Lính thợ bạc tỷ ở Trung đoàn không quân 935
Su 30MK2 là loại máy bay tiêm kích đa năng hiện đại, mọi trang thiết bị đi kèm đều phải nhập từ nước ngoài. Nhiều lính thợ ở Trung đoàn không quân 935 đã “nội địa hóa” thành công nhiều thiết bị đắt đỏ ấy.
Trong quá trình sử dụng, một số thiết bị hỏng hóc cần phải thay thế hoặc sửa chữa. Nếu nhập khẩu thì giá cả rất đắt phải đặt hàng tốn nhiều thời gian, trong khi nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu đòi hỏi vũ khí và trang thiết bị phải luôn trong tư thế sẵn sàng chờ lệnh. Trong cái khó ló cái khôn.
Là kỹ thuật trưởng phụ trách các thiết bị vô tuyến liên lạc và vô tuyến dẫn đường trên máy bay, thiếu tá Tênh có nhiệm vụ bảo đảm thiết bị thường xuyên hoạt động tốt, liên lạc thông suốt, qua đó đảm bảo an toàn bay.
Anh nhận thấy mũ phi công máy bay Su 30MK2 vốn được nhập hoàn toàn từ nước ngoài, chất lượng rất tốt, nhưng giá đắt, trong khi trong nước không sản xuất được nên thường được sử dụng lâu dài. Vì vậy qua thời gian dài sử dụng, mũ hay bị trục trặc.
Thông thường, nếu không có thiết bị thì phải đưa lên máy bay để thử. Để thử mũ, phải bật điện máy bay, vừa tổn hao điện năng, máy móc lại có nguy cơ gây hỏng các thiết bị khác trên máy bay, mà thiết bị nào cũng đắt tiền. Sửa mũ bay phải thử nhiều lần.
Chưa kể lúc cần sửa mũ, các bộ phận khác cũng làm việc, có khi yêu cầu không được cắm điện, thành thử tiến độ sửa chữa chậm trễ, trong khi nhiệm vụ đòi hỏi phi công phải có mũ bay. Sau nhiều ngày trăn trở suy nghĩ, thiếu tá Tênh sáng tạo một thiết bị nhỏ gọn, xách đi đâu cũng được. Với thiết bị này, chỉ cần cắm vào nguồn điện 220V có thể dễ dàng sửa mũ phi công.
Ngoài sáng kiến trên, thiếu tá Nguyễn Công Tênh còn chế tạo bộ biến điện nguồn 115V thành 27V dùng cho máy tạo áp phun dầu vào buồng đốt máy bay. Trong xưởng, muốn kiểm tra máy bay, nhân viên sử dụng thiết bị GU-3 dùng hai nguồn điện 115V và 27V.
Nhưng khi kiểm tra máy bay ngoài bãi, phải dùng xe điện đặc chủng, cần nhiều người vận hành, vừa tốn nhiên liệu vừa phối hợp khó khăn. Với thiết bị biến điện của thiếu tá Tênh, không cần phải sử dụng xe điện đặc chủng, vừa tiết kiệm được nhiên liệu, công sức, vừa dễ dàng điều khiển.
Trung úy chuyên nghiệp Trần Gia Chuân là kỹ thuật trưởng phân xưởng thoát hiểm, chuyên về đảm bảo an toàn hệ thống thoát hiểm cho phi công, lại đóng góp vào kho sáng tạo của trung đoàn bằng máy kiểm tra hệ thống thoát hiểm của Su 27.
Ghế Su 27 điều khiển thoát hiểm qua hai kênh điện và cơ. Cơ chế hỗ trợ nhau để khi hỏng cái này, cái kia vẫn làm việc. Để kiểm tra, phải dùng tới hai máy nhập của Nga cần nhiều người thao tác, yêu cầu chính xác cao, không được để xảy ra sơ suất dẫn tới chập, cháy điện, nếu dã ngoại sẽ cồng kềnh, không phù hợp.
Thiết bị của trung úy Chuân thay thế cho cả hai máy với một người điều khiển, giúp hạn chế sai sót, thời gian kiểm tra nhanh hơn mà chất lượng vẫn bảo đảm.
Giải pháp của trung úy Chuân được đưa vào sử dụng tại trung đoàn cuối năm 2011 cho máy bay Su 27 đã được khen thưởng cấp trung đoàn và sư đoàn, sau đó nhận được giải khuyến khích cuộc thi sáng kiến cải tiến kỹ thuật của quân đội.
Theo Trường Điền
Tiền phong