1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Quảng Nam:

Lên kịch bản ứng phó tình huống vỡ đập Sông Tranh 2

(Dân trí) - Ngày 6/3, UBND tỉnh Quảng Nam cùng lãnh đạo Công ty thủy điện Sông Tranh và Công ty CP tư vấn xây dựng điện 1 xây dựng kịch bản và các phương án điển hình để giảm nhẹ thiên tai vùng hạ du công trình thủy điện Sông Tranh.

Các vấn đề đặt ra là hồ chứa nước thủy điện Sông Tranh 2 có phải là “quả bom nước” khổng lồ hay không, nếu đập thủy điện Sông Tranh 2 bị sự cố trong mùa mưa bão thì có nhấn chìm tỉnh Quảng Nam trong biển nước hay không và giải quyết vấn đề này như thế nào? Đây là vấn đề mà lãnh đạo cũng như nhân dân tỉnh Quảng Nam rất quan tâm.

Tại cuộc họp, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu 2 công ty trên lựa chọn một số kịch bản điển hình để xây dựng phương án giảm nhẹ thiên tai vùng hạ du công trình thủy điện Sông Tranh trong thời gian đến.

Lên kịch bản ứng phó tình huống vỡ đập Sông Tranh 2
Theo các chuyên gia, đập thủy điện Sông Tranh 2 khó có khả năng vỡ do được thi công theo phương pháp bê tông đầm lăn

Hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 sau khi gặp sự cố rò rỉ nước ở thân đập đã tạm thời khắc phục, sau đó lại xảy ra động đất thường xuyên ở khu vực xung quanh đập, nên việc đảm bảo an toàn cho hồ chứa luôn là vấn đề đặt lên hàng đầu, nhằm bảo vệ tài sản cũng như tính mạng của người dân vùng hạ du.

Do tình hình biến đổi khí hậu trong những năm gần đây, cộng với lũ lớn thường xuyên xảy ra nên việc nghiên cứu hệ thống hồ chứa trên sông Tranh trong điều kiện bất lợi về mưa lũ là hết sức cần thiết nhằm phòng ngừa và đề xuất những biện pháp diễn tập ứng phó nếu sự cố xảy ra. 

Công ty thủy điện Sông Tranh đã đưa ra 10 kịch bản cho trường hợp có thể xảy ra vỡ đập, 6 kịch bản tính toán với dòng chảy tự nhiên khi không có hồ Sông Tranh 2, tương ứng với các mức đỉnh lũ qua các năm; xem xét ảnh hưởng của yếu tố thời gian vỡ đập và đã tính toán 20 kịch bản thời gian vỡ đập tương ứng với các tình huống. Ngoài ra còn xây dựng 6 kịch bản tính toán với dòng chảy tự nhiên khi không có hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2.

Diễn tập ứng phó động đất tại thủy điện Sông Tranh 2 vào tháng 8/2013
Diễn tập ứng phó động đất tại thủy điện Sông Tranh 2 vào tháng 8/2013

Với các kịch bản, phương án đã tính toán, các chuyên gia trong và ngoài nước đã chọn phương án 7 là vỡ đập đất. Đây là kịch bản có tiềm năng dễ xảy ra hơn so với các kịch bản khác đã tính toán, do đập đất có nguy cơ vỡ cao hơn so với đập bê tông đầm lăn trong các trường hợp xảy ra các trận lũ đặc biệt lớn.

Để xây dựng kịch bản ứng phó khi có sự cố, từ tháng 7/2012, Công ty thủy điện Sông Tranh đã phối hợp với Công ty CP tư vấn xây dựng điện 1 tiến hành thu thập số liệu thủy văn, khảo sát địa hình để triển khai thực hiện tính toán xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du ứng với các tình huống vỡ đập thủy điện Sông Tranh 2. 

Đây là cơ sở để tính toán xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du trong trường hợp xả lũ khẩn cấp và các tình huống vỡ đập đạt kết quả cao nhất, Công ty CP tư vấn xây dựng điện 1 đã thuê hai chuyên gia nước ngoài chuyên ngành về vấn đề này để cùng tính toán với các chuyên gia Việt Nam. 

Với các tài liệu đã thu thập được và sử dụng các phần mềm tính toán tiên tiến của các nước phát triển cũng như các ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong nước, đến nay Công ty CP tư vấn xây dựng điện 1 đã xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du với các tình huống vỡ đập, báo cáo tính toán xả lũ và bản đồ ngập lụt hạ du theo sáu tầng suất để trình cơ quan chức năng.

Sau khi nghe ý kiến của các cơ quan chuyên môn và Công ty thủy điện Sông Tranh 2, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam yêu cầu bổ sung phương án xả lũ khẩn cấp; cập nhật thêm thông tin cho lưới bản đồ ngập lụt để có phương án phù hợp và tính toán hệ thống cảnh báo.


Vấn đề dư luận quan tâm nhất là thủy điện Sông Tranh 2 có phải là “quả bom nước” và khả năng xảy ra lũ kép hay không khi xảy ra sự cố vỡ đập? Theo các chuyên gia thì điều này khó xảy ra vì trong khoảng thời gian từ 5-6h thì nước từ thủy điện Sông Tranh 2 mới đến hạ du. 

Công Bính

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm