Loại bỏ cách làm việc “trên rải thảm, dưới rải đinh”
(Dân trí) - Người đứng đầu các sở, ngành và địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm thực thi công vụ; tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, doanh nghiệp đến làm việc, đặc biệt phải loại bỏ kiểu làm việc “trên rải thảm, dưới rải đinh” đối với doanh nghiệp.
Tại Hội nghị “Triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017” của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức ngày 30/12, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế nhấn mạnh, người đứng đầu các sở, ngành và địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm thực thi công vụ; tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, doanh nghiệp đến làm việc, đặc biệt phải loại bỏ kiểu làm việc “trên rải thảm, dưới rải đinh” đối với doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 2017 là “Năm Doanh nghiệp; năm kỷ cương, kỷ luật hành chính” nên các cấp dưới cần nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, nhất là “không nói suông” trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện. Các địa phương phải định kỳ tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, Văn phòng UBND tỉnh sẽ theo dõi việc triển khai này và xem đây là một trong những chỉ tiêu đánh giá thi đua trong năm.
“Bên cạnh đó lãnh đạo các địa phương cần lấy tư duy hỗ trợ doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp làm chủ đạo thay cho tư duy quản lý doanh nghiệp. Cần phải quyết liệt trong thay đổi cải cách thủ tục hành chính, tạo lập môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Mọi người cần tập trung mọi nguồn lực, giải pháp cho doanh nghiệp phát triển về cả số lượng cũng như chất lượng; giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động, phải thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp” – ông Cao lưu ý.
Trong năm 2017, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ phấn đấu đạt được các chỉ tiêu như sau: tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 8-8,5%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội 19.000 tỷ đồng, tổng sản phẩm trong tỉnh bình quân đầu người (GRDP) là 2.100 USD, thu ngân sách nhà nước 6.856 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu hàng hóa 800 triệu USD, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,1% so với năm 2016 (theo chuẩn thời kỳ 2016-2020), tỷ lệ lao động được đào tạo nghề 60%, giải quyết việc làm mới cho 16.000 lao động...
Tỉnh cũng xác định Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tạo đột phá cho giai đoạn 2017-2020. Theo đó, phấn đấu năm 2017 đạt khoảng 3,5 - 3,7 triệu lượt khách, tăng khoảng 10 - 12% so với năm 2016; khách lưu trú đạt khoảng 2 triệu lượt, tăng khoảng 12% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch tăng khoảng 15% so với năm 2016, ước đạt 3,7 - 3,8 nghìn tỷ đồng.
Để thực hiện đạt chỉ tiêu nêu trên, UBND tỉnh đề ra 5 nhiệm vụ kèm theo các giải pháp thực hiện. Đáng chú ý là phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển du lịch, tập trung phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch; chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch; hoàn thiện môi trường du lịch và cải cách, tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động du lịch.
Du khách thứ 2,5 triệu đến thăm Huế năm 2016 - bà Pfister Nelda và chồng là ông Greber Roland (cùng quốc tịch Thụy Sĩ, đeo vòng hoa) được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chào đón, tặng quà tại Đại Nội ngày 26/12 vừa qua
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu cũng lưu ý với lãnh đạo các địa phương thời gian này, trước mắt cần tập trung vào khắc phục hậu quả thiên tai và triển khai tốt vụ sản xuất Đông Xuân 2016-2017 đảm bảo đúng lịch thời vụ để không ảnh hưởng đến khung lịch thời vụ của vụ Hè Thu 2017; đồng thời chuẩn bị tốt trong dịp Tết cổ truyền dân tộc, quan tâm các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ khó khăn để không có hộ dân nào thiếu, đói trong dịp Tết.
Đại Dương