1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Rằm tháng 10:

Lên chùa cầu bình an

(Dân trí) - Với người dân phương Nam, “rằm tháng Mười” - Tết Hạ nguyên - là ngày cầu bình an cho gia đạo trong năm tới. Chính vì thế, từ sáng sớm, hàng ngàn người đổ về các tự viện tụng kinh cầu an.

Lên chùa cầu bình an - 1
Người người đến chùa cầu bình an cho gia đạo

Ngay từ sáng sớm 20/11 (rằm tháng 10), hàng ngàn người đã đổ về các ngôi chùa lớn nhỏ trong TP.  Ai cũng cầu mong gia đình mình được bình an trong năm tới. May mắn rằm năm nay rơi vào ngày cuối tuần nên các Phật tử có thể tề tựu về chùa từ sáng sớm.
 
Tại chùa Như Lai (quận Gò Vấp), từ người già đến người trẻ đều nhất nhất hướng về chư Phật cầu nguyện và dâng hương. Những cụ già thành kính vừa lạy Phật vừa lẩm bẩm khấn vái bốn phương. Khói hương nghi ngút làm cho không gian trở nên hư ảo, tất cả hòa quyện làm tăng thêm sự linh thiêng, huyền bí nơi cửa Phật.
 
Chị Kim Anh (quận 1) đến lễ tại chùa Như Lai tâm sự, ngày này ngoài việc cầu an cho gia đạo, cầu siêu cho người thân đã khuất còn là dịp để mỗi người nhớ ơn, kết nối truyền thống gia đình trong ý nghĩa “Ân giáo dưỡng một đời nên huệ mạng/Nghĩa sinh thành muôn kiếp khó đáp đền”. Chính vì thế, dù rất bận nhưng tôi vẫn thu xếp đến thắp hương.
 
Với sự mong muốn bình yên nên số lượng người đi chùa rất lớn. Những tuyến đường ở gần các chùa luôn đông đúc. Cảnh chen lấn, hương bay nghi ngút là điều dễ nhận thấy. Thắp hương lễ Phật xong, nhiều gia đình còn ghé thăm người thân đã khuất được tro cốt gửi tại chùa.
Lên chùa cầu bình an - 2
Đến thăm di cốt người thân được gửi tại chùa
 
Theo đại đức Thích Phước Đạt, cha mẹ chính là người thầy dạy con cái phải biết làm việc thiện lành, từ bỏ điều quấy ác. Chính vì thế, vào ngày này tại các tự viện, mọi người cùng nhau về đây để khấn nguyện, mong sao chư Phật, thánh thần và tổ tiên ông bà phù hộ để cuộc sống gia đình yên ổn.
Với ý nghĩa thiêng liêng đó, lễ hội rằm tháng Mười hàng năm là dịp cha mẹ ông bà hướng dẫn và dạy bảo con cháu sống theo tinh thần hướng về cội nguồn, biết thoát ra những cám dỗ xấu của cuộc sống. 
 
Sau khi tụng kinh, Ban đại diện tại các chùa còn tổ chức mời cơm chay cho những người đến dự lễ. Đây là dịp để mọi người ngồi lại với nhau, chia sẻ những khó khăn và cùng cầu chúc mọi điều an lành.
 
Những người không ăn chay ở chùa thì kéo nhau ra các quán chay. Lượng người đông khiến nhiều nhân viên phục vụ không kịp. Tất cả các quán chay lớn nhỏ trong TP đều đông nghịt. Thực khách vào quán chờ 15 phút mới được phục vụ. Khách mua đồ chay mang về còn đông hơn. Quán Thuyền Viên 1 (Nguyễn Văn Đậu, Bình Thạnh), Thiên Nhiên (Nơ Trang Long)...hàng trăm người đi xe máy đậu dài đường chờ mua thức ăn.
 
Chị Nguyễn Thị Kim (ở đường Lê Quang Định) chia sẻ, rằm tháng 10 được xem là ngày rằm lớn của người phương Nam, là dịp để cầu an cho gia đạo, cầu siêu cho người thân đã khuất nên nhiều người ăn chay. Ai cũng muốn tâm mình thật bình lặng để mọi điều cầu nguyện được như ý.

 
Hoài Lương