Thừa Thiên - Huế:
Leo núi, uống nước “Cam Lồ” ở tượng Phật Bà
(Dân trí) - Từ sáng mồng 1 tết, khu Văn hóa du lịch tâm linh Quán thế âm (núi Tứ Tượng, Thị xã Hương Thủy) đông nghịt khách đi bộ từ chân lên đỉnh núi và cầu nguyện mọi điều may mắn "vào" chai nước suối mang theo thường gọi là nước “Cam Lồ” của Phật.
Một Phật tử cầu nguyện dưới chân tượng Phật bà Quán Thế âm với chai nước suối
Anh Lê Văn Ba, một du khách từ TP HCM vào Huế chơi đi cùng đoàn khách du lịch lên thắp hương ở tượng Phật bà cho biết, thấy người dân lên đây đều cầu nguyện vào chai nước đặt dưới chân tượng, sau đó uống nên anh cũng làm theo.
Ngoài uống nước cầu may, nhiều người còn sờ tay vào các hòn non bộ có dựng hình phật hay tượng Chử Đồng Tử và lầm rầm cầu nguyện. Theo đa số ý kiến của dân ở dưới núi Tứ Tượng, không biết từ đâu mà đã lâu lắm, muốn "cầu gì được nấy" ở tượng Phật bà, mỗi người phải tự đi bộ từ chân lên đỉnh và uống một chai nước suối sau khi đặt ở xung quanh khu vực có tượng Phật.
Nhiều chai nước "Cam Lồ" với hương khói nghi ngút
Một thầy tu trong chùa Quán Thế Âm ở đây giải thích với chúng tôi rằng ý nghĩa của cầu nguyện là chính ở tấm lòng và cách thể hiện của mỗi người. Có những niềm tin như uống nước cầu may, sờ tay vào tượng phật… nếu không quá đà có thể chấp nhận được, miễn sao là đừng quá mê tín dị đoan.
Một số hình ảnh của cảnh cầu nguyện vào chai nước Cam Lồ tại khu du lịch văn hóa Quán Thế Âm - Huế:
Hàng ngàn người lên cầu may
Leo bộ từ chân núi lên đỉnh núi, cách một quãng lại thắp hương cầu nguyện
Cắm hương vào chai nước suối
Bắt đầu cầu nguyện
Những chai nước nào đặt ở lư đá to gần tượng Phật sẽ "linh ứng" hơn!
Chen lấn nhau để lạy cùng chai nước suối dưới tượng Phật bà Quán Thế Âm
Ngoài ra, còn lạy ở tượng Chử Đồng Tử
Sờ vào hòn non bộ có tượng Phật và lấy nước nhân tạo từ đá chảy xuống
Một khách Tây chuẩn bị thắp hương hơi ngạc nhiên vì cách cầu nguyện kèm uống nước của những người mộ đạo
Không thiếu những cảnh bán chim phóng sinh, ăn mày ở tượng Phật bà
Đại Dương