1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nghệ An:

Lo sập nhà vì lỡ dùng xi măng kém chất lượng

(Dân trí) - Nhiều người dân Nghệ An thời gian gần đây, sau khi trót dùng xi măng PCB40 của Công ty cổ phần VLXD Bỉm Sơn xây nhà đã rất hoang mang lo lắng vì phát hiện chất lượng xi măng quá kém.

Theo cơ quan chức năng, sau khi lấy mẫu đưa đi kiểm định cho thấy chất lượng xi măng của Công ty cổ phần VLXD Bỉm Sơn thấp hơn rất nhiều so với số liệu đăng ký trên bao bì sản xuất cũng như cam kết của nhà máy này.

 

Chất lượng kém, giá cao

 

Thời gian gần đây nhiều hộ dân đang xây nhà trên địa bàn TP Vinh đã làm đơn phản ảnh đến cơ quan báo chí, cơ quan chức năng về việc một số đại lý xi măng tại thành phố này bán sản phẩm của Công ty CP VLXD Bỉm Sơn với giá cao do lợi dụng thương hiệu xi măng Bỉm Sơn của Tổng Công ty công nghiệp xi măng Việt Nam.

 

Lo sập nhà vì lỡ dùng xi măng kém chất lượng - 1

Nhiều kết quả kiểm định cho thấy chất lượng xi măng của Công ty CPVLXD Bỉm Sơn không đạt tiêu chuẩn (ảnh trên). phiếu giao nhận hàng của người dân với công ty (ảnh dưới) - Ảnh: Nguyễn Duy.

Trên thị trường hiện nay, xi măng Bỉm Sơn của Tổng công ty công nghiệp xi măng Việt Nam rất có uy tín, là sản phẩm được nhiều người tin dùng. Vì thế trên địa bàn Nghệ An, Công ty cổ phần VLXD Bỉm Sơn (có địa chỉ tại phường Ngọc Trạo, TX Bỉm Sơn, Thanh Hóa) đã lợi dụng thương hiệu này để bán sản phẩm.

 

Do thiếu hiểu biết về sản phẩm và không để ý kỹ nên nhiều người dân đã mua nhầm phải xi măng "nhái" về xây nhà. Chuyện chỉ vỡ lở khi một số công trình cao tầng, nhà ở biệt thự… tại thành phố Vinh có dấu hiệu kém chất lượng khi sử dụng xi măng của Công ty CPVLXD Bỉm Sơn như bê tông rời rạc, khả năng kết dính thấp, nhiều công trình mới xây đã xuất hiện dấu hiệu rạn nứt…

 

Anh Thái Văn Vinh, phường Hưng Bình, TP Vinh cho biết, ngày 18/2/2009, anh đến đại lý Hoa Thường (có trụ sở tại số 19, đường Đề Thám, khối 6, phường Cửa Nam TP Vinh) mua 12 tấn xi măng Bỉm Sơn với giá 940.000đ/tấn. Đại lý đưa đến 12 tấn có mác PCB40 của công ty CP VLXD Bỉm Sơn với biểu tượng là chiếc cầu Hàm Rồng. Tiếp đó ngày 2/6/2009, anh Vinh mua tiếp 2 tấn nữa và sản phẩm cũng là xi măng của Công ty VLXD Bỉm Sơn. Khi đem vào sử dụng phát hiện chất lượng sản phẩm kém và khả nghi có thể đây là xi măng đểu.

Lo sập nhà vì lỡ dùng xi măng kém chất lượng - 2
Ảnh trai: Xi măng Bỉm Sơn (mới đổi tên là xi măng Vicem) của Tổng công ty công nghiệp Việt Nam. Phải: xi măng được cho là dởm của Công ty CP VLXD Bỉm Sơn (Ảnh: Cảnh Thắng)

 

Ngày 18/6/2009, anh Vinh đã nhờ đến Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế & Kiểm định xây dựng công trình (Trung tâm Thí nghiệm VLXD LAS - XD 757) để kiểm định chất lượng bê tông theo TCXD 171-1989 bằng súng bật nẩy kết hợp với siêu âm. Kết quả thí nghiệm tại các vị trí chịu lực quan trọng của công trình như dầm, sàn, trụ, chỉ số cường độ bê tông <100daN/cm2 (công trình thông thường có cường độ bê tông 200daN/cm2), thấp, không đảm bảo chất lượng.

 

Sau khi cầm kết quả, anh Vinh đã báo cáo cho đại lý Hoa Thường biết về chất lượng xi măng mình đã mua. Đại lý Hoa Thường đã trình bày sự việc với công ty CP VLXD Bỉm Sơn. Công ty đã cử cán bộ kỹ thuật vào làm việc với anh Vinh và thừa nhận sản phẩm xi măng đó là của công ty.

 

Chưa dừng lại ở đó, anh Vinh và đại diện Công ty CP VLXD Bỉm Sơn tiếp tục lấy mẫu xi măng tại đây đưa đi xét nghiệm tại Trung tâm Tư vấn Thiết kế & Kiểm định xây dựng thuộc Tông Công ty XD CTGT 4 thì cho kết quả cường độ nén xi măng sau 72 giờ là 11,8 N/mm2, sau 28 ngày là 22,7 N/mm2, thấp hơn rất nhiều so với yêu cầu kỹ thuật theo TCVN 6260-1997. Trong khi đó, chuẩn xi măng PCB40 Bỉm Sơn của Tổng công ty công công nghiệp Việt Nam có cường độ nén sau 72 giờ là hơn 18 N/mm2, sau 28 ngày không nhỏ hơn 40 N/mm2.

 

Để đảm bảo tính khách quan, anh Vinh tiếp tục lấy mẫu xi măng, thuê Công ty CP Tư vấn thiết kế & Kiểm định xây dựng công trình (Trung tâm thí nghiệm VLXD LAS - XD 757) kiểm định lần 3.

Lo sập nhà vì lỡ dùng xi măng kém chất lượng - 3

Kết quả xét nghiệm (Ảnh: Cảnh Thắng)

 

Kết quả lần thứ 3 như sau: cường độ xi măng Bỉm Sơn PCB40, BS02, ngày SX: 12/2/2009 có kết quả 11, 9N/mm2, mẫu PCB40, BS05 sản xuất ngày 29/5/2009 là 132daNcm2, không đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN 6260-1997.

 

Thông tin xi măng PCB40 của công ty CP VLXD Bỉm Sơn kém chất lượng lan nhanh trên địa bàn TP Vinh. Lúc này nhiều hộ dân mới “ngã ngửa” xi măng mình đang dùng không phải là xi măng Bỉm Sơn của Tổng Công ty công nghiệp xi măng Việt Nam. Nhiều hộ dân đã đem xi măng đi kiểm định, tất cả đều có chung một kết quả là không đạt yêu cầu chất lượng theo TCVN 6260-1997 như công ty này cam kết.

 

Cam kết một đường, làm một nẻo

 

Trong cam kết chất lượng gửi tới khách hàng do ông Nguyễn Tất Quán, Giám đốc Công ty CP VLXD Bỉm Sơn, ký ghi rõ: “Xi măng PCB40 VLXD Bỉm Sơn được sản xuất từ nguyên liệu Clinhker mác cao công nghệ Nhật Bản, đạt tiêu chuẩn chất lượng TCVN 6260 - 1997... Công ty CP VLXM Bỉm Sơn sẽ bồi thường mọi thiệt hại cho khách hàng nếu do xi măng PCB40 VLXD Bỉm Sơn kém hiệu quả gây ra...”

           

Nhưng khi người dân phát hiện xi măng của công ty kém chất lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến công trình và yêu cầu được công ty đền bù thiệt hại thì Công ty CP VLXD Bỉm Sơn lại “cò kè”, chỉ chấp nhận đền bù ở mức rất thấp so với thiệt hại của người tiêu dùng.

 

Anh Thái Văn Vinh cho biết: “Sử dụng 14 tấn xi măng kém chất lượng của công ty gây thiệt hại cho gia đình tôi khoảng 180 triệu đồng, nhưng đại lý chỉ chấp nhận đền bù cho gia đình tôi khoảng 10 triệu, đó là điều khó có thể chấp nhận được”.  

           

Lo sập nhà vì lỡ dùng xi măng kém chất lượng - 4

Hàng ngàn ngôi nhà tại thành phố Vinh đã được xây bằng thứ xi măng kém chất lượng, khiến chủ nhà hoang mang, lo lắng. (Ảnh: Cảnh Thắng)

Nhận được đơn thư khiếu nại của người dân, ngày 22/7/2009, Sở Xây dựng Nghệ An đã phối hợp với Chi Cục Quản lý thị trường, các ngành liên quan, thành lập đoàn kiểm tra đột xuất về VLXD tại Công ty TNHH Hoa Thường. Theo đó, Đoàn đã lấy mẫu xi măng của Công ty CP VLXD Bỉm Sơn để kiểm tra chất lượng.

 

Trao đổi với chúng tôi ông Lê Quang Hiển, quyền Chi cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An, cho biết: “Hiện chi cục đang chờ kết quả giám định xi măng. Nếu xi măng có kết quả không đạt yêu cầu sẽ tiến hành xử lý doanh nghiệp này...”.

 

  

Ông Nguyễn Sĩ Ngọc, Phó Giám đốc Công ty CP xi măng Bỉm Sơn, Tổng công ty công nghiệp xi măng Việt Nam, cho biết: "Thời gian gần đây nhiều người dân đã nhầm lẫn giữa sản phẩm xi măng của chúng tôi với sản phẩm xi măng của Công ty CP VLXD Bỉm Sơn. Sự nhầm lẫn này gây thiệt hại rất lớn cho công ty chúng tôi. Xi măng của Công ty xi măng Bỉm Sơn có biểu tượng con voi và có chữ Vicem ghi lớn trên vỏ bao. Còn xi măng của Công ty CP VLXD xi măng Bỉm Sơn có biểu tượng cầu Hàm Rồng. Khách hàng khi mua xi măng hãy xem kỹ vỏ bao, biểu tượng để tránh nhầm lẫn".

 

Cảnh Thắng  -  Nguyễn Duy