1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Liên tiếp trẻ thiệt mạng vì hố công trình

(Dân trí) - TPHCM năm nào cũng có trẻ rớt hố công trình tử vong, các phương tiện truyền thông cũng hơn một lần cảnh báo, nhưng ý thức của nhiều đơn vị thi công chưa suy chuyển là bao khi chỉ hai tháng qua, thêm 5 trẻ nhỏ tử vong trong những vụ tai nạn kiểu này.

Ngày 7/6, tại khu phố 5, phường Tân Thuận Đông, quận 7, có 4 đứa trẻ gồm Lê Hoàng Thông, Lê Thị Duyên và 2 chị em Lê Thị Châu, Lê Ngọc Phương chết đuối dưới con rạch sau trời mưa.

 

Thực ra con rạch này vốn cạn, các năm trước lũ trẻ đều tắm ở đây. Nhưng sau đó được đào thêm để lắp đặt cống thoát nước nên có nhiều vị trí sâu đến 3-4 m. Đến cuối năm 2007 thì dự án ngưng giữa chừng nhưng không hề có biển báo hiệu nguy hiểm nào dẫn đến tai nạn thương tâm kể trên.

 

Gần đây nhất, ngày 13/7, cháu bé Phạm Nguyễn Nguyên Phát mới 4 tuổi đã bị rơi xuống hố ga bơm thoát nước chống ngập đường 65 (khu phố 5, phường Thảo Điền, quận 2) và tử vong. 

 

Ngày hôm đó, em Phát chơi cùng một số bạn trong nhà; đến trưa người nhà không thấy em đâu mới đổ đi tìm và phát hiện ra em chết dưới hố ga. Người ta tìm thấy xác em bên cạnh một quả bóng nhựa, có lẽ do em đuổi theo bóng nên rơi xuống hố ga.

 

Hố ga này vốn là điểm đặt máy bơm hút nước từ hệ thống cống ra kênh gần đó để chống ngập cho khu vực phường Thảo Điền. Đơn vị quản lý hố ga này là khu Quản lý giao thông đô thị số 2 và đơn vị thi công công trình là xí nghiệp Công trình công cộng (thuộc Công ty Quản lý và phát triển nhà quận 2). 

 

Do phải thường xuyên bơm xả nước ngập từ hố ga này nên đơn vị thi công chỉ để hai miếng rào chắn sơ sài và không đậy nắp hố ga nên đã xảy ra tai nạn trên. Sau khi sự việc xảy ra, ông Đoàn Công Thảo - Giám đốc Xí nghiệp công trình công cộng - nhìn nhận trách nhiệm thuộc về đơn vị mình và cam kết sẽ bồi thường cho gia đình nạn nhân. 

 

Điều đáng nói là các cơ quan truyền thông không chỉ một lần đề cập đến hiểm họa này nhưng nó vẫn xảy ra và xảy ra ngày càng nhiều, tỷ lệ thuận với số lượng hố công trình được đào xới trên mặt đường TPHCM. Điều đó thể hiện sự vô tâm và thiếu ý thức trách nhiệm của các đơn vị thi công.

 

Vấn đề đặt ra là cần có một chế tài xử lý thích đáng các hành vi này để các đơn vị thi công phải chú ý đến mức độ an toàn của các công trình mình đang thi công. Hiện nay, khi tai nạn xảy ra thì các bên tự thỏa thuận mức bồi thường, còn đơn vị thi công bị phạt vài triệu đồng vì lỗi thi công không đảm bảo an toàn. Mức phạt đó không đủ sức răn đe và cảnh tỉnh họ.

 

Vụ tai nạn gây ra cái chết của bé Phạm Nguyễn Nguyên Phát hiện đang được công an quận 2 thụ lý điều tra. Tuy nhiên, đây là vụ mà công luận lên tiếng ầm ĩ mới được điều tra; còn trước đó, nhiều vụ tương tự đơn vị thi công chỉ phải bồi thường và chịu phạt.

 

Về vấn đề này, ông Đặng Thế Trung, Chánh văn phòng Sở Giao thông Vận tải TPHCM, cho biết: “Sở GTVT đang bàn phương án đề xuất UBND TP xây dựng quy trình chuyển giao cơ quan điều tra, xử lý hình sự mọi vụ việc thi công không an toàn, gây tai nạn cho người dân. Có như vậy, các nhà thầu mới sợ và tuân thủ các yêu cầu đảm bảo an toàn khi thi công công trình công cộng”.

 

Đây cũng là một lời cảnh báo chung cho các đơn vị thi công, bởi hiện nay trên địa bàn TPHCM có hàng ngàn hố sâu công trình, cống không nắp đang thi công như thế.

 

Tùng Nguyên