1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Linh phẩm Hồn thiêng sông núi” mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội

(Dân trí) - Ngày 10/9, Trung tâm gỗ nghệ thuật Âu Lạc (Gò Nổi, xã Điện Phong, Điện Bàn, Quảng Nam) đã cho ra mắt giới thiệu bộ tác phẩm điêu khắc “Linh phẩm Hồn thiêng sông núi”.

Đây là tâm huyết trong hai năm của nghệ nhân Trần Thu và các nghệ nhân dày công thực hiện để dâng lên mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
 
Bộ tác phẩm điêu khắc gỗ gồm 9 tác phẩm: Đồng Bào, Việt Nữ, Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thiên Thư, Hoàn Kiếm, Tre Việt, Thanh âm ngày hội, Độc bình “Điều chưa nói” và Đại Bình Kiến Quốc.
 
Chín tác phẩm trong bộ “Hồn thiêng sông núi” với nghệ danh Trần Thu là một sự chiêm nghiệm trong thời gian dài, bởi nếu tác giả không chuyển tải được thông điệp nào về sự minh triết của cuộc sống thì những tác phẩm đó sẽ không có giá trị.
 
“Linh phẩm Hồn thiêng sông núi” mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội - 1
Tác phẩm "Đồng bào".
 
Tác phẩm Đồng Bào với hình quả trứng với 99 lỗ oval đặt trên đế vuông tượng trưng cho trời đất và thể hiện tính giao hòa âm dương của linh phẩm. Quanh mặt trứng phù điêu chim phượng, rồng được chạm trổ tỉ mỉ từ vảy, vây đến móng... Hàm rồng ngậm ngọc biểu trưng cho trí tuệ của một vị vua rồng, là ánh sáng tuệ minh đời đời lưu truyền cho con Lạc cháu Hồng.
 
“Linh phẩm Hồn thiêng sông núi” mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội - 2
Tác phẩm "Vệ nữ".
 
Hoặc như tác phẩm Việt nữ, là hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam hiện đại trong tà áo dài truyền thống và cũng chính là mẹ Âu Cơ, trên tay là hoa sen, chính giữa là hình bọc trứng - điểm khởi nguyên của con Lạc cháu Hồng.
 
“Linh phẩm Hồn thiêng sông núi” mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội - 3
Tác phẩm "Hoàn kiếm".
 
Còn tác phẩm Hoàn Kiếm là câu chuyện vua Lê nhờ thanh bảo kiếm mà đánh đuổi được giặc Minh, giữ yên bờ cõi.
 
“Linh phẩm Hồn thiêng sông núi” mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội - 4
Tác phẩm "Chân dung Hồ Chí Minh".

Có lẽ trong bộ tác phẩm này, độc đáo nhất là linh phẩm “chân dung Hồ Chí Minh”. Với yếu tố thiên địa linh trong tác phẩm: trời cao (5510) x đất rộng (1210) = 304.000.000 tương ứng với ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Hình ảnh Bác Hồ trong dáng vẻ đăm chiêu nhưng thư thái, khắc khổ mà minh triết. Chiếc áo choàng vừa phong sương vừa đậm chất nghệ sĩ, chân dung Bác sống động trong từng khối, nét tinh tế như lột tả được vẻ đẹp tâm hồn cao quý của một lãnh tụ vĩ đại.

Mỗi tác phẩm là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Những tác phẩm đồ sộ có chiều cao 2,7m và chiều rộng 3m được tạc từ những khối gỗ nguyên không còn vẻ sần sùi, thô của mộc mà là những đường nét mềm mại uyển chuyển, tạo nên sức sống và hấp dẫn của tác phẩm.

Theo Giám đốc Trung tâm gỗ nghệ thuật Âu Lạc Nguyễn Viết Linh, sau buổi ra mắt này, dự kiến ngày 16/9, đơn vị sẽ đem toàn bộ tác phẩm này ra Hà Nội để trưng bày cho nhân dân thủ đô cũng như cả nước chiêm ngưỡng trong dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Công Bính