1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Bình:

Lên núi... xem phim

(Dân trí) - Hôm nay nghe tin trên núi có... chiếu phim, bà con thôn bản háo hức bỏ công bỏ việc, mất hàng giờ cắt đường rừng đi xem.

Sau nhiều cuộc hẹn, một ngày giữa tháng 7, chúng tôi có dịp theo chân Đội chiếu phim lưu động huyện Minh Hóa thuộc Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng của tỉnh Quảng Bình lên đỉnh Trường Sơn để mang văn hóa đến với người dân các bản làng ở miền Tây tỉnh này. Công việc lặng thầm ấy tuy khó khăn, vất vả nhưng đầy niềm vui với những người “chiến sỹ” trên mặt trận văn hóa.

Gian nan đường lên Ka Oóc

6 giờ sáng, chiếc xe ô tô bán tải chất đầy máy nổ, xăng dầu, đòn khiêng và dây thừng để chuẩn bị cuộc hành trình mang văn hóa lên với các bản làng trên đỉnh Trường Sơn. “Sở dĩ, đoàn mang thêm nhiều đồ đạc cồng kềnh là vì chuyến này lên chiếu trên bản Ka Oóc và các bản vùng Lòm, xã Trọng Hóa. Trên đó không có điện nên phải chạy máy nổ mới phục vụ được cho bà con. Nhiều bản làng vẫn chưa có đường về nên phải dùng đòn khiêng máy nổ và các dụng cụ khác”, Trưởng đoàn Đinh Minh Hiệu kể sơ qua về hành trình gian khó.

Đội chiếu phim lưu động huyện Minh Hóa được thành lập năm 1957. Trước đây, nhiều nơi trong huyện chưa có đường giao thông về trung tâm xã, bản làng nên phải khiêng vác máy rất vất vả. Khổ cực nhất là những chuyến khiêng máy lên vùng Lòm, xã Trọng Hóa. Vì thế mỗi chuyến đi, đoàn sẽ phải mang theo máy móc cồng kềnh, kèm với đó là một lượng lương thực không nhỏ. Theo anh Hiệu, mỗi cuộc hành trình có khi phải mất cả ngày đường mới đến nơi. Mỗi chuyến đi có thể phải kéo dài cả vài tháng trời.

Sau khoảng 2 giờ vượt đường rừng hiểm trở, đoàn chúng tôi đã đến bản Ra Mai thuộc xã miền biên Trọng Hóa. Đoàn vừa đặt chân tới Ra Mai nhưng đã chứng kiến hàng chục người dân đứng chờ đoàn và sẵn sàng khiêng máy. Từ bản Ra Mai qua bản Ka Oóc chỉ cách nhau con nước khe Dọi và một ngọn núi nhưng phải mất hàng giờ đồng hồ trèo đèo, lội suối mới tới.

Niềm vui của bà con thôn bản khi có phim chiếu bóng về làng

Niềm vui của bà con thôn bản khi có phim chiếu bóng về làng

Trưởng bản Hồ Ka gọi những trai bản khỏe mạnh buộc toàn bộ máy móc sẵn sàng lên đường. Lúc này, mặt trời đã ngả về phía Tây nhưng cái nắng biên cương vẫn như thiêu như đốt. Không ai bảo ai phải làm gì nhưng dân bản cứ thay nhau người gùi, người khiêng, vác dụng cụ lên bản. Từ vị trí xuất phát, chúng tôi phải đổ xuống con dốc vòng quanh ngọn núi chừng 500 mét mới tới khe nước Dọi. Vừa tới bờ khe trời bất chợt đổ mưa. Cơn mưa rừng xối xả kéo theo dòng nước đục ngầu từ nước bạn Lào đổ về. Dòng nước hiền hòa ngày nào bỗng nhiên nổi lên cuồn cuộn.

Để vượt qua dòng nước lớn, trưởng bản Hồ Ka cho trai bản khiêng máy móc qua trước. Mưa càng ngày càng nặng hạt nên cả đoàn phải lột hết áo mưa để che chắn cho máy móc khỏi bị ướt. Con nước khe lên nhanh, có nơi sâu ngang ngực người, nhưng với quyết tâm mang ánh sáng văn hóa cho đồng bào, cả đoàn đồng hành cùng vật lộn với dòng “thủy thần” gần cả giờ đồng hồ mới qua được con khe nước dữ.

Đến với bản làng lúc đã cuối ngày, chúng tôi được bà con chào đón như người lính trận đi xa trở về. Trên các nhà sàn, những cụ già và em nhỏ đều niềm nở bước ra cửa chào đón khách. Máy thanh niên đi rẫy về muộn cũng chạy đến thay nhau khiêng máy trong sự hân hoan khó tả.

Bản làng vui như ngày hội

Trời chập tối, hàng trăm người dân đã tập trung đến rạp chiếu phim. Đúng 7 giờ, tiếng máy nổ vang lên, chiếc bóng điện được bật sáng rực cả một góc bản. Anh Đinh Thanh Bình, tuyên truyền viên của Đội cầm chiếc micro thông báo: “Kính thưa toàn thể bà con dân bản! Tối hôm nay, Đội chiếu bóng lưu động huyện Minh Hóa sẽ chiếu phục vụ bà con bộ phim "Biệt động Sài Gòn", “Mùa cỏ cháy”, “Phi vụ cuối cùng” và một số phim tài liệu, phim tuyên truyền khác...”.

Người dân các bản làng nằm ở phía Tây tỉnh Quảng Bình vẫn rất mê xem phim chiếu bóng

Người dân các bản làng nằm ở phía Tây tỉnh Quảng Bình vẫn rất mê xem phim chiếu bóng

Đúng 8 giờ, bộ phim “Biệt động Sài Gòn” bắt đầu trình chiếu. Hàng trăm khán giả ngồi lặng im như nín thở, họ hướng mắt về phía màn ảnh rộng. Với người dân Ka Oóc, được xem phim là một món quà lớn mà Đội chiếu bóng đã mang đến, bởi mỗi năm một lần, một lần không quá hai đêm họ được xem phim. Và hàng trăm người dân của bản nghèo này xem dịp chiếu phim như một ngày hội thực sự của bản làng. Thậm chí họ cảm thấy vui hơn Tết, hay là lễ hội buộc chỉ tay truyền thống của người Khùa, người Mày ở đây. Hồ Ka phấn khởi: “Cán bộ thấy bản miềng (mình) vui không? Cả năm mới thấy ánh điện, mới được xem phim. Chiều hôm nay, ai cũng đi làm rẫy về sớm, cơm nước xong là cả bản tập trung lại đây rồi”.

“Bản Ka Oóc có 40 hộ dân với hơn 150 nhân khẩu. Đồng bào ở đây chủ yếu là người Mày và người Khùa thuộc dân tộc Bru - Vân Kiều. Đây là bản nghèo và khó khăn nhất huyện miền núi Minh Hóa. Đến bây giờ, người dân nới đây vẫn chưa có đường, điện, văn hóa thông tin và nhiều thứ khác. Vì vậy, năm nào Đội chiếu phim lưu động cũng mang phim lên chiếu phục vụ cho bà con”, Hồ Ka, Trưởng bản Ka Oóc cho hay.

Khi bộ phim “Biệt động Sài Gòn” kết thúc, mọi người đều trần trồ khen ngơi, nhiều người xem không ngớt lời bình phẩm. Hơn 9 giờ đêm, bản làng vẫn vui như trẩy hội. Nét mặt ai cũng phấn khởi, hứng thú. Không chờ bà con chờ lâu, anh Hiệu lại chiếu tiếp bộ phim “Mùi cỏ cháy”. Bộ phim nói về bốn chàng sinh viên tài hoa viết đơn tình nguyện vào chiến trường miền Nam theo lệnh tổng động viên năm 1971, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh... Xem xong bộ phim, trưởng bản Hồ Ka, xúc động: “Phim đã làm cho miềng nhớ lại thời trai trẻ. Ngày xưa, miềng cũng để lại bản làng để tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đó”. Em Hồ Thị Cúc, một học sinh bộc bạch: “Nhờ xem phim mà em yêu hơn môn học Lịch sử, hiểu được quá trình đấu tranh giữ nước của cha anh đi trước cho chúng em được sống bình yên ngày hôm nay”.

Dù đã khuya nhưng bà con vẫn không chịu về mà vẫn muốn được xem tiếp

Dù đã khuya nhưng bà con vẫn không chịu về mà vẫn muốn được xem tiếp

Gần 11 giờ khuya, đến giờ đi nghỉ, đoàn thông báo tạm dừng nhưng nhiều bà con cứ ở lại năn nỉ đòi xem tiếp. Chiều lòng bà con, đoàn chiếu thêm bộ phim truyện nhựa “Phi vụ cuối cùng” đến gần 12 giờ mọi người mới chịu về. Khi đồng hồ đã chuyển qua ngày mới, bản làng dường như đã chìm trong giấc ngủ tĩnh mịch giữa núi rừng  những "chiến sỹ" mặt trận văn hóa vẫn vui cười với công việc hậu trường. "Dù mệt nhưng thấy bà con vui nên anh em trong đoàn dường như quên đi nỗi mệt nhọc", anh Hiệu, chia sẻ.

Sáng hôm sau, trưởng bản Hồ Ka dậy thật sớm để làm món cơm Pồi chấm mật ong chiêu đãi khách. Món cơm Pồi dẻo, thơm, cùng vị ngọt của mật ong rừng, ăn rất ngon, nhớ mãi. Chia tay đồng bào, đoàn chúng tôi khiêng máy rời bản để đến một nơi khác, để lại phía sau những ánh mắt đầy tiếc nuối và những cái vẫy tay lưu luyến: “Lần sau cán bộ lại “cõng” phim lên cho bà con miềng xem nữa nghe!”.

Đặng Lê - Đinh Vương