Thưa ông, dự án “Lập Quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội” giai đoạn I đã nhận được nhiều ý kiến phản biện khác nhau. Vừa qua, Thành phố tiếp tục phối hợp với phía đối tác để thực hiện giai đoạn II của dự án. Vậy, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Theo tôi việc nghiên cứu quy hoạch 40km và bây giờ 100km bên bờ sông Hồng là cần thiết vì dòng sông này có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của thành phố. Chức năng của việc quy hoạch ở đây không những phục vụ việc phát triển cảnh quan mà còn trị thủy.
Tuy nhiên, đề án đô thị 2 bên bờ sông Hồng như trước đây (giai đoạn 1 - PV) rõ ràng có nhiều vấn đề bất cập. Việc tạo quỹ đất như trong quy hoạch là không phù hợp, bởi chúng ta cần tạo quỹ đất cho dân sinh và các vấn đề công cộng chứ không phải để kinh doanh.
Người ta cũng đề ra nhiều cái tên sai lạc như việc gọi đây là “quy hoạch cơ bản”. Hơn nữa, việc quy hoạch như trong dự án sẽ làm mất đi giá trị truyền thống mấy nghìn năm lịch sử mà ông cha ta gây dựng nên.
Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố, đại biểu Nguyễn Việt Hưng rất lo ngại với việc lấy mô hình quy hoạch của thành phố hai bên sông Hàn của Seoul để áp dụng vào sông Hồng của Hà Nội và theo đại biểu Hưng, điều này có thể làm “hại” thành phố, thưa ông?
Việc lấy luôn mô hình của Seoul để áp vào Hà Nội như đại biểu Nguyễn Việt Hưng nói thì đó là điều bất hạnh thực sự, bởi thành phố bên sông ở Seoul chi chít các công trình như bức tường thành chặn hai bên bờ sông.
Vậy chúng ta cần quy hoạch thành phố hai bên bờ sông như thế nào cho phù hợp?
Khu vực hai bên bờ sông Hồng là vùng trũng, do vậy việc xây dựng quá nhiều nhà cao tầng là không hợp lý. Theo tôi, thành phố nên quy hoạch phần “âm” và phần “dương” một cách hài hoà. Và về nguyên tắc, tính thiên nhiên phải trội lên ở một đô thị hiện đại.
KTS Trần Trọng Hanh: Không nên chất tải quá nhiều nhà cao tầng vào sông Hồng
Theo tư tưởng đó, hai bên bờ sông Hồng nên được quy hoạch là vùng cảnh quan, không gian công cộng phục vụ nhân dân và vùng để phân lũ, xả lũ.
Không được chất tải quá nhiều nhà cao tầng ở đây. Chúng ta cũng cần phải sắp xếp lại nhà cửa ở đây và nếu quá tải thì phải bố trí nơi khác thích hợp hơn… Còn việc quy hoạch 2 bên bờ sông Hồng giống bức tường thành như trong giai đoạn 1 là không phù hợp.
Việc đề nghị lồng ghép quy hoạch cơ bản sông Hồng vào Quy hoạch chung Thủ đô, ông thấy thế nào?
Việc lồng ghép quy hoạch sông Hồng vào Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô là hợp lý. Tuy nhiên, nếu thông qua các chỉ tiêu của Quy hoạch chung Thủ đô mà Quy hoạch cơ bản cũng được thông qua luôn là không hợp lý… Nhưng cũng phải nói thêm, cả 2 quy hoạch này đến nay vẫn còn nhiều ý kiến phản biện khác nhau.
Xin cảm ơn ông!
Đại biểu Nguyễn Việt Hưng: Sông là… sông! Tôi vừa sang Seoul và đã quan sát thành phố hai bên bờ sông Hàn của họ. Cảm nhận của tôi là họ xây dựng quá nhiều nhà cao tầng và những khối bê tông chắn hai bên bờ sông này làm dòng sông Hàn mất đi vẻ thơ mộng. Ảnh tôi chụp hai bên bờ sông mang về chỉ thấy bê tông và… bê tông. Tôi nghĩ, nếu sông Hồng cũng như vậy thì đó là điều bất hạnh đối với thủ đô ngàn năm tuổi. Điều được nhiều người đến thăm thủ đô Hà Nội đề cập là thành phố nên giữ lại vẻ đẹp cổ kính như hiện nay và chúng ta đều biết, Chính phủ đã có quyết định không cho phép xây dựng thêm nhà cao tầng ở các khu phố. Trước đây, Hà Nội chưa mở rộng, thành phố có làm dự án nghiên cứu theo hướng áp mô hình thành phố bên sông Hàn vào thành phố bên sông Hồng. Bây giờ chúng ta mở rộng thủ đô rồi, quỹ đất mở rộng rồi, không cần thiết phải tận dụng quỹ đất bên bờ sông. Đặc biệt, chúng ta cần giữ cho Hà Nội 1.000 năm có một vẻ cổ kính, cảnh quan thành phố đẹp một cách yên bình như thành phố châu Á, chứ không biến thành thành phố toàn nhà cao tầng và bê tông. Ngay cả việc làm tiếp dự án theo kiểu bớt nhà cao tầng, thêm khu vui chơi giải trí hai bên bờ sông Hồng cũng không nên bởi sông là sông và như tôi đã nói, chúng ta bí quỹ đất mới làm kiểu đó… Hà Nội đã có những dự án chỉnh trị dòng sông Hồng thì tới đây ta nên thực hiện các dự án đó. |
Quang Phong - Cấn Cường