“Lên máu” vì giá thuốc
“Viên thuốc bé xíu mà không quản nổi. Người dân tù mù nên mất tiền oan. Thị trường mạnh ai nấy làm khiến giá thuốc cứ đẩy lên...”. Những vấn đề này được mổ xẻ tại Hội thảo Đại biểu dân cử với chính sách, pháp luật y tế tại TPHCM mới đây.
Người dân đang tìm hiểu giá thuốc tại một trung tâm giới thiệu thuốc ở TPHCM
Nhiều tồn tại trong quản lý
Theo ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), sau khi có Luật Dược (năm 2005) và các bộ ngành triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, từ năm 2006 đến nay, giá thuốc cơ bản được duy trì tương đối ổn định, chỉ số giá nhóm hàng dược phẩm y tế trong các năm qua đều thấp hơn so với chỉ số CPI.
Tuy nhiên, ông Cường cho biết vẫn còn hàng loạt tồn tại trong quản lý giá thuốc. Cụ thể: Việc công bố giá thuốc tối đa sẽ làm giá thuốc tăng, xáo trộn thị trường; việc quy định nguyên tắc để xác định các nước trong khu vực có điều kiện y tế, thương mại tương tự VN là không khả thi; lực lượng thanh tra dược quá mỏng; thị trường dược phẩm phụ thuộc vào giá thế giới; chưa có quy định riêng về đấu thầu thuốc; hoạt động khuyến mãi thuốc gây bức xúc trong dư luận; chế tài xử lý quản lý giá thuốc chưa mạnh; bác sĩ chưa tuân thủ quy chế kê toa hiện hành gây thiệt hại người bệnh...
Ông Lê Văn Truyền, chuyên viên cao cấp dược học, cho biết hiện nay, trong hơn 20.000 mặt hàng thuốc lưu hành tại VN thì 50% là thuốc nước ngoài. Trong đó, có hơn 1.000 loại thuốc độc quyền mà VN có khả năng sản xuất nhưng không thể thực hiện vì vướng quy định. “Nói thật, cả Bộ Y tế cũng không quản được giá thuốc thì làm sao hơn chục cán bộ ở Cục Quản lý dược làm được điều này” - ông Truyền nói.
Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng phải làm rõ những góc khuất trong việc quản lý giá thuốc. “Không thể chấp nhận việc người dân cứ đánh đổi xương máu của mình theo giá thuốc” - bà Mai nêu quan điểm.
Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết từ tháng 3 đến tháng 7/2010, sở đã đồng ý kê khai lại giá cho 260 mặt hàng thuốc của 13 công ty với tỉ lệ tăng trung bình là 9,7%. Bà Lan cũng thừa nhận việc quản lý giá thuốc tại TPHCM còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại như: tình trạng kê khai giá đón đầu; mua bán thuốc lòng vòng, qua nhiều tầng nấc trung gian, không hóa đơn chứng từ; biện pháp chế tài chưa đủ mạnh để xử lý vi phạm...
Bà Lan kiến nghị đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và có quy định chế tài đủ mạnh đối với các trường hợp bác sĩ vừa khám bệnh vừa bán thuốc; các hình thức liên kết không hợp pháp giữa phòng khám tư nhân và các nhà thuốc, trình dược viên; tăng cường giám sát, kiểm tra việc kê đơn thuốc tại bệnh viện và phòng mạch tư; có chính sách tuyên truyền vận động bác sĩ và người bệnh ưu tiên dùng thuốc sản xuất trong nước; khuyến khích tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước từ cơ chế thuế, ưu đãi đầu tư, hoạt động quảng cáo tiếp thị, kiểm soát chất lượng, định hướng sản phẩm...
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phương, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại VN, hiện nay người dân VN bỏ tiền cho y tế là rất cao so với các nước. “Thuốc cứu người nhưng cũng sẽ làm giàu cho người khác” - bà Phương nói.
Giá thuốc là diễn đàn nóng của Quốc hội
Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, thay mặt đoàn ghi nhận những ý kiến của đại biểu và sẽ trình Quốc hội xem xét để có hướng giải quyết. Ông Tiên cho biết giá thuốc hiện là diễn đàn nóng của Quốc hội. Bộ Y tế đã có giải trình về tình trạng giá thuốc tăng nhưng việc mổ xẻ chưa đến nơi đến chốn. “Dân nói tăng, dư luận nói tăng nhưng cơ quan quản lý lại bảo không tăng. Vậy quản lý cái gì?” - ông Tiên đặt vấn đề. |
Theo Nguyễn Thạnh
Người lao động