1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Liên tục kiểm soát nguy cơ nhiễm phóng xạ tại Việt Nam

(Dân trí) - Cùng với việc liên tục theo dõi phóng xạ trong không khí, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân Việt Nam đã kiểm tra khả năng nhiễm phóng xạ của 3 người vừa trở về từ Nhật Bản. Tuy nhiên, kết quả cho thấy chưa có sự bất thường.

Chưa có mức tăng phóng bức xạ bất thường
 
Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ) vừa tiến hành đo khả năng nhiễm bẩn phóng xạ Cs-137 và I-131 cho công dân Việt Nam (1 người sống ở Tokyo, 1 người sống ở Yokohama và 1 lưu học sinh ở Sendai). Kết quả đo không phát hiện thấy đồng vị phóng xạ (I-131 và Cs-137) trong cơ thể của những người được kiểm tra.
 
Đến chiều 22/3, số liệu quan trắc từ trung tâm dữ liệu quốc gia của Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBTO) thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho thấy, đám mây phóng xạ đã phát tán đến 3 vùng là Đông Nam Á, Thái Bình Dương và Đại Tây Dương và chạm đến vùng đông-bắc quần đảo Phillipines.
 
Tuy nhiên báo cáo của CTBTO cũng khẳng định: “Trong bụi khí chỉ quan trắc thấy các đồng vị phóng xạ tự nhiên: Be-7 (có nguồn gốc từ tia vũ trụ); K-40, Th-232 và U-238 (có nguồn gốc từ bụi đất).
 
Các giá trị đo tại trạm quan trắc Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật an toàn bức xạ và ứng phó sự cố - Cục An toàn bức xạ và hạt nhân được lấy liên tục 24/7 và 10 phút 1 lần. Từ số liệu đo được và sai số của giá trị đo, cho kết quả đến ngày 22/3, chưa có mức tăng phóng bức xạ bất thường tại Việt Nam”.

 

Liên tục kiểm soát nguy cơ nhiễm phóng xạ tại Việt Nam - 1
Công dân Việt Nam từ Nhật Bản về nước đang được kiểm tra phóng xạ. (Ảnh: Cục ATBXHN)

 

Chuyên gia Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng nhận định, nước ta không bị ảnh hưởng của tro bụi và phóng xạ do sự cố nhà máy điện nguyên tử tại Nhật Bản.
 
Bởi từ tháng 3 - 5/2011, hoàn lưu gió chi phối khu vực bắc châu Á là các hệ thống gió thổi theo hường từ tây sang đông, do đó, khó có khả năng các khối khí chứa các chất bụi và các chất độc hại (trong đó có bụi phóng xạ) có thể di chuyển ngược lại về phía Tây và Tây Nam để ảnh hưởng đến khu vực Đông Nam Á và Việt Nam.
 
Cũng theo trung tâm, Việt Nam ta nằm ở xa về phía Tây Nam của Nhật Bản và nằm ở vĩ độ rất thấp so với vị trí của nhà máy điện hạt nhân Daiichi ở Fukushima (thuộc khu Đông Bắc Nhật Bản) nên bụi phóng xạ không thể lan đến.
 
Đã kiểm soát được tình hình tại máy Fukushima I
 
Tổ Công tác xử lý thông tin sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima I (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng thông báo chi tiết tình hình tại nhà máy máy Fukushima I.
 
Cụ thể, đến 2h chiều 22/3, áp suất bên trong lớp bảo vệ bê tông cốt thép của Tổ máy số 3 có tăng nhưng sau đó đã giảm xuống. Cùng đó, công việc phục hồi nguồn điện ngoài cho các tổ máy từ 1 đến 6 vẫn đang được tiếp tục.

 

Liên tục kiểm soát nguy cơ nhiễm phóng xạ tại Việt Nam - 2
Hình ảnh của đám mây phóng xạ từ chương trình tính toán vận chuyển khí tượng của CTBTO (Ảnh: Internet)

 

Quá trình lắp đặt cáp điện cho Tổ máy số 4 cũng đã hoàn thành. Chuyên gia cho biết, việc bơm nước biển vào vùng hoạt lò phản ứng của tổ máy số 1, 2 và 3 vẫn đang được tiến hành trong khi việc xả áp từ lớp bảo vệ bê tông cốt thép của các tổ máy này đang tiếp tục được tạm dừng. Nhưng đến thời điểm hiện tại các chuyên gia vẫn  chưa xác định được áp suất bên trong thùng áp suất của lò phản ứng Tổ máy số 3.
 
Về tình hình phóng xạ môi trường tại Nhật Bản, theo báo cáo từ Trung tâm Ứng phó Tình trạng khẩn cấp và sự cố của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), các chuyên gia kiểm xạ của IAEA đã mở rộng vùng kiểm xạ cách nhà máy Fukushima I từ 56 - 200 km.
 
Theo kết quả đo suất liều của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nhật Bản (MEXT) thực hiện tại 47 thành phố (chưa kể Fukushima) từ ngày 15 - 21/3 giá trị đo được không có thay đổi đáng kể, tức là vẫn thấp hơn nhiều so với mức có thể gây nguy hại cho sức khỏe con người.
 
Trước nguy cơ về phóng xạ trong thực phẩm, sữa và nước uống, theo yêu cầu của IAEA và FAO, Nhật Bản đã tiến hành kiểm xạ một số loại thực phẩm. Kết quả có mẫu rau chân vịt lấy từ tỉnh Ibaraki đo được nồng độ phóng xạ đã vượt mức giới hạn cho phép.
 
Trước tình hình này, Thủ tướng Nhật Bản đã chỉ đạo tỉnh trưởng 4 tỉnh Fukushima, Ibaraki, Tochigi và Gunma ra lệnh cấm có thời hạn việc lưu thông các loại rau này. Ngoài ra việc lưu thông sữa từ tỉnh Fukushima cũng bị cấm. Tuy nhiên giới chức Nhật Bản nhấn mạnh, đây chỉ là biện pháp ứng phó khẩn cấp và có thể các loại thực phẩm này không gây tác hại cho người sử dụng.
 
Cũng sáng 22/3, cơ quan chức năng tại Nhật Bản đã tiến hành khảo sát nước biển xung quanh nhà máy Fukushima I và đã phát hiện thấy các nhân phóng xạ I-131 và Cs-137 trong một số mẫu.
 
P. Thanh