1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Liên tiếp sự cố uy hiếp an toàn bay: Cục trưởng Hàng không nói gì?

(Dân trí) - “Quan điểm của Cục Hàng không Việt Nam là tất cả các sự cố, tai nạn đều là hệ quả xâu chuỗi và có liên quan tới hệ thống, do đó công tác điều tra an toàn đối với các sự cố trên phải tập trung nhiều vào công tác nhận dạng các vấn đề liên quan đến hệ thống hơn là lỗi cá nhân”.

Ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - nhấn mạnh như vậy trong cuộc trao đổi với PV Dân trí về vấn đề an toàn hàng không, đặc biệt là các sự cố xảy ra liên tiếp trong thời gian qua.

- Phóng viên: Trong 1 tháng hàng không Việt Nam đã xảy ra 2 sự cố an toàn nghiêm trọng, đó là động cơ máy bay của Vietjet nóng bất thường và máy bay Vietnam Airlines hạ cánh nhầm đường băng. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

- Cục trưởng Đinh Việt Thắng: Trong tháng 4 năm 2018 đã xảy ra 2 sự cố uy hiếp an toàn hàng không, trong đó 1 sự cố có nguyên nhân do nhiệt độ khí xả của 2 động cơ vượt ngưỡng cho phép và 1 sự cố hạ cánh nhầm vào đường cất hạ cánh đang trong giai đoạn thi công. Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) đánh giá đây là các sự cố nghiêm trọng uy hiếp an toàn bay.

Với nguyên tắc tất cả các sự cố đều phải được điều tra làm rõ nguyên nhân và đưa ra các giải pháp hữu hiệu để khắc phục và phòng ngừa, Cục HKVN đã lập tức thành lập các tổ điều tra đối với 2 sự cố nói trên và nhanh chóng có kết luận ban đầu về nguyên nhân của các sự cố, làm cơ sở cho việc ban hành các chỉ thị an toàn phù hợp.

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng

Mọi sự cố với các mức độ nghiêm trọng khác nhau nhưng đều là hệ quả xâu chuỗi của các vấn đề có liên quan đến kỹ thuật tàu bay, công tác quản lý khai thác và bảo dưỡng tàu bay, quản lý mệt mỏi, yếu tố con người, quá trình phối hợp thành viên tổ lái, quá trình ra quyết định, công tác huấn luyện và hệ thống quản lý an toàn của một tổ chức và các cá nhân trực tiếp liên quan đến sự cố.

Cục HKVN luôn nghiêm túc nhìn nhận các sự cố này là tín hiệu cảnh báo về nguy cơ uy hiếp an toàn hàng không và phải có hành động kịp thời để chấn chỉnh, rà soát hệ thống đảm bảo an toàn hàng không để ngăn ngừa sự tái diễn các sự cố tương tự cũng như các sự cố khác trong tương lai.

- Đối với hàng không, an toàn là số 1. Nhưng thời gian qua liên tiếp các sự cố xảy ra, phải chăng có “lỗ hổng” trong quản lý, giám sát hay việc xử lý trách nhiệm chưa đủ sức răn đe, thưa ông?

- An toàn hàng không luôn luôn là mục tiêu hàng đầu của Cục HKVN trong việc thực thi công tác quản lý nhà nước về hàng không dân dụng. Kết quả 21 năm liên tục duy trì hệ số an toàn cao, không xảy ra tai nạn tàu bay là một minh chứng cụ thể cho việc thực hiện mục tiêu đảm bảo an toàn của hàng không Việt Nam.

Việc áp dụng chế tài xử lý các vi phạm an toàn hàng không luôn luôn được thực hiện nghiêm minh để bảo đảm tính răn đe, đồng thời phù hợp với các chuẩn mực quốc tế nhằm thúc đẩy văn hóa an toàn trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

Sự cố máy bay Vietnam Airlines hạ cánh nhầm đường băng tại sân bay Cam Ranh ngày 29/4
Sự cố máy bay Vietnam Airlines hạ cánh nhầm đường băng tại sân bay Cam Ranh ngày 29/4

Những sự cố xảy ra trong thời gian vừa qua cũng cho thấy có những vấn đề mới phát sinh mà hệ thống đảm bảo an toàn hiện nay cần phải được rà soát để điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu thực tế, có thể coi là “lỗ hổng” phát sinh trong hệ thống.

Đơn cử như việc sơn kẻ dấu hiệu đối với các công trình đường cất hạ cánh đang trong quá trình xây dựng đối với người khai thác cảng hàng không sân bay hoặc quy định bổ sung đối với chương trình huấn luyện làm quen mạng đường bay của các hãng hàng không khi tuyển dụng người lái tàu bay mới, đặc biệt là người lái nước ngoài hoặc quy định sắp sếp người lái có kinh nghiệm với người lái tàu bay chưa có kinh nghiệm…

- Nhiều ý kiến cho rằng xảy ra những sự cố đáng tiếc nói trên do lỗi hệ thống trong đó yếu tố con người là chủ yếu. Điều này có đúng không thưa ông?

- Quan điểm của Cục HKVN là tất cả các sự cố, tai nạn đều là hệ quả xâu chuỗi và có liên quan tới hệ thống, do đó công tác điều tra an toàn đối với các sự cố trên phải tập trung nhiều vào công tác nhận dạng các vấn đề liên quan đến hệ thống hơn là lỗi cá nhân.

Thời gian qua, có một số các sự cố liên quan đến yếu tố con người, tuy nhiên lỗi con người hoàn toàn có thể ngăn ngừa thông qua hệ thống,như: Tăng cường giám sát việc tuân thủ quy trình, kiểm tra chéo giữa các thành viên tổ lái, nâng cao chất lượng đào tạo huấn luyện hoặc thiết lập hệ thống quản lý an toàn và đảm bảo chất lượng để sớm nhận dạng và đưa ra giải pháp phòng ngừa hiệu quả.

- Với vai trò là người đứng đầu ngành, ông sẽ có những biện pháp gì để siết chặt công tác đảm bảo an toàn hàng không thời gian tới?

- Với trách nhiệm của người đứng đầu của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không dân dụng và nhà chức trách hàng không với các sự cố xảy ra trong thời gian vừa qua, cá nhân tôi đã ngay lập tức chỉ đạo triển khai công tác giải quyết hiện trường và công tác điều tra nguyên nhân sự cố cũng như triển khai khẩn trương các giải pháp cấp bách để phòng ngừa sự tái diễn của các sự cố tương tự.

Sau khi có kết quả điều tra đầy đủ của các sự cố, đối với các vấn đề mang tính hệ thống cần phải được rà soát, chấn chỉnh bổ sung Cục HKVN sẽ chỉ đạo các cơ quan tham mưu nghiên cứu giải pháp, báo cáo Bộ GTVT để triển khai áp dụng một cách triệt để và đồng bộ.

Việc áp dụng các biện pháp chế tài cần thiết đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan trực tiếp đến các sự cố nêu trên sẽ được thực hiện nghiêm sau khi có kết quả điều tra đầy đủ để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

- Xin cảm ơn ông!

Châu Như Quỳnh