1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ 27 lao động kêu cứu ở Singapore:

Lộ mặt một đường dây lừa đảo XKLĐ

(Dân trí) - Đây là lời khẳng định của ông Đào Công Hải - Phó cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước về vụ việc <a href="http://dantri.com.vn/Sukien/2007/5/180748.vip">27 lao động phải sống bơ vơ trên đất Singapore</a> sau khi đã nộp cho “công ty xuất khẩu lao động” số tiền lên tới 3 tỷ đồng. Sau đây là một phần sự thật.

Giám đốc công ty XKLĐ nói gì?

 

Chiều 13/6, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Công Đoan - Giám đốc chi nhánh Công ty vận tải biển và xuất khẩu lao động tại Hà Nội (HANOI ISALCO). Ông Đoan khẳng định: Việc Nguyễn Đức Quyền và Hà Phương Thảo không được giao nhiệm vụ tuyển lao động đi Singapo, không có quyền thu tiền mà lạm dụng danh nghĩa chi nhánh để tự ý thu tiền của người lao động là hành vi lừa đảo và vi phạm pháp luật.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chi nhánh HANOI ISALCO là doanh nghiệp nhà nước của Trường ĐH Hàng Hải - Bộ Giao thông vận tải có chức năng tuyển dụng, đào tạo và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Trong danh sách trích ngang cán bộ của chi nhánh này, Nguyễn Đức Quyền (SN 2/8/1973, trú tại thôn Sơn - Hạp Lĩnh, Tiên Du- Bắc Ninh) và Hà Phương Thảo (SN 19/6/1976) được nhận làm nhân viên thử việc.

 

Ngày 3/5/2007, trong buổi làm việc với công an quận Long Biên sau khi có một số lá đơn tố cáo việc Nguyễn Đức Quyền và Hà Phương Thảo tuyển dụng lao động trái phép, phía Chi nhánh Công ty Vận tải biển và Xuất khẩu lao động cho biết: Cuối năm 2006, ông Phạm Thế Minh - PGĐ Công ty, nhận Nguyễn Đức Quyền vào thử việc. Riêng trường hợp Hà Phương Thảo lại chưa nộp hồ sơ cho phía đơn vị tiếp nhận (?), nhưng Nguyễn Đức Quyền có khai trong hồ sơ của mình rằng Thảo là vợ.

 

Lộ mặt một đường dây lừa đảo XKLĐ - 1
Sơ yếu lý lịch của Nguyễn Đức Quyền. 

 

Theo ông Đoan, giữa hai bên (phía Công ty XKLĐ với Quyền, Thảo - PV) chưa ký hợp đồng lao động. Tuy nhiên, đến ngày 11/12/2006, HANOI ISALCO lại ra thông báo về việc không đồng ý tiếp nhận Quyền và Thảo (?).

 

Ông có thấy rằng phía công ty đã có sự lỏng lẻo ngay từ bước đầu trong quản lý nhân sự và Quyền “bám” theo đó mà lợi dụng sự cả tin của người lao động?

 

Chúng tôi chỉ tuyển lao động thông qua ngành LĐTBXH của huyện, tỉnh. Trong khi đó, những cộng tác viên này (Quyền và Thảo) chỉ bảo đảm họ ở địa phương đó, người ta quen khu vực đó, họ “lấy” người ở khu vực đó chứ chúng tôi không khuyến cáo họ có quyền tuyển lao động tại những khu vực khác.

 

Cho đến giờ phút này, ông thấy trách nhiệm của công ty trong việc này thế nào?

 

Trong thời gian Quyền còn là cộng tác viên tuyển lao động của công ty, cho dù là hợp đồng miệng, không ít thì nhiều chúng tôi phải chịu trách nhiệm với người lao động. Tuy nhiên, ngay cả khi chúng tôi đã có thông báo ngừng cộng tác với Quyền nhưng anh ta vẫn tiếp tục tuyển lao động, thậm chí, thu tiền của người lao động, thì anh ta phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

 

Theo ông được biết, trong thời gian từ 10/11/2006 đến 11/12/2006, có bao nhiêu trường hợp tố cáo liên quan đến Nguyễn Đức Quyền?

 

Chúng tôi chỉ nhận được đơn của một gia đình tại Bắc Giang đề cập đến việc đưa 1.000 USD cho Quyền để đi Đài Loan, khi đòi lại thì không được. Hiện chúng tôi đang mời gia đình này lên để trao đổi, kiểm tra chứng cứ… Tôi cũng hy vọng chỉ nhận được một lá đơn này, nếu mà nhiều quá thì tôi cũng chết với họ (cười).

 

Cục quản lý lao động ngoài nước vào cuộc

 

Theo đại tá Đỗ Kim Tuyến - Phó GĐ Công an TP Hà Nội: Từ đầu năm 2006 đến nay, tình hình hoạt động của tôi phạm trong lĩnh vực XKLĐ diễn ra hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Đã xảy ra 71 vụ lừa đảo 2.118 người dân, bọn tội phạm đã chiếm đoạt 14,5 tỷ đồng và gần 2,4 triệu USD với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau.

Để tìm câu trả lời cuối cùng cho lời kêu cứu của 27 người lao động, chúng tôi đã tìm đến Cục quản lý lao động ngoài nước (Cục QLLĐNN) - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

 

Ngay khi nhắc đến tên Nguyễn Đức Quyền và Công ty vận tải biển và xuất khẩu lao động, bà Nguyễn Thị Thúy Lai - Trưởng phòng thanh tra của Cục QLLĐNN đã bất ngờ cho biết: Cách đây ít ngày, cơ quan này cũng nhận được một lá đơn tố cáo hành vi nhận tiền của người lao động nhưng “nuốt lời” của Nguyễn Đức Quyền. Phương thức tuyển lao động và nhận tiền cũng khá giống với trường hợp 27 lao động.

 

Lần này, nạn nhân là ông Nguyễn Thái Vượng, trú tại phố Thống Nhất, thị trấn Bố Hạ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Sự việc như sau: Tháng 11/2006, con ông Vượng là Nguyễn Văn Cường có tham gia khám tuyển lao động tại Đài Loan do một người tên Châu giới thiệu. Sau đó ông Châu đưa Cường đến gặp Nguyễn Đức Quyền, khi đó nhận là người phụ trách tuyển sinh của Công ty vận tải biển và xuất khẩu lao động.

 

Tại cuộc gặp này, ông Cường đã đưa cho Quyền 1.000 USD sau khi nhận được lời hứa: Nếu không đi được, ông Châu sẽ lấy lại toàn bộ số tiền cho gia đình. Tất cả chỉ có tờ giấy biên nhận bằng tay. Tuy nhiên, đến khi ông Cường đến gặp Quyền để xin lại số tiền thì được một người xưng là Thảo, vợ Quyền tuyên bố: “Đó là tiền môi giới và không được trả lại”.

 

Trong công văn số 744, gửi đến Công ty Vận tải biển và xuất khẩu lao động (ISALCO) ngày 5/6, Cục QLLĐNN yêu cầu: ISALCO kiểm tra, làm rõ việc thu tiền của người lao động, có biện pháp giải quyết dứt điểm, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động đồng thời có biện pháp xử lý đối với cán bộ làm XKLĐ nếu có vi phạm. Đặc biệt, Cục QLLĐNN đề nghị báo cáo tổ chức, hoạt động XKLĐ của cơ sở tại số nhà 231-C5-Khu đô thị mới Đại Kim. Thời hạn trả lời chậm nhất là 15/6/2007.

 

Ông Đào Công Hải - Phó Cục trưởng Cục QLLĐNN: Tôi xin khẳng định việc này là lừa đảo

 

Thị trường Singapore hiện nay chưa chấp nhận lao động phổ thông Việt Nam. Dĩ nhiên mong muốn đi làm nước ngoài hiện còn rất lớn nhưng rất nhiều người lao động đã quá nhẹ dạ, cả tin. Hiện chỉ có một công ty XKLĐ tại TPHCM đang xúc tiến việc lao động kỹ sư Việt Nam sang Singapore...

 

Thưa ông, vụ việc NLĐ tại các vùng nông thôn trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo XKLĐ đang rất phổ biến?

 

Các doanh nghiệp Việt Nam dù đã được Bộ LĐTBXH cấp giấy phép xuất khẩu lao động nhưng khi xuống các địa phương vẫn phải được phép của chính quyền địa phương. Các địa phương đều có Ban chỉ đạo rất hùng hậu gồm chính quyền, đoàn thể phục nữ, thanh niên, y tế, công an… trong đó nòng cốt là Sở LĐTBXH. Do đó, NLĐ khi có nhu cầu cần đến tham khảo thông tin tại Sở LĐTBXH.

 

Thực tế, Cục vẫn thường phải có công văn giới thiệu doanh nghiệp gửi đến các Sở LĐTBXH khi họ cần kiểm chứng. Mặc dù nhiều doanh nghiệp cho rằng đây là giấy phép con nhưng trước mắt, đây cũng là một thực tế. Nếu không có, Sở LĐTBXH không tin mặc dù đã có giấy phép đầy đủ trong tay.

 

Với trách nhiệm là cơ quan chủ quan, ông có lời cảnh báo nào cho NLĐ?     

 

Đề nghị NLĐ có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài tìm đến Sở LĐTBXH xin thông tin để tư vấn. Đây là nơi cung cấp thông tin chuẩn xác nhất, ở đó người lao động có thể tìm được mọi thông tin cần thiết: thị trường nào, điều liện đi, mức thu nhập…

 

Người lao động cũng có thể liên lạc qua đường dây nóng của Cục QLLĐNN: 04.7346246 máy lẻ 305 hoặc 508. Đây là bộ phận có trách nhiệm thông tin tư vấn và chúng tôi rất hoan nghênh NLĐ tìm hiểu thông tin qua đường dây nóng.

 

Phúc Hưng