Lính đánh án ma túy mang quân hàm xanh
(Dân trí) - “Làm lính ma túy không có bản lĩnh thì không thể làm được. Bản lĩnh trước kẻ thù, bản lĩnh trước khó khăn và bản lĩnh cả với chính bản thân mình…”, Đại tá Nguyễn Trường Thi – Trưởng phòng Phòng chống tội phạm ma túy BĐBP Nghệ An tâm sự.
Những năm đầu thế kỷ XXI, tình hình hoạt động của các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm về ma túy tại Nghệ An có những diễn biến hết sức phức tạp. Trên tuyến biên giới Tây Nghệ An, tình trạng trồng và tái trồng cây thuốc phiện diễn ra hầu khắp các địa bàn. Hoạt động mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy cũng trở nên phổ biến với số lượng ngày càng lớn, thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh.
Trước tình hình đó, tháng 3/2005, Phòng Phòng chống tội phạm ma túy Bộ đội Biên phòng Nghệ An được thành lập. So với tình hình diễn biến tội phạm về ma túy, thì Phòng PCTPMT BĐBP Nghệ An như một đứa trẻ mới chập chững biết đi. Trong khi đó, kẻ thù của họ lại là những kẻ đầu sỏ, có máu mặt, thừa liều lĩnh và thủ đoạn tinh vi. Nhưng 10 năm, những bước chân thầm lặng của các chiến sỹ Phòng PCTPMT đã đi khắp các bản làng tuyến biên giới Việt – Lào, thậm chí là xa hơn nữa, từng bước chặt đứt và triệt hạ nhiều đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia.
10 năm, 40 chuyên án ma túy lớn được phá, thu 250 bánh heroin, nhiều trùm ma túy xuyên quốc gia phải lĩnh án tử. Thành quả không hề nhỏ đối với một đơn vị mới tròn 10 tuổi.
Có thể điểm qua một vài chuyên án lớn như vụ nổ súng để triệt hạ đường dây vận chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam do Vừ Tồng Chò (SN 199, trú Sầm Tớ, Hủa Phăn, Lào) cầm đầu vào tháng 5/2009. Ngoài việc bắt kẻ cầm đầu, lực lượng PCTPMT thu 17,5 bánh heroin, 2 khẩu súng quân dụng cùng 28 viên đạn, 2 quả lựu đạn, nhiều ngoại tệ, xóa sổ hang ổ ma túy trên đỉnh Pùng Ngua (huyện Quế Phong, Nghệ An).
Tháng 5/2010, Phòng PCMT BĐBP Nghệ An cất “mẻ lưới” bắt Và Phả (SN 1982, trú tại Mường Pẹt, Xiêng Khoảng, Lào), Lầu Giông Xử (SN 1968, Mường Lống, Kỳ Sơn, Nghệ An, di cư trái phép sang Lào), Và Thông (SN 1980, trú tại Mường Pẹc, Xiêng Khoảng, Lào) khi các đối tượng đang vận chuyển 28 bánh heroin từ Lào xâm nhập vào Việt Nam.
Tháng 8/2012, “sói đen” Mùa Bá Tu (SN 1985, trú tại xã Na Ngoi, Kỳ Sơn, Nghệ An) bị lực lượng phòng chống ma túy BĐBP Nghệ An bắt giữ khi đang vận chuyển 22 bánh heroin cùng 12.000 viên ma túy tổng hợp từ Lào vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch. Mới đây nhất, cuối tháng 12/2014, lực lượng PCMT BĐBP Nghệ An bắt giữ đối tượng Hạ Bá Cu (SN 1991, trú tại xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn) khi đối tượng đang vận chuyển 20 bánh heroin từ Lào về Việt Nam.
Kể ra thì là vậy nhưng để phá một chuyên án ma túy, cán bộ, chiến sỹ Phòng PCTPMT BĐBP Nghệ An đã phải đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, thậm chí là cả máu. Và khi những chiến công đó được tuyên dương, họ chỉ lặng lẽ đứng ở ngoài, chia sẻ niềm vui với những đồng đội đã sát cánh với mình bởi lẽ phải giữ bí mật cho những chuyên án tiếp theo.
“Lực lượng non trẻ, biên chế tổ chức ít, điều kiện phương tiện, trang bị kỹ thuật chưa phải là hiện đại trong khi kẻ thù lại liều lĩnh, tinh vi, lắm thủ đoạn, sẵn sàng “sống mái” khi bị phát hiện và bắt giữ. Địa bàn đấu tranh chủ yếu là biên giới hải đảo, tiếp giáp với nước bạn Lào, dân thưa, chưa thực sự kiểm soát được hết tuyến giới mở.
Rồi thì điều kiện vật chất, đi lại khó khăn, trình độ giác ngộ, ý thức đấu tranh của người dân chưa cao… Khó khăn không thể nói hết được. Anh em phải từng bước khắc phục khó khăn, đấu tranh với chính bản thân mình để hoàn thành nhiệm vụ”, đại tá Thi trải lòng.
Hết mua chuộc đến đe dọa
Nói về “nghề” chống ma túy, đại tá Nguyễn Trường Thi bộc bạch: “Không có bản lĩnh không làm được đâu. Bản lĩnh trước kẻ thù và bản lĩnh trước bản thân mình”. Đối diện với kẻ thù cần sự mưu trí, gan dạ, quả cảm… nhưng để chiến thắng “kẻ thù” ở trong bản thân mỗi người thì đòi hỏi người lính phải có “bản lĩnh thép”.
10 năm xây dựng, chiến đấu và từng bước trưởng thành, với những chiến công xuất sắc của mình, Phòng PCTPMT BĐBP Nghệ An vinh dự được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì, 3 Huân chương Chiến công hạng Nhì; 5 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 18 bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng… |
Có những chuyên án vừa được phá cũng là khi trinh sát phá án nhận được những cú điện thoại lạ “mặc cả” thả người. Những kẻ dấu mặt sẵn sàng ra giá với số tiền lên tới hàng chục nghìn đô la – số tiền mà với đồng lương của người lính thì nằm mơ cả đời cũng chẳng thấy. Thậm chí, có những lúc, lính ma túy còn được nhận những lời gợi ý giúp đỡ thăng quan tiến chức. Và tất nhiên, để đổi lấy những bổng lộc, vinh hoa ấy sẽ luôn là một nhân vật cộm cán trong giới buôn hàng trắng vừa bị bắt giữ.
Không thể dùng tiền, chúng chức tước để mua chuộc, những kẻ dấu mặt ấy nhắm đến người thân hay đe dọa tính mạng của chính những trinh sát tham gia phá án. Bởi vậy, trước mỗi lần xuất kích, bên cạnh việc đảm bảo cho sự thành công của mỗi chuyên án là nỗi canh cánh trong lòng sự an toàn của vợ con, của người thân. “Bởi vậy, lính ma túy hay có cái “tật” dấu vợ con. Có đi bộ 2 ngày trong rừng sâu, mệt, đói nhưng điện thoại về cho vợ vẫn bảo em yên tâm, bọn anh đi bộ có 1 tiếng thôi”, đại tá Nguyễn Trường Thi cười.
Tôi hỏi, lính ma túy, “ngán” nhất là gì? Đại tá Thi cười: “Lính ma túy chẳng ngán gì cả. Chỉ sợ nhất là không hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Bộ tư lệnh và nhân dân giao phó. Hiện tại, không chỉ thực hiện nhiệm vụ trên mặt trận phòng chống ma túy và chúng tôi còn tham gia đấu tranh, ngăn chặn nạn buôn bán người, đặc biệt là buôn bán phụ nữ, trẻ em, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại qua biên giới… Với bất cứ nhiệm vụ nào, dù khó khăn đến đâu, lính quân hàm xanh đều thực hiện với một quyết tâm cao nhất”.
Đối mặt với sinh tử, hiểm nguy, đối mặt với cảm dỗ, sự an nguy của bản thân và gia đình… nhưng những người lính quả cảm trên mặt trận phòng chống ma túy vẫn âm thầm lặng lẽ với nhiệm vụ của mình. Những chiến công của họ đã góp phần tạo ra thế trận vững chắc trên mặt trận phòng chống tội phạm ma túy, quản lý và bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia.
Hoàng Lam