1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội:

Liên tiếp có học sinh chết đuối tại bãi sông Hồng

(Dân trí) - Hồi 9h45 sáng 8/5, bất chấp lời cảnh báo của những người xung quanh, một nhóm học sinh lớp 12 đã ra bãi đá Nhật Tân giữa lòng sông Hồng chơi đùa. Hậu quả là 2 em thiệt mạng, trong đó một nạn nhân vẫn chưa tìm thấy xác.

Chỉ riêng từ đầu tháng 3/2007 đến nay, đã có 5 trường hợp tai nạn chết đuối tại khúc sông oan nghiệt này. Trước đó, Dân trí đã có tin bài cảnh báo về hiểm hoạ sụt cát

 

Tai nạn thương tâm


Trong cái nắng oi bức ngột ngạt của tiết trời đầu hè, hàng trăm người đã đổ ra bãi đá Nhật Tân, thuộc địa phận phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội khi hay tin tại đây vừa xảy ra tai nạn thương tâm: Trong khi chơi đùa tại bãi đá ven sông, hai học sinh lớp 12A11 trường PTTH Lê Quý Đôn là Nguyễn Thế Sơn và Đào Tuấn Anh sẩy chân bị nước cuốn trôi. Những người tìm kiếm mới chỉ vớt được xác Tuấn Anh, cho tới 16h30 Nguyễn Thế Sơn vẫn đang được tìm kiếm.

 

Sụt cát sông Hồng, 2 thanh niên chết đuối

Thêm 2 học sinh chết đuối ở kè đá sông Hồng

Chị Trần Thị Linh - chủ quán nước ven sông - là người chứng kiến từ đầu đến cuối sự việc. Theo lời kể của chị, nhóm học sinh này gồm 15 học sinh gồm cả nam và nữ ra bãi sông chơi đùa. Khi có ý định tiến ra bãi đá thì vấp phải sự ngăn cản của những người bản địa quanh đấy. Tuy nhiên, bất chấp những lời can ngăn, 5 nam học sinh vẫn tiến ra bãi đá.

 

“Lúc đầu tôi chụp ảnh giúp nhóm học sinh này, sau đó các em tản ra và 5 em tách khỏi nhóm bạn, lội ra bãi đá. Bất ngờ trượt chân, 4 em ngã xuống dòng nước. Tôi quan sát thấy cả 4 đều không biết bơi. Tôi hô hoán và có mấy người lao ra cứu được 2 em”, chị Linh kể với nét mặt chưa hết bàng hoàng.

 

Liên tiếp có học sinh chết đuối tại bãi sông Hồng - 1
 Mới chỉ tìm thấy 1 xác nạn nhân.

 

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, PV Dân trí có mặt tại bãi sông thuộc địa phận phường Nhật Tân. Nhiều phụ huynh trường Lê Quý Đôn có con em đi học (chơi) trong sáng nay, khi hay tin đều lao ra bãi sông trong tâm trạng hoang mang lo lắng. Đám học sinh ngồi buồn bã, ủ rũ sát mép nước, ngóng trông những chiếc thuyền vạn chài đang được thuê vớt xác. Tiếc thương bạn, nhiều học sinh khóc nấc lên thành tiếng. Những tiếng khóc ai oán giữa bãi sông vắng lặng càng làm không khí thêm đau buồn. Được biết, mấy học sinh “chết hụt” đã ra về trước đó ít phút, vì quá hoảng loạn.

 

Ông Nguyễn Văn Bình, một phụ huynh có con chơi thân với nạn nhân Nguyễn Thế Sơn, cũng có mặt ở bãi sông với tâm trạng rất buồn: “Không hiểu tại sao các cháu học ở  Trung Tự mà cũng biết đường tìm lên tận đây chơi. Bãi sông quá nguy hiểm thế này nhưng tôi không thấy có lực lượng nào chốt chặn”.

 

Hiệu trưởng trường PTTH Lê Quý Đôn, ông Hoàng Cơ Chính rất buồn trước sự việc trên. Trao đổi với Dân trí, ông Chính cho hay, ngay sau khi xảy ra sự việc, nhà trường đã cử người túc trực tại địa điểm tai nạn, tham gia công tác tìm kiếm nạn nhân Nguyễn Thế Sơn. Trường Lê Quý Đôn chưa bao giờ xảy ra những chuyện đáng tiếc như thế này.

 

Liên tiếp có học sinh chết đuối tại bãi sông Hồng - 2
 Nhiều người nhẫn nại chờ tin từ những chiếc thuyền tìm kiếm.

 

Liệu có thành bài học?

 

Thực tế, từ nhiều tháng nay khu vực bãi cát (đá) này là nơi tụ tập của hàng trăm thanh niên nam nữ mỗi ngày. Theo thống kê của UBND phường Nhật Tân, những ngày cuối tuần, số xe máy xuất hiện ở khu vực này lên tới 300 chiếc.

 

Tính từ đầu tháng 3/2007 đến thời điểm này, đã có 5 trường hợp tai nạn chết đuối tại khúc sông oan nghiệt trên. Mới đây, ngày 22/4 cũng xảy ra hai cái chết thương tâm. Nạn nhân là một học sinh và một sinh viên, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội.

 

Nguyễn Thị Kim Dung - Phó Chủ tịch UBND phường Nhật Tân - cho biết: Khu vực bãi sông này không có giá trị gì về mặt văn hoá. Phường đã trình UBND quận Tây Hồ xin cấp kinh phí để dựng biển cảnh báo nguy hiểm tại địa điểm mỏm đá.

 

Liên tiếp có học sinh chết đuối tại bãi sông Hồng - 3
 Cầu qua hào ra bãi sông do dân tự ý bắc.

 

Để ngăn chặn tình trạng tụ tập ở đây, UBND đã giao công an phường, dân phòng giải tán đám đông, xử lý cưỡng chế lều quán, cót quây trông xe, đặc biệt là đào hào ngăn không cho xe máy ra bãi. Tuy nhiên, những biện pháp ngăn chặn ấy chỉ phát huy được hiệu quả trong một thời gian nhất định.

 

Chỉ mấy hôm trước bãi sông vẫn còn rộng mênh mông. Tuy nhiên khi nước lên thì không thể biết chỗ nào sâu, chỗ nào nông, cực kỳ nguy hiểm. Theo người dân bản xứ, khúc sông là nơi nước xoáy, rất nguy hiểm, vốn là nơi nắn dòng của sông Hồng. Ngay cả người biết bơi cũng không dám bén mảng tới đây vì nước rất xiết.


Trước thực trạng này, quận Tây Hồ cần lập tức có những biện pháp cần thiết để ngăn chặn người dân trong thành phố tụ tập tại khu vực nguy hiểm này, nhất là khi mùa hè đang mới chỉ bắt đầu. 

Bảo Trung