hoàng có phần mỏ, mũ trên đỉnh đầu liền khối, chiếm đến 11% trọng lượng cơ thể (Ảnh: Nhật Anh).

Đặc biệt, chim hồng hoàng có phần mỏ và mũ trên đỉnh đầu liền khối, chiếm đến 11% trọng lượng cơ thể.

Theo anh Phạm Kim Vương, Trưởng bộ phận cứu hộ của Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, chim hồng hoàng nổi tiếng với sự chung thủy và cách chúng tìm bạn đời. Chim trống khi trưởng thành sẽ tặng quà như xác động vật, cành cây, xương động vật để chinh phục chim cái.

"Hành trình tán tỉnh của chim hồng hoàng trống không dễ dàng, vì các "nàng" chim không phải dễ tính. Qua tập tính này, nhiều nhà sinh vật học mệnh danh hồng hoàng là loài chim lãng mạn nhất thế giới", anh Vương chia sẻ.

Anh Vương cho biết thêm, hồng hoàng sống thành đàn 20-40 cá thể nhưng chỉ tạo thành cặp 1 vợ 1 chồng duy nhất. Khi bạn đời mất đi, cá thể còn lại sẽ sống cô độc đến suốt đời.

Loài chim mỏ to quý hiếm, biết tặng quà cầu hôn - 2
Rất nhiều cá thể động vật hoang dã đã được thả về môi trường tự nhiên tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng (Ảnh: Nhật Anh).

Các cặp hồng hoàng thường làm tổ trong các lỗ rỗng trên cây cao. Chim mẹ sau khi đẻ sẽ ở trong tổ 3-4 tháng để ấp trứng và chăm sóc con non, trong khi chim trống đảm nhiệm việc cung cấp thức ăn.

"Chim hồng hoàng sinh sống chủ yếu ở vùng núi đất, nơi có nhiều loại thức ăn phù hợp. Ở Phong Nha - Kẻ Bàng, loài chim này tập trung gần khu vực đường Hồ Chí Minh nhánh Tây", anh Vương cho biết thêm.

Lãnh đạo Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, cảnh báo về tình trạng buôn bán mỏ và sừng của chim hồng hoàng đang âm thầm diễn ra, đe dọa nghiêm trọng tới sự tồn tại của loài chim quý hiếm này.

Tháng 8/2023, Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng phối hợp với các đơn vị tổ chức tái thả thành công 2 cá thể chim hồng hoàng về môi trường tự nhiên. Đây là lần đầu tiên loài chim hồng hoàng được tái thả về môi trường tự nhiên ở Việt Nam.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đã tiếp nhận và cứu hộ 23 cá thể động vật hoang dã; thả về môi trường tự nhiên 17 cá thể động vật hoang dã.

Trung tâm đang chăm sóc và cứu hộ 73 cá thể động vật hoang dã, với tỷ lệ cứu hộ thành công đạt gần 92%.