1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Lên chùa là đụng… “cái bang”

(Dân trí) - Tháng Giêng là tháng cầu lộc, cầu tài. Các ngôi chùa lớn nhỏ ở TPHCM luôn trong tình trạng kẹt cứng người đi lễ. Đây cũng là mùa làm ăn của dân “cái bang”.

Lên chùa là đụng… “cái bang” - 1

Hành khất ngồi “xếp hàng” ở lối ra vào chùa Việt Nam Quốc Tự tối 28/2.

Từ những ngày đầu năm, các ngôi chùa ở TPHCM “căng” hết công suất đón người dân đổ đến cầu lộc, cầu tài. “Ăn theo” mùa lễ, đội ngũ “cái bang” cũng ào ào “ra quân” với đủ mánh khóe nhằm “móc túi” khách đi chùa.

Vào bất kỳ ngôi chùa nào thời điểm này cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh đội quân ăn xin ngồi la liệt từ ngoài vào trong. Từ già đến trẻ, độ tuổi nào cũng có, với đủ trạng thái, cách thức chèo kéo khách vào chùa. Đội ngũ này tập trung nhiều nhất ở lối ra vào, cứ thấy người là chìa mũ, ngả nón xin tiền. Thậm chí có người còn đưa tay giữ người qua lại cho đến khi được “làm phước” mới chịu buông.
 
Chiều ngày 28/2, tức 15 tháng Giêng âm lịch, có mặt tại một số chùa trên địa bàn TPHCM như chùa chùa Phổ Quang (Tân Bình), chùa Vĩnh Nghiêm (Q.3), Vĩnh Phước (Q.12)… PV Dân trí phải “rùng mình” trước sự hoạt động nhộn nhịp và liều lĩnh của đội quân hành khất. 

Người lớn tuổi thì tận dụng “sức già” bằng cách đứng, ngồi đến cả… nằm ngang lối đi để thu hút và “lấy lòng” phật tử đến chùa. Trẻ con cứ thấy khách đi ra hay đi vào là “bấu” tận tay, giật áo xin tiền cho bằng được thì thôi. Khi bị từ chối cho tiền, cá biệt có người còn buông luôn lời “trù ẻo”. 

Lên chùa là đụng… “cái bang” - 2
 
Đứng ngay lối ra chùa Vĩnh Phước để “kéo” khách đi chùa, nếu ai từ chối, cậu bé này sẽ đọc bài… “trù ẻo”

Tại lối ra của chùa Vĩnh Phước, PV tận mắt chứng kiến cảnh một bé trai chừng mười tuổi kéo tay một người phụ nữ chở con đi từ bãi gửi xe ra. Bị kéo bật ngờ, người phụ nữ loạng choạng sắp ngã. Dù người phụ nữ lắc đầu đến lần thứ 3, cậu bé hành khất vẫn không chịu buông tay mà còn nói như đọc thuộc lòng: “Đi chùa mà không bố thí cho hành khất thì… cả năm đen đủi, rước họa vào nhà”, làm những người có mặt ở đó đều phải ngỡ ngàng.

Luống cuống một lúc, người phụ nữ đành rút tờ 5.000 đồng đưa cho cậu bé để được “thoát thân”, trên mặt vẫn chưa hết vẻ hoảng hốt. Chị bức bối: “Tôi nghe kêu gọi là đừng cho hành khất tiền để hạn chế nạn ăn xin nhưng… kiểu này khó mà không cho”. Cầm được tiền, cậu bé hành khất cười khì, nhét tiền vào chiếc túi đeo trước ngực rồi chạy trở về vị trí đứng đợi khách.

Nhưng “hãi” nhất có lẽ không đâu bằng chùa Việt Nam Quốc Tự nằm trên đường 3/2 (Q.10). Lối ra vào đông nghẹt nhưng khách đi lễ vẫn khó mà bỏ qua hàng chục người già trẻ ngồi giữa nền đất để chờ bố thí. Bên trong sân chùa, không góc nào là không có cảnh hành khất nằm la liệt làm người đến chùa không khỏi “ngạt thở”. Đặc biệt, hình ảnh những người tàn tật bò lê bò lết, thậm chí nằm bất động khiến các phật tử phần xót xa, phần ghê rợn.

“Chùa này rất thiêng nhưng buồn nhất là dịp đầu năm đến đây là bị “hành khất” bao vây. Mình cho xuể sao nổi mà không cho thì lại áy náy. Nhưng nhìn những người tàn tật, hay những em nhỏ bị người ta thả giữa đất để xin tiền là bức xúc nhất”, chị Nguyễn Minh Thảo, ngụ ở P1, Q.6 bức bối.

 Chị Thảo vừa nói đến đó, một cậu bé từ ngoài lao tới kéo áo thảm thiết xin cho làm phước. Chị Thảo nhất quyết không cho rồi lắc đầu buồn bã: “Đầu năm đi chùa cầu lộc, cầu phước nhưng cứ lên chùa là… đụng phải ăn mày ăn xin, hỏi sao không bức bối, khó chịu cho được”.

 
Bài và ảnh: Hoài Nam